Buồn vui phóng viên trực Tết

Google News

(Kiến Thức) - Những ngày Tết khi ai ai cũng được sum vầy đầm ấm bên gia đình thì với nhiều phóng viên, nhà báo, họ phải lang thang ngoài đường, thức trắng đêm... để trực Tết. 

Trong những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, đặc biệt là trong thời khắc giao thừa, hầu như ai cũng muốn được sum họp đầm ấm bên gia đình. Tuy nhiên, với nhiều nhà báo, phóng viên, vào cái thời điểm thiêng liêng, ý nghĩa nhất năm ấy, họ phải xa nhà, thức trắng đêm để đưa tin về không khí tết, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự, giá cả thị trường, các lễ hội xuân… Với họ, được truyền tải thông tin trong dịp Tết đến với bạn đọc trên cả nước, để mọi người vui xuân trọn vẹn luôn là thứ tiên quyết nhất và chỉ có đam mê, nhiệt huyết với nghề mới giúp họ quên đi nỗi buồn xa nhà, xa người thân để toàn tâm với nhiệm vụ trực Tết.
Phóng viên Đỗ Quốc Huy, Báo Pháp luật Việt Nam, khi nhớ về những thời điểm trực Tết vẫn có nhiều cảm xúc khó tả. Liên tục trong năm 2013 và 2014, Phóng viên Đỗ Quốc Huy đều nhận lệnh trực tết, phản ánh nhanh nhạy những thông tin thời sự, đưa tin lễ hội giao thừa tại nhiều địa điểm ở Hà Nội, đồng thời ghi nhận tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, cũng như vấn đề vệ sinh thực phẩm...
Buon vui phong vien truc Tet
 Để có được những bức ảnh phản ánh sinh động không khí Tết như thế này, nhiều phóng viên đã phải thức trắng đêm.
Nhớ lại những thời điểm trực Tết, PV Đỗ Quốc Huy cho biết: “Mỗi năm trực Tết tôi đều có những kỷ niệm nhớ đời. Năm 2013, để ghi nhận không khí giao thừa, tôi đi cùng người yêu nhưng tay lại lăm lăm máy quay khiến người yêu giận dỗi. Sau đó, một mình tôi phi vào chùa Trấn Quốc chụp ảnh người dân đi lễ chùa đầu năm. Sau khi xong việc lủi thủi về nhà, mới lấy điện thoại gọi điện cho người yêu và chúc tết người thân bạn bè. Còn năm 2014, tôi vừa trông ông cấp cứu trong bệnh viên, vừa đẩy clip giao thừa”.
Phóng viên Bá Quỳnh, báo ảnh TTXVN nhớ lại thời điểm trực tết năm 2014 khi anh còn làm ở báo Bưu Điện Việt Nam. Kỷ niệm anh Quỳnh nhớ nhất có lẽ là việc anh đi xe 30 km trong ngày Tết từ quê ra Hà Nội chỉ để chụp một bức ảnh.
“Khi đó tôi đang ở quê, Sếp gọi đi chụp Bộ trưởng đi chúc tết. Thế là tối đi xe máy từ quê ra Hà Nội chỉ để chụp một bức ảnh rồi lại vội vã về để chúc tết họ hàng”, PV Bá Quỳnh nhớ lại.
Buon vui phong vien truc Tet-Hinh-2
 Những ngày đầu năm mới, khi mọi người đang sum họp bên gia đình thì nhiều phóng viên, nhà báo phải lên đường đi ghi nhận không khí các lễ hội đầu năm tại các địa phương. 
Với phóng viên Bùi Vương Nam, hiện công tác tại báo Thời Đại, kỷ niệm trực Tết đáng nhớ nhất là vào Tết đầu tiên anh bước chân vào nghề báo
Anh Nam kể: “Năm đó, tôi được giao đề tài ghi nhận không khí ăn tết trong trại giam của những người đang cải tạo tại trại tạm giam số 2, Bộ Công An. Khi nhận xong đề tài, tôi đến trại này từ chiều 30 Tết. Không khí trong trại giam rất nhộn nhịp khác ngày thường. Ban giám đốc trại tổ chức cho cán bộ và những phạm nhân ăn tết khá đầm ấm, sum vầy. Mâm cỗ của họ có bánh chưng, thịt, dưa… ấm cúng.
Sau khi ghi nhận không khí và chúc tết mọi người xong thì trời cũng tối đen như mực. Một mình đi quãng đường 100km về trong đêm khuya, cái lạnh cắt da, cắt thịt cộng với nước mưa táp vào mặt, rét buốt. Hai bên đường Quốc lộ 1 vắng teo, thỉnh thoảng 1 vài gia đình tụ họp, tự nhiên tôi có cảm giác tủi thân vô độ. Lúc này, tôi còn lo xe bị hỏng, đường không bóng người, không còn quán sửa xe nào hoạt động. Đi hết đất Hà Nam về đến Nam Định cũng là 3h sáng. Đúng lúc này, xe bị hỏng săm, tôi phải dắt bộ. Lúc đó, tôi chỉ cầu mong là sẽ có mặt ở nhà vào đầu giờ sáng. Trời đêm mưa, lạnh căm căm, dắt xe được vài kilomet tôi đã bắt đầu thấm mệt". \
Buon vui phong vien truc Tet-Hinh-3
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong 1 lần đi ghi nhận không khí Tết ở Trường Sa.
Anh Nam kể tiếp, qua được trạm thu phí Mỹ Lộc thì anh bắt gặp 1 ngôi nhà ven đường vẫn còn mở cửa và sáng đèn, anh đánh liều vào hỏi. Sau khi nghe anh trình bày, bác Tân, chủ nhà này lôi từ trong góc nhà ra túi đồ nghề mà cách nay nhiều năm bác dùng để mưu sinh. Tuy nhiên, hiện bác đã chuyển sang nghề thu mua phế thải. Vừa móc lốp xe, bác vừa nói: “Mong sao không bị dập săm, bởi quãng đường mình dắt xe có lẽ phải 4-5km".
"Sau khi vá săm xong cho tôi, dù tôi năn nỉ trả tiền, bác vẫn không lấy 1 nghìn nào, chỉ nhận gói thuốc lá là quà mừng tuổi. Bác bảo: "Đầu năm, được chú nhà báo đến xông nhà là vui rồi”. Khi về đến nhà, mẹ tôi đã khóc khi nhìn thấy tôi đi xuyên đêm như thế”, anh Nam kể lại.
Với những nhà báo, phóng viên từng nhận nhiệm vụ trực Tết, chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ khi tác nghiệp trong thời khắc thiêng liêng này. Và có lẽ hững kỷ niệm ấy sẽ luôn đi theo họ trong suốt cuộc đời làm báo. Đằng sau mỗi thông tin mà các phóng viên, nhà báo mang đến cho bạn đọc vào dịp Tết không chỉ có nỗi gian truân mà ở đó luôn có sự đam mê cống hiến của họ.
Trực tết dù vất vả thế nào nhưng nhiều phóng viên, nhà báo vẫn xung phong để nhận nhiệm vụ. Bởi với họ, sự đam mê, nhiệt huyết với nghề báo luôn là động lực để họ cống hiến cho độc giả những thông tin hữu ích nhất vào bất cứ thời điểm nào.
“Việc trực Tết tuy có nhiều áp lực, nhất là với những người đã có gia đình, con nhỏ, nhưng tình yêu dành cho nghề báo đã giