Không thấy thùng rác trên vỉa hè Hà Nội do...dân ăn cắp

Google News

Đơn vị quản lý đã có những lý giải bất ngờ về thực trạng không thấy các thùng rác trên vỉa hè Hà Nội.

Mặc dù hiểu rõ hành vi vứt rác bữa bãi, không đúng nơi quy định là gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh và có thể bị xử phạt đến 7 triệu đồng, nhưng có thể thấy tình trạng người dân tập kết rác thải sinh hoạt ra một số vỉa hè hay lề đường vẫn diễn ra một cách tùy tiện.
Để biện minh cho hành động vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định, nhiều người dân giải thích, vì không có thùng rác trên vỉa hè nên đành để rác không đúng chỗ.
Trả lời phóng viên VTC News về việc này, ông Lê Văn Thu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện vấn đề quy hoạch, quản lý và sử dụng thùng rác trên địa quận đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Nhiều thùng rác “không cánh mà bay”
- Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Sở đã cấp 1.500 thùng rác đặt tại các điểm công cộng, khu dân cư trên toàn địa bàn Hà Nội. Vậy, số lượng thùng rác đặt tại quận Cầu Giấy là bao nhiêu và có đủ phục vụ nhu cầu của người dân không thưa ông?
Hiện nay các thùng rác đặt trên địa bàn quận Cầu Giấy đều do đơn vị trúng thầu về dịch vụ công ích vệ sinh môi trường đầu tư để đưa vào vận hành và khai thác. Chúng tôi chưa nhận được bất kì thùng rác nào do trên Sở cấp xuống cả.
Số lượng thùng rác đã đặt trên toàn quận Cầu Giấy hiện nay là 180 thùng.
Khong thay thung rac tren via he Ha Noi do...dan an cap
 Theo ông Lê Văn Thu, Phó Giám đốc BQL dự án Đầu tư và Xây dựng quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì tình trạng thiếu thùng rác ở các tuyến phố Hà Nội hiện nay là do dân ăn cắp.
Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ đặt thêm 150 thùng rác trên các tuyến phố ở địa bàn quận vào ngày 1/5 tới. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là sẽ đặt khoảng 500 thùng rác trong năm nay.
Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa đặt hết được 500 thùng như dự kiến vì còn gặp phải nhiều vướng mắc.
- Ông vừa nói đến những vướng mắc trong việc đặt thùng rác, cụ thể là những gì?
Vướng mắc chủ yếu là do tình trạng mất cắp các thùng rác xảy ra rất phổ biến. Các thùng rác sau khi đặt trên các tuyến phố thường xuyên bị mất cắp.
Trước đó, chúng tôi đã đặt 180 thùng rác, nhưng đến nay đã mất gần một nửa, hiện chỉ còn khoảng 100 thùng.
Đặc biệt là khu vực các tuyến đường chính, hầu hết các thùng rác đều bị lấy cắp. Mỗi thùng rác hiện có giá khoảng trên 3 triệu đồng, đơn vị quản lý môi trường đã bị thiệt hại rất nhiều.
Chúng tôi rất muốn đặt các thùng rác cố định ở trên các tuyến phố lớn hoặc các nơi công cộng để hạn chế tình trạng dân xả rác ra ngoài đường, nhưng mà hễ cứ đặt hôm trước thì hôm sau lại mất cắp, hoặc bị đánh tráo.
Khong thay thung rac tren via he Ha Noi do...dan an cap-Hinh-2
 Số thùng rác đặt trên các tuyến phố, khu dân cư ở quận Cầu Giấy là 180 thùng. Tuy nhiên đến nay đã bị mất cắp gần một nửa.
Có trường hợp thùng rác đặt trước cửa hàng, quay đi quay lại chỉ mấy tiếng sau đã “không cánh mà bay” rồi. Hoặc lại có trường hợp thùng rác bị đánh tráo. Đặt thùng rác mới nhưng chỉ qua một đêm thì thùng rác lại bị thay bằng thùng rác cũ.
Các trường hợp mất cắp và đánh tráo thùng rác phổ biến nhất là khi đặt thùng rác qua đêm. Trước kia chúng còn đặt thùng rác qua đêm để người dân khi đi chơi, đi dạo có chỗ bỏ rác vào. Nhưng mà đặt qua đêm đa phần là sáng hôm sau thùng rác bị mất.
Thế nên bây giờ cứ đêm là chúng tôi thu hồi thùng rác về hết. Tất nhiên làm thế này thì rất bất tiện vì vừa mất thời gian, lại vừa mất công sức vì trong một đêm, rác lại bị xả ra đường, sáng hôm sau công nhân lại phải quét dọn. Nhưng không làm thế thì không được.
Quận bảo phường, phường đùn cho tổ
- Trước tình trạng mất cắp thùng rác thì phía cơ quan chức năng có biện pháp gì không, thưa ông?
Nói thực là chúng tôi cũng chưa tìm ra biện pháp gì hữu hiệu để hạn chế tình trạng mất cắp trên. Sau khi tình trạng này xảy ra, chúng tôi đã xuống các phường làm việc. Khi đề nghị giao thùng rác cho các phường quản lý thì phía phường bảo là họ không thể ôm đồm hết được.
Trong khi đó thì camera giao thông cũng không thể quay được cảnh các thùng rác bị lấy cắp vì góc quay không hướng tới được bởi hiện nay các thùng rác chủ yếu đặt ở các ngõ, các lối ra của khu dân cư.
