Điều tra vụ cây rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị “bức tử” bằng chất độc

Google News

Từ đầu tháng 3/2017 đến nay, lực lượng bảo vệ rừng, thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phát hiện 124 cây rừng tự nhiên bị kẻ xấu đầu độc.

Theo ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, hiện đơn vị đang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng củng cố hồ sơ để đưa ra khởi tố điều tra vụ "bức tử" hàng trăm cây rừng tự nhiên bằng chất độc, vừa được phát hiện tại khu rừng này.

Từ đầu tháng 3/2017 đến nay, lực lượng bảo vệ rừng, thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phát hiện tại khoảnh 8, tiểu khu 43 có tổng cộng 124 cây rừng tự nhiên gồm cây cầy (kơ nia), cám, bằng lăng...có đường kính từ 10 cm-45 cm bị kẻ xấu lén lút khoan lỗ, vạt vỏ cây, sau đó chúng đổ thuốc độc (loại thuốc khai hoang 24 D) vào, với mục đích là làm cho cây rừng chết dần để lấn chiếm đất rừng làm rẫy.

"Với thủ đoạn tinh vi này, sau thời gian 15 ngày, cây rừng cho dù to lớn cỡ nào, thì cũng khô, héo lá chết dần, không thể nào cứu chữa được" ông Thới cho biết.
Dieu tra vu cay rung phong ho Dau Tieng bi “buc tu” bang chat doc
Một cây rừng tại tiểu khu 43, rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị vạt vỏ, đổ thuốc độc. Ảnh: Lê Đức Hoảnh / TTXVN
Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện giới Tân Châu, Tây Ninh) có tổng diện tích cần bảo vệ là 18.885 ha, trong đó có 12.852 ha rừng tự nhiên, trên 6.032 ha là rừng trồng. Do có đặc điểm địa hình phức tạp, diện tích rộng lớn, nằm trên nhiều làng, xã ven khu vực biên giới; xen kẽ với khu rừng còn tồn tại nhiều rẫy mì (sắn), cao su, cây ăn quả, chòi nhà dân ở tạm...lấn chiếm đất rừng chưa được giải quyết dứt điểm; trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, nên tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng lén lút chặt cành, khoanh gốc cây, đốt cháy rừng, nay còn thêm thủ đoạn "bức tử" cây rừng bằng thuốc hóa học một cách tinh vi, để lấn chiếm đất rừng làm rẫy.

Ông Nguyễn Văn Cư, Phó đội trưởng Đội quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, gần đây do bên tỉnh Bình Phước có xảy ra lốc xoáy, hàng chục ngàn nọc tiêu bị ngã đổ, người dân có nhu cầu lớn về cây cừ để chống chọi, khắc phục, nên kẻ xấu ồ ạt băng sông Sài Gòn vào rừng phòng hộ ăn cắp cây cừ, đưa xuống thuyền, bè đem về bán cho người dân Bình Phước để chống nọc tiêu. Theo ông Cư, chỉ trong 2 ngày 15 và 16/2 mở đợt kiểm tra tại khu vực tiểu khu 58, Đội quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phát hiện có 658 cây cừ (đường kính từ 6 cm-35 cm, dùng để chống nọc tiêu) bị đốn hạ, thân cây bị đem đi, chỉ còn trơ gốc.

Trước tình trạng rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị tác động mạnh, bên cạnh việc kiên quyết điều tra, xử lý các đối tượng cố tình phá hoại cây rừng, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu phối hợp với Đội quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng tăng cường kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm, vừa phòng chống cháy rừng trong mùa khô vừa bảo vệ, phát hiện kịp thời các trường hợp phá hoại, chặt phá cây rừng để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Sắp tới, tỉnh sẽ bố trí 1 tổ kiểm lâm cơ động xuống rừng phòng hộ Dầu Tiếng nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng tại chỗ điều tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ phá rừng, ăn cắp cây rừng tại đây.
Theo Lê Đức Hoảnh / TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)