Con tố cha mẹ chiếm đoạt 5 sổ tiết kiệm hơn 43 tỷ

Google News

Theo trình bày của ông Trung, ông bị cha mẹ chiếm đoạt 5 sổ tiết kiệm hơn 43 tỷ đồng.

Theo trình bày của ông Trung, ông đã bị lừa đến ngân hàng ký tên vào những tờ giấy trắng. Sau đó, ông này tá hỏa khi phát hiện 5 sổ tiết kiệm trị giá hơn 43 tỷ đồng của mình đã bị sang tên cho cha mẹ ruột của ông…
Ký tên dự thưởng bỗng thành ký tên chuyển nhượng?
Theo trình bày của ông Lê Đình Trung (36 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) về việc bị cha mẹ chiếm đoạt 5 sổ tiết kiệm, vào ngày 1/6 vừa qua, trong lúc ông và vợ đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ thì nhận điện thoại từ ông Lê Hữu Phước (cha ruột ông Trung) kêu ông đến Ngân Hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ (đường Phan Văn Trị, quận Ninh Kiều) để ký tên dự thưởng. Tổng cộng ông Trung đến ngân hàng 3 lần và gặp một nhân viên tên Lan Anh đưa cho ông những tờ giấy trắng (A4) để ký tên vào. Thấy lạ, ông Trung hỏi thì được trả lời: “Ở đây chỉ làm dùm cho Tố Như là nhân viên Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang chứ chị Lan Anh không biết, mọi giấy tờ của chúng tôi sẽ được gởi fax nhanh (bưu điện) về An Giang để điền tất cả thông tin vào”. Do bận việc, cộng thêm sức khỏe hai vợ chồng không tốt, nên vợ chồng ông Trung đã ký tên rồi ra về.
Con to cha me chiem doat 5 so tiet kiem hon 43 ty
 Đơn khiếu nại của ông Trung.
Cho đến tối 4/7/2016, ông Trung tá hỏa khi phát hiện ra toàn bộ sổ tiết kiệm của gia đình ông đã bị mất. Sáng hôm sau, ông Trung đến Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ thì được nhân viên Lan Anh cho biết, những tờ giấy mà gia đình ông đã ký là giấy ủy quyền và chuyển nhượng.
Trưa cùng ngày, vợ chồng ông Trung đến Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang đề nghị xin toàn bộ giấy tờ đã ký tại Cần Thơ, nhưng ngân hàng nói giấy tờ đó đã giao hết cho cô Hồng (mẹ ông Trung) và chú Phước giữ. Ngoài ra, toàn bộ số tiền hơn 43 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm đã chuyển nhượng qua người khác là cha mẹ ruột của ông Trung.
“Chúng tôi đã ký vào những tờ giấy trắng do giao dịch viên Lan Anh ở Cần Thơ cung cấp, không hề yêu cầu ngân hàng thực giao dịch chuyển nhượng. Thêm vào đó, chúng tôi đang sống và làm việc ở An Giang, nếu có nhu cầu chúng tôi chỉ cần đến chi nhánh An Giang để thực hiện giao dịch, chứ cần gì đến Cần Thơ”, ông Trung cho biết.
Không có dấu hiệu phạm tội
Vào ngày 21/7, ông Trung đã làm đơn tố giác Ngân hàng Việt Á đã thông đồng với ông Phước và bà Hồng để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng 5 sổ tiết kiệm tới cơ quan cảnh sát điều tra Công An TP.Cần Thơ.
Đến ngày 21/9, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã trả lời bằng văn bản cho vợ chồng Trung, kết luận rằng: Đã ra quyết định không khởi tố hình sự vụ án do không có sự việc phạm tội đối với ông Phước và bà Hồng.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi bị con ruột tố chiếm đoạt tài sản, ông Phước và bà Hồng đã làm đơn giải trình gửi Công an TP.Cần Thơ và Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ, An Giang. Trong đơn, vợ chồng ông Phước cho biết là mình người làm ăn kinh doanh lâu đời nên tích lũy được số tiền lớn. Tuy nhiên, vừa qua, gia đình ông đã xảy ra một số mẫu thuẫn liên quan đến tiền bạc. Có một dạo, vợ chồng ông đi thăm con, cháu ở nước ngoài, sợ gặp rủi ro tai nạn máy bay nên đã để Trung đứng tên 5 sổ tiết kiệm có kỳ hạn để lấy lãi. Đến ngày 1.6 vừa qua, vợ chồng Trung đã ký tên chuyển nhượng lại 5 sổ tiết kiệm cho cha mẹ. Đây là việc làm tự nguyện chứ không phải “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Trung đã vu khống. Cũng theo đơn này, vợ chồng ông Phước khẳng định, hai vợ chồng Trung không có cơ sở làm ăn riêng, còn trẻ tuổi, nên không thể có được số tiền lớn như vậy. Toàn bộ số tiền này đều là của ông bà làm ăn có được.
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Đức – Phó trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý (TP.Cần Thơ) - cho biết: Qua xem xét, vụ việc chưa thỏa mãn để cấu thành tội lừa đảo. Hành vi của ông Trung là “tự nguyện ký khống”, khi ký phải biết mình ký với nội dung gì, và bản thân ông Trung cũng đủ năng lực hành vi pháp luật, phải chịu trách nhiệm với hành vi giao dịch của mình. Nếu ông Trung cho rằng, hành vi này bị ép buộc thì ông phải có nghĩa vụ chứng minh và có chứng cứ đầy đủ. Theo luật sư Đức, việc này không khó, chỉ cần trích xuất camera an ninh ở ngân hàng vào hôm đó thì sẽ rõ ông Trung ký tên ra sao và ký với nội dung gì.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Quý Hiển – Phó phòng quan hệ công chúng (Ngân hàng Việt Á) - bác bỏ thông tin ông Trung cho rằng đã ký tên vào tờ giấy trắng. Theo ông Hiển, trong vụ việc này, ngân hàng đã làm đúng quy trình, đúng quy định Nhà nước, ông Trung đến ngân hàng 3 lần mới thực hiện được “hành vi ký tên”, và việc làm này hoàn toàn có ý thức. Phía công an cũng đã điều tra, xác minh và kết luận rõ vụ việc.
Theo Trần Lưu/Lao động

Bình luận(0)