Giải quyết ùn tắc giao thông thì 2000 tỉ chỉ như “muối bỏ biển”

Google News

(Kiến Thức) - Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị thì cần đến rất nhiều giải pháp với chiến lược lâu dài.

Không có ý nghĩa trong giảm ùn tắc
UBND Hà Nội vừa có tờ trình nêu dự kiến tổng vốn gần 2.200 tỷ đồng thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh quản lý quy hoạch, xây dựng còn nhiều bất cập. Đây có phải là tín hiệu vui cho người tham gia giao thông ở Hà Nội?
Bản thân tôi thấy số tiền đưa ra với mục đích giảm ùn tắc như vậy là chưa sát với thực tế, có phần bất cập, không hợp lý. Bởi chống ùn tắc không đơn giản. Nó yêu cầu nhiều giải pháp đồng bộ, mỗi giải pháp cần rất nhiều tiền, chứ không đơn giản chỉ là làm một đoạn đường, một tuyến xe.
Đó đâu phải là số tiền nhỏ?
Đúng thế, nhưng so với chiến lược phát triển giao thông làm sao cho có quy hoạch, bài bản, có tầm nhìn lâu dài, thì số tiền đó là quá nhỏ để làm được. Để tổ chức lại giao thông, hạ tầng phải đổi mới, nâng cấp, hiện đại hóa lên, đường mở rộng ra. Chỉ riêng khoản này thôi đã lên đến vài chục nghìn tỉ đồng. Rồi phát triển phương tiện giao thông công cộng thế nào, trong khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trong những thành phố có giao thông công cộng yếu kém nhất trên thế giới. Các thành phố có quy mô vài triệu dân như thế, người ta luôn bố trí xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, các tuyến metro, tàu ngoại thành… còn ở ta mới chỉ có xe buýt. Trong khi để đầu tư những cái đó, lại cần đến rất rất nhiều tiền.
Giai quyet un tac giao thong thi 2000 ti chi nhu “muoi bo bien”
 TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải.
Nhiều như thế nào thưa ông?
Để làm 1km đường tàu điện ngầm sẽ mất khoảng 100 triệu USD, làm đường sắt trên cao thì chi phí bằng 1/3 so với làm ngầm. Ở ta, mới làm thử nghiệm có một vài tuyến đường sắt trên cao mà đã đội vốn đến mức bằng với làm đường tàu điện ngầm rồi. Mức giá đó theo tính toán của tôi thì đắt gấp 1,5 đến 1,9 lần so với thế giới. Rồi đến quản lý Nhà nước về giao thông và nâng cao nhận thức cho người dần thì cần đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Những hạng mục như lắp đặt giao thông thông minh, đầu tư cho công an, thanh tra giao thông, hiện đại hóa hệ thống tín hiệu, đèn đường hợp lý.
Nói như thế thì biết đến bao giờ mới làm hết được?
Để giảm ùn tắc, thiết kế lại hệ thống giao thông thì phải làm thế. Ở các nước họ có xa lộ đèn xanh, cứ xe đến gần mà không có vật cản thì đèn sẽ tự động xanh, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người đi đường. Rồi cả kết hợp giao thông với kiến trúc nữa, giảm sức ép nhà cao tầng trong nội đô, di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện, công sở ra ngoại thành thì mới giải quyết được vấn đề. Tôi thấy còn nhiều thứ ngổn ngang lắm. Thế mà bảo giải quyết trong hai nghìn tỉ đồng thì chẳng khác nào “muối bỏ biển”, không có ý nghĩa chống ùn tắc, cũng không hiệu quả và dường như là thiếu tầm nhìn.
Giải quyết ùn tắc, tăng trưởng GDP
Các đại biểu dự cuộc họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khi nghe về Nghị quyết chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 đều nhất trí tán thành, ít ý kiến thảo luận. Quan điểm của ông dường như là trái ngược với các đại biểu?
Tôi nghĩ có những người không biết, chưa hiểu về vấn đề ùn tắc giao thông. Như tôi đã nói, muốn giải quyết ùn tắc cần phải làm đồng bộ, đầu tư lớn, phân vùng ra. Ví dụ năm nay đầu tư 10 nghìn tỉ, sang năm đầu tư 20 nghìn tỉ và đạt mục tiêu năm nào là phải hoàn thành. Còn đầu tư một khoản không nhỏ, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu cả thì cũng không mang nhiều ý nghĩa.
Ý ông là hiệu quả của bài toán đầu tư?
