Công an viên đánh chết học sinh vốn có máu giang hồ

Google News

Dư luận Khánh Hòa xôn xao vụ Lê Minh Phát đánh chết em học sinh lớp 9, tên này vốn có tiền sử côn đồ, hung hăng, máu giang hồ.

Sau phiên tòa ngày 14/11, nhiều người đặt câu hỏi Lê Minh Phát, cựu công an viên đánh chết em học sinh lớp 9, là ai mà tỏ ra côn đồ, hung hăng khi đạp ghế tòa án để phản ứng HĐXX TAND huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Trong khi đó, người dân xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) vẫn bàn tán xôn xao cho rằng đây là hậu quả tất yếu của một kẻ có máu giang hồ được tuyển dụng làm công an viên.
 
“Thằng này không bị ở tù mới lạ!”
Khi nghe nhắc chuyện Phát vừa ra tòa, nhiều người dân xã Vạn Long thốt lên: “Thằng này không ở tù mới lạ!”
“Lâu nay cả xã này ai cũng biết nó (tức Phát - PV) là thằng côn đồ, bợm bãi. Đám thanh niên ở đây ớn nó lắm vì nó rất hung hăng lại có võ. Từ khi nó làm công an, hầu như nó chẳng sợ ai. Chắc người ta “lấy độc trị độc”, cho nó làm công an để trị lại đám thanh niên quậy phá” - bà Nguyễn Thị L., ngụ thôn Long Hòa, xã Vạn Long, nói.
Người dân địa phương kể: Cách đây mấy năm, trước khi tham gia tổ tự quản rồi làm công an viên, Phát cầm đầu một nhóm thanh niên thôn Hải Triều (nơi Phát cư ngụ) thường xuyên đánh nhau với nhóm thanh niên thôn Ninh Thọ. Nguyên nhân chỉ vì giữa Phát và hai thanh niên thôn Ninh Thọ xích mích nhau sau một lần va chạm xe. Không ít lần ban đêm Phát kéo cả đám thanh niên đến xã Vạn Phước lân cận gây gổ, đánh nhau và được công an địa phương ngăn chặn, giải quyết.
Một công an viên xã Vạn Long (đề nghị không nêu tên, dù anh chấp nhận cho PV ghi âm lời của mình) tỏ ra bức xúc khi nhắc về Phát. Anh kể do Phát từng nhiều lần đánh nhau với thanh niên thôn Ninh Thọ và vẫn còn mâu thuẫn nên mỗi khi thôn này xảy ra việc gì, lãnh đạo công an xã không phân công Phát đến giải quyết. “Hồi mới làm công an viên, khi đang làm việc với một thanh niên, Phát bất ngờ thoi mấy cú làm người này ngã nhào 3-4 m. Thấy vậy, một số anh em vào can ngăn” - vị công an viên xin giấu tên kể lại.
Còn theo một cán bộ xã Vạn Long, khi đến cơ quan làm việc, Phát ít khi mặc đồng phục công an xã. Thế nhưng mỗi khi chở hàng cho đại lý mua bán hải sản của gia đình, Phát đều mặc đồng phục công an xã.
Bảo vệ vũ trường thành công an viên
Theo hồ sơ PV thu thập được, sau khi học xong lớp 12, Lê Minh Phát vào Nha Trang học võ và trở thành “đệ tử ruột” của một võ sĩ nổi tiếng ở thành phố này. Từ năm 2009, Phát tham gia CLB võ thuật Khánh Hòa và từng đoạt huy chương vàng quyền Anh.
Trong thời gian sống ở Nha Trang, Phát làm bảo vệ cho một vũ trường. Cuối năm 2011, khi đang làm bảo vệ vũ trường, Phát mâu thuẫn, đánh nhau với một nhóm giang hồ, làm một thanh niên bị thương. Lo ngại bị trả thù, Phát trở về quê Vạn Ninh. Thời gian đầu, Phát không về nhà ở xã Vạn Long mà ở nhà một người quen ở thị trấn Vạn Giã.
Đầu năm 2013, Phát được trưởng thôn Hải Triều đưa vào tổ tự quản. Đến ngày 1/11/2013, Phát được ông Võ Văn Hòa, Trưởng Công an xã Vạn Long, tuyển dụng làm công an viên thường trực. Chưa đầy hai tháng sau, Phát vô cớ bắt và đánh chết em Tu Ngọc Thạch, một học sinh lớp 9.
Một lãnh đạo Công an xã Vạn Phước, lân cận Vạn Long cho biết đến nay vụ đánh nhau giữa Lê Minh Phát và nhóm thanh niên ở Nha Trang vẫn chưa giải quyết xong. Biết khá rõ về Phát, vị lãnh đạo công an xã này nói: “Không thể hiểu nổi một người như Phát lại được tuyển làm công an viên thường trực!”.