Khong thay thung rac tren via he Ha Noi do...dan an cap-Hinh-3
 Bảng giá dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2017 của TP Hà Nội.
Các phường đề nghị phương án là bàn giao các thùng rác ấy cho các tổ dân phố quản lý. Tuy nhiên các tổ dân phố lại có ý kiến phản hồi là không muốn nhận, vì họ đưa ra lý do là họ không thể lúc nào cũng đi canh những thùng rác ấy được.
Chính vì vậy, chúng tôi đang tìm cơ chế là giao thùng rác ấy cho những gia đình hoặc các chủ cửa hàng mà có đặt thùng rác ở trước cửa để nhờ họ trông giúp.
Tuy nhiên, điều này về nguyên tắc thì khó thực hiện. Ban ngày họ còn quản lý được, chứ ban đêm thì khó. Đó là chưa nói đến chuyện rất ít người dân muốn đặt thùng rác trước cửa nhà mình, nhất là các hộ kinh doanh. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động người dân rất nhiều nhưng mà cũng rất khó khăn.
- Hiện nay, theo quy định, hành vi xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định bị xử phạt rất nặng, mức phạt có thể lên đến 5 - 7 triệu đồng. Việc thực hiện xử phạt đối hành vi xả rác này ở quận thực hiện như thế nào, thưa ông?
Theo quy chế xử phạt của Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định bị xử phạt hành chính với mức phạt khá cao. Do vậy mà tình trạng xả rác bừa bãi của người dân cũng đã giảm đi rất nhiều.
Khong thay thung rac tren via he Ha Noi do...dan an cap-Hinh-4
 Quận Cầu Giấy đã xử phạt hành vi xả rác bừa bãi theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ và nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.
Hiện nay theo giờ thu gom rác là từ 18h, nghĩa là từ 18h trở đi là người dân được phép đem rác ra ngoài đường để công nhân thu dọn rác thu gom và chuyển đi. Bởi vậy mà sáng ra còn rất ít rác và ban ngày thì rất ít các hộ dân xả rác bừa bãi như trước.
Chúng tôi cũng đã có chế tài xử phạt rất nặng đối với hành vi xả rác bừa bãi nên tình trạng này cũng đã giảm rất nhiều, không còn như ngày trước nữa.
Về xử phạt thì được giao cho các phương thực hiện và phường sẽ trực tiếp xử phạt. Chúng tôi chỉ quản lí chung, phối hợp cùng trong các cuộc ra quân.
Nhưng phải nói là tình trạng xả rác bừa bãi hiện nay đã giảm đi rất nhiều. Một phần cũng là nhờ chế tài. Từ khi thực hiện Nghị định 155 đến nay, chúng tôi đã xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm, đến nay đã thu được hơn 2 tỷ đồng để nộp ngân sách nhà nước.
- Trong vấn đề quy hoạch thùng rác, ông có kiến nghị gì không?
Dưới góc độ là một người trực tiếp quản lý, tôi cho rằng vấn đề đặt thùng rác ở Hà Nội hiện nay đang gặp phải ba vấn đề. Thứ nhất đó là tình trạng mất cắp, thứ hai là đánh tráo, thứ ba là hủy hoại thùng rác.
Vấn đề thứ nhất và thứ hai tôi đã nói ở trên, còn vấn đề thứ ba là hủy hoại thùng rác hiện nay cũng rất phổ biến. Tôi lấy ví dụ như nhiều gia đình họ đun bằng than tổ ong, họ ném than tổ ong khi còn đang nóng vào thùng rác, đây cũng là nguyên nhân khiến các thùng rác nhanh hỏng. Bởi đa số hiện nay thùng rác của ta vẫn chưa phải là thùng rác có khả năng chịu nhiệt cao.
Vì thế chúng tôi kiến nghị trong quy hoạch thùng rác thì TP Hà Nội cần phải chú ý đến ba điểm.
Thứ nhất là về chủng loại thùng rác. Tôi đề nghị cần quy định một loại thùng rác có tính đặc thù, không có trên thị trường. Thành phố nên quy định chỉ nên có một loại thùng rác nào đó dành riêng cho thành phố mà ở thị trường không bán.
Thùng rác này cần có những đặc thù về kích thước, nhãn hiệu, màu sắc... thì người dân mới khó đánh tráo. Tuy nhiên cái này cần phải đồng bộ và đồng loạt, bởi đặt theo lô hàng mà ít quá thì nhà sản xuất họ cũng không làm.
Thứ hai là vấn đề quản lý thùng rác. Thành phố cần phân định rõ là quản lý thùng rác nên giao cho ai, thời gian như thế nào. Vì đơn vị môi trường họ không thể ôm đồm hết được.
Hiện nay thành phố thì đang yêu cầu phải đặt thùng rác cố định và toàn thời gian 24/24, nhưng như tôi đã nói, đặt toàn thời gian thì lại xảy ra tình trạng đánh tráo và mất cắp. Nên đây là vấn đề phải xem xét kỹ để tìm ra giải pháp sao cho phù hợp.
Thứ ba, quan trọng nhất vẫn phải là phân loại rác ngay từ nguồn. Đâu là rác vô cơ, đâu là rác hữu cơ, chúng ta phải phân loại được và từ đó bỏ vào những thùng rác phù hợp thì mới giải quyết được vấn đề xả rác bừa bãi hiện nay. Hiện nay khâu này chúng ta còn tương đối yếu.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Lưu Thủy/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)