Ghen tuông thái quá có thể bị phạt lên tới 30 triệu

Google News

Ngay sau vụ đánh ghen ầm ĩ ở siêu thị Big C Hà Đông, một câu hỏi đặt ra, vậy có cơ chế nào bảo vệ cho người bị hại?

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS); Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS); Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS)
Ghen tuong thai qua co the bi phat len toi 30 trieu
Cô gái trẻ bị đánh ghen dã man trước cổng Siêu Thị Big C (Ảnh cắt từ clip) 
Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 qui định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc được Hiến pháp 2013 ghi nhận, Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 đã qui định những hành vi xâm phạm đến quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là phạm tội và quy định hình phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.
Mặt khác, cho dù không hề đánh đập, gây thương tích cho nạn nhân (tình địch) nhưng người nào có hành vi “ghen tuông thái quá” bằng cách lột quần áo của nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 về tội làm nhục người khác. Theo đó, tùy vào mức độ vi phạm mà bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù.
Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đồng thời, từ ngày 01/7/2016, “ghen tuông thái quá” bị phạt tiền đến 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư cũng cho hay, hành vi đánh ghen, làm nhục người khác cũng không phải là một giải pháp để níu kéo hạnh phúc gia đình. Nhiều khi nó còn làm trầm trọng hơn quan hệ vợ chồng. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh và hoạt động của con người đều phải dựa trên các chuẩn mực về pháp luật, đạo đức xã hội. Xét thấy quan hệ hôn nhân trầm trọng, vợ chồng không còn tình cảm, tôn trọng nhau thì có thể giải quyết ly hôn theo qui định của pháp luật.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)