Đúng thế. Tôi ví dụ đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đầu tư vô cùng lớn, tất nhiên là có đường đó thì rất tiện, nhưng nhu cầu đi lại, lưu lượng xe chưa nhiều. Rồi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đầu tư 45 nghìn tỉ đồng trong khi nhu cầu sử dụng chưa bức thiết đến thế, thì cũng là bài toán đầu tư chưa phù hợp. Giả sử như trong một gia đình, thu nhập mỗi tháng là 5 triệu đồng, thì phải cân nhắc xem nên ăn uống cái gì, dành ra được khoản gì để tiết kiệm, chứ không thể đi ăn nhà hàng một bữa hết cả 4 triệu thì những ngày khác biết ăn gì. Tôi đặt câu hỏi về tính hiệu quả của những công trình mà chúng ta đầu tư, có ai tính toán cụ thể hay chưa? Trong khi đó, giao thông đô thị là vấn đề cực kỳ bức thiết, cần phải đầu tư rất nhiều lần so với khoản tiền đó.
Nhưng đầu tư của chúng ta vào giao thông đô thị đâu phải là ít?
Đúng thế, nhưng chưa có tầm chiến lược lâu dài, bài bản. Nếu giải quyết được ùn tắc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì GDP chắc chắn sẽ tăng. Tính toán sơ bộ, ùn tắc gây thiệt hại đến 1,5 tỷ USD/năm ở cả hai thành phố hiện nay. Đầu tư cái gì trước, cái gì sau thì phải cân nhắc và đảm bảo được các yếu tố như tôi nói. Quan trọng ở người điều hành, lãnh đạo. Khi dân số là 5 triệu thì giao thông cần phát triển thế nào, tương lai dân số tăng lên nữa thì giao thông phải đáp ứng ra sao…
Đừng đổ lỗi cho dân
Hiện nay, một trong những vấn đề nổi cộm của giao thông chính là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Người nọ chen người kia để vượt lên, bất chấp vỉa hè hay lòng đường, bởi thế mà ùn tắc càng nghiêm trọng. Ông có nghĩ thế?
Chúng ta đầu tư nhiều để giáo dục, tuyên truyền về luật giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông. Điều này là cần thiết để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. Nhưng tôi cũng thấy buồn cười là sao cái gì người ta cũng đổ hết lỗi cho người dân, còn người quản lý, điều hành thì lại chẳng có trách nhiệm gì. Người ta chỉ hô hào suông rằng nên thế này, nên thế kia mà không có giải pháp kinh tế chiến lược trong vấn đề giao thông thì rất khó để khắc phục. Để giải quyết dứt điểm thì những điểm đen giao thông, những nơi mà người dân phải đu dây qua sông, hãy đầu tư bài bản, giải quyết ngay. Đừng chờ đến khi có tai nạn rồi thì mới lại chia buồn, chung tay giúp đỡ nọ kia.
Vậy mấu chốt của ùn tắc là quản lý?
Nhật Bản năm 1960 mỗi năm có 13 nghìn người chết vì tai nạn giao thông. Sau đó họ cải tạo hạ tầng, phát triển hiện đại hóa giao thông đô thị, các tuyến cấu trúc chính thường là 2 -3 tầng, đường giao thông ngầm hóa nên đến nay, dù phương tiện có tăng lên đến vài chục lần, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm xuống còn 5,5 nghìn người/năm, bằng 1/3 Việt Nam. Mấu chốt của mọi vấn đề chính là ở hạ tầng giao thông chứ không phải nay xây cái cầu vượt, mai xây thêm tuyến xe buýt là có thể giải quyết được.
Nếu để góp ý trực tiếp cho Hà Nội để giảm ùn tắc, ông sẽ nói gì?
Đầu tư hơn 2 nghìn tỉ đồng chỉ góp một phần nhỏ giải quyết vấn đề không cơ bản của ùn tắc. Đừng mải mê đầu tư những đâu đâu mà không hiệu quả. Hãy tập trung đầu tiên vào giao thông đô thị, vì hiệu quả nó tạo ra cho xã hội là vô cùng lớn, không thể tính toán hết. Và thiệt hại của nó gây ra nếu không được đầu tư bài bản, cũng là trở ngại rất lớn cho sự phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
UBND Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND đánh giá sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012-2015. Với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân (trung bình 10% năm), cùng những khó khăn về hạ tầng, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là từ khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và một số trục hướng tâm, đường vành đai, tai nạn giao thông ở mức cao. Tại tờ trình do Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký, dự kiến tổng vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 2.167 tỷ đồng. Trong đó 700 triệu đồng được sử dụng trong việc lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP vào năm 2016.
Tô Hội

Bình luận(0)