Kiến nghị đổi tên lễ hội Chém lợn thành Rước lợn

Google News

Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh vừa kiến nghị đổi tên lễ hội “Chém lợn” ở làng Ném Thượng thành lễ hội “Rước lợn”.

Sau những ồn ào của dư luận thời gian vừa qua về lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, mới đây, ngày 30/1/2015, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị đổi tên lễ hội “Chém lợn” ở làng Ném Thượng thành lễ hội “Rước lợn”.
Theo đó, văn bản này đề nghị: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội “Chém lợn” thành lễ hội “Rước lợn” từ mùa lễ hội năm 2015. Đồng thời thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn). Không để tình trạng người dân sử dụng tiền nhúng vào máu lợn.
Ngoài ra, điều chỉnh tục “Chém lợn” tại giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh, và hạn chế cơ bản được tình trạng người dân dùng tiền nhúng vào máu lợn.
Kien nghi doi le hoi chem lon thanh ruoc lon
 Một số hình ảnh tại lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh - Ảnh: Animals Asia cung cấp
Trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng ngày 5/2, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh còn cho biết thêm, trong lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng năm 2015, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh phải cử người giám sát lễ hội chém lợn, để lễ hội không diễn ra ở giữa sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người mà chỉ diễn ra trong khu vực phía sau sân đình, có ít người được chứng kiến.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, phụ trách về lễ hội cho biết, trước đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn về việc điều chỉnh lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng cho phù hợp với xu hướng hiện đại. Nhưng vì mới đây, Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) lại có thông cáo báo chí kêu gọi lấy chữ ký cộng đồng phản đối lễ hội chém lợn này nên Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh lại tiếp tục có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh lễ hội này cho phù hợp với hiện tại.
Ông Ảnh phân tích, sở dĩ có lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng là do người dân địa phương quan niệm tia máu phun ra từ việc chém lợn mang hình ảnh của tia chớp, tượng trưng cho sự no ấm, sung túc trong năm mới. Đồng thời, lễ hội cũng là sự tôn vinh người có công chống giặc ngoại xâm là tướng quân Đoàn Thượng.
Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào những lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước.
“Mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong các lễ hội dân gian truyền thống của người Việt đều có nguồn gốc và lý do. Chỉ có điều khác biệt là trước kia, những hoạt động như chém lợn trong lễ hội được diễn ra trong phạm vi cộng đồng của người dân ở địa phương đó thôi...
Tôi đề nghị là nếu những hoạt động như chém lợn ở Bắc Ninh mà chưa bỏ được thì các cơ quan chức năng nên để người dân địa phương tổ chức nghi lễ đó trong phạm vi hẹp của cộng đồng địa phương đó thôi, không cho người ngoài vào để xem.
Đến một lúc nào đó, khi cộng đồng địa phương tự thấy những hình thức sinh hoạt lễ hội đó không phù hợp nữa thì họ sẽ tự chấm dứt” – GS. Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 27/1, Animals Asia đã phát đi thông điệp kêu gọi lấy chữ ký của cộng đồng để các cơ quan chức năng Việt Nam sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh. Animals Asia đưa ra quan điểm rằng: “Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng”.
Tổ chức này cũng đưa ra lời khuyến cáo: “Những lễ hội sử dụng động vật như những công cụ, thay vì tôn trọng chúng như những sinh mệnh sống biết cảm nhận sự đau đớn và có khả năng nhận biết sự chịu đựng này, đang làm phai mờ đi truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam”.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)