Chi 53 tỷ đồng/năm cắt cỏ đại lộ Thăng Long

Google News

Chỉ 24km ở Đại lộ Thăng Long nhưng 1 năm riêng tiền cắt cỏ và một ít trúc đào, một ít hoa dâm bụt là 53 tỷ đồng.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiết lộ, sáng ngày 15/8, khi cùng đoàn đại biểu HĐND TP tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XV.
Bên cạnh đó, ông Chung cũng nói rõ định hướng thời gian tới, thành phố sẽ biến 98ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long như một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Nếu tạo ra rừng ở đây, chúng ta sẽ tạo ra 98 ha cây xanh ở đây. Nghĩa là 98ha đất không sẽ tạo thành rừng cây xanh tốt.
Cụ thể, Hà Nội sẽ trồng khoảng 45.000 cây xanh trên đại lộ này, trước mắt là trồng khoảng 20.000 cây cọ dầu theo 4 luống. Toàn bộ cây xanh được trồng trên Đại lộ Thăng Long được doanh nghiệp tặng. Hiện, công ty Việt Hưng tặng 10.000 cây, các công ty khác tặng 18.000 cây.
Chi 53 ty dong/nam cat co dai lo Thang Long
 Đại lộ Thăng Long mỗi năm ngốn 53 tỷ đồng để cắt cỏ, tỉa cây
“Công ty cây xanh và một số công ty khác trồng miệt mài từ đầu năm đến nay chưa hết 40 tỷ đồng. Cây xanh tồn tại được cả trăm năm, còn trồng cây hoa việc cắt tỉa rất lãng phí. Ở các nước người ta trồng cây tự nhiên để tạo cảnh quan chứ không làm tốn kém như mình”, ông Chung cho biết thêm.
Trước cử tri, ông Chung đưa ra thông tin, từ đầu năm 2016 đến nay thành phố đã đẩy mạnh trồng cây xanh, với chi phí chưa đến 40 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí để cắt cỏ trên địa bàn thành phố hàng năm rất lớn và lãng phí.
"Thành phố đã nhận thức được vấn đề này và yêu cầu tất cả các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7, theo đó sẽ tiết kiệm cho ngân sách thành phố mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng", ông Chung nói.
Sau thời này, việc cắt tỉa cây hoa cảnh, cỏ tại các vườn hoa nay chỉ được thực hiện ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số vị trí quan trọng khác.
Bởi vì, thực chất, khoảng 3 năm trở lại đây, thành phố đã thực hiện chính sách xã hội hóa trồng việc trồng cây xanh. Tuy nhiên, bản chất của việc xã hội hóa không phải là tiền của tư nhân bỏ ra, mà vẫn lấy tiền từ ngân sách thành phố để đặt hàng các doanh nghiệp trồng cây xanh.
“Đặt hàng nên nhiều công ty lao vào làm, khiến chúng ta không kiểm soát được chất lượng, vì vậy mới có tình trạng cây xanh bật gốc. Cách làm tới đây là chúng ta phải có đầu mối để kiểm soát chất lượng”, ông Chung nói.
Số tiền Hà Nội chi ra tiền cắt cỏ, tỉa cây ở Đại lộ Thăng Long, tuy chỉ có 24km, nhưng mất tới 53 tỷ/năm khiến dư luận nhớ đến số tiền Hà Nội đã chi ra để đánh mã số cây khi chặt hạ hàng loạt cây xanh tháng 3/2015.
Theo Sở Xây dựng, qua khảo sát 45.738 cây trên 470 tuyến phố tại 10 quận, sẽ thay thế 6.708 cây/190 tuyến phố với đơn giá 10 triệu đồng/cây, tổng dự toán hơn 73 tỉ đồng lấy từ ngân sách.
Trong đó, chi phí khảo sát hết 1 tỉ đồng, chặt hạ, thay thế cây mới, hoàn trả vỉa hè hết hơn 67 tỉ đồng, đánh mã số cây hết 4,5 tỉ đồng, tức đánh mã số mỗi cây hết khoảng 670 nghìn đồng.
Cũng liên quan đến chi phí đốn hạ cây xanh, theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1, các chi phí cho việc cắt tỉa cây, giải tỏa cây đổ, chặt hạ, đào gốc cây xà cừ có đường kính trên 120 cm đều ở mức trên 10 triệu đồng.
Cụ thể, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc.
Cũng với đường kính như trên, nếu chỉ cắt tỉa không sử dụng xe nâng thì chi phí là 13,3 triệu và trường hợp cây gãy đổ chi phí giải tỏa là trên 10 triệu đồng.
Theo Đất Việt

Bình luận(0)