PV đặt vấn đề với ông Võ Văn Hòa, Trưởng Công an xã Vạn Long, rằng: “Dư luận thắc mắc vì sao một người có máu giang hồ như Phát được tuyển làm công an viên?”. Ông Hòa nói: “Tôi không nghe! Đó là chuyện người ta nói, còn địa phương thì làm theo quy định. Việc tuyển Phát làm công an viên là căn cứ vào pháp luật chứ tôi không có thẩm quyền”.
Lời giải thích của VKSND huyện Vạn Ninh
Thưa ông, dư luận thắc mắc vì sao VKS không truy tố Lê Minh Phát (người đã đánh chết em Tu Ngọc Thạch) tội giết người mà chỉ truy tố tội cố ý gây thương tích?
Ông Ngô Văn Phước (Phó Viện trưởng VKSND huyện Vạn Ninh, người giữ quyền công tố tại tòa, ảnh): Hành vi của người ta như thế nào thì mình truy tố như thế ấy. Luật quy định hành vi anh gây ra như thế nào thì chịu trách nhiệm ở mức đó. Người ta cố ý gây thương tích thì mình truy tố cố ý gây thương tích. Cũng có thể có người nói Phát đánh như thế là giết người luôn chứ không phải gây thương tích. Tội giết người là có ý thức mong muốn người ta chết. Ở đây, Phát không mong muốn em Thạch chết. Quá trình điều tra đã đánh giá toàn bộ chuỗi hành vi. Phát đánh thế này, thế nọ, đánh như thế thôi chứ ý thức của bị cáo này là không phải đánh cho chết.
Khi luận tội, ông chỉ đề nghị xử phạt Phát từ năm năm đến năm năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Vì sao ông đề nghị mức án thấp nhất trong khung hình phạt của khoản 3 Điều 104 BLHS?
Điều 104 có khởi điểm là năm năm, cao nhất là 15 năm. Cái này không theo công thức nào cả và nó cũng không áp đặt. Do đó, theo tính chất, mức độ, điều kiện, nhân thân… người ta sẽ cân nhắc mức án nào nằm trong khung đó cho phù hợp với hành vi gây ra.
Nhưng với tính chất, mức độ hành vi của Lê Minh Phát và hậu quả gây ra, đề nghị như thế là quá nhẹ?
Tại vì vụ này không phải chỉ riêng bản thân bị cáo Phát, mà đầu tiên là do bị cáo Lê Tấn Khỏe ném cái vỏ chai. Sau đó bị cáo Phát tác động kép. Chính vì hai mối quan hệ tác động cộng lực với nhau như thế thì mới dẫn đến hậu quả. Nếu như bây giờ chúng ta tách hai hành vi thành hai con người cụ thể thì chưa chắc cái gì đã xảy ra. Nhưng khi đã bị cộng hưởng như vậy rồi, hậu quả đã xảy ra như thế thì mình phải xử lý theo hậu quả xảy ra. Còn trong quá trình xử lý thì mình cân nhắc, cân đong đo đếm, xem xét tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ. Cứ theo pháp luật mà mình giải quyết thôi.
Nói xử nhẹ hay nặng thì cái này người ta phải cân đong đo đếm, theo nhiều chiều hướng, mặt nào xấu, mặt nào tốt của bị cáo. Do đó, lúc nào cũng hai chiều hết mà không theo một chiều. Cái gì tốt của người ta thì ghi nhận, cái gì xấu của người ta thì phải xử lý. Chứ còn bây giờ nói nặng hay nhẹ thì không thể nói như thế nào gọi là nặng, như thế nào gọi là nhẹ được. Cái này tùy theo điều kiện hoàn cảnh.
Theo người nhà em Thạch, trước khi chết nạn nhân nhiều lần kể đã bị Phát dùng mũ bảo hiểm đánh ba, bốn cái vào đầu. Tại tòa, các luật sư cho rằng cơ quan điều tra đã cố tình bỏ vật chứng quan trọng là chiếc mũ bảo hiểm của Phát đánh rơi, thu được khi khám nghiệm hiện trường. Vì sao không xem chiếc mũ bảo hiểm này là vật chứng để xem xét vụ án một cách toàn diện?
Về chiếc mũ bảo hiểm này, cơ quan điều tra đã làm việc rồi, cũng đã hỏi, xác minh rồi. Nếu tại thời điểm điều tra, cơ quan điều tra không đề cập gì đến cái mũ, cũng không hỏi, không đi xác minh thì đó là bỏ sót. Còn ở đây người ta đã làm hết rồi nhưng không xác định được. Do đó bây giờ nói cái mũ là không có cơ sở.
Xin cám ơn ông!
Theo Pháp Luật

Bình luận(0)