Đề nghị lập nhóm các cơ quan Quốc hội theo dõi tái cơ cấu

Google News

Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu của Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội chiều 20/10.

Cụ thể, báo cáo nhận định, quá trình cơ cấu 2011 - 2015 đã bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu..
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi.
Ông Vũ Hồng Thanh: Có ý kiến đề nghị thành lập nhóm theo dõi việc tái cơ cấu gồm đại diện các cơ quan Quốc hội. 

Việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu là khâu yếu nhất do vậy Ủy ban yêu cầu cần quyết liệt hơn. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 để nâng cao tính pháp lý triển khai tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời đề nghị tăng cường giám sát của Quốc hội. Thậm chí có ý kiến đề nghị thành lập nhóm theo dõi việc tái cơ cấu gồm đại diện các cơ quan Quốc hội.
“Đề nghị UBTVQH tăng cường chất vấn (2 - 3 lần/năm) về tái cơ cấu; đề nghị Chính phủ hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, báo cáo hàng quý gửi Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội khác”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế viết.
“Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, đáng chú ý kế hoạch đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm gồm: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế: Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Theo T.Nam/Tổ Quốc

Bình luận(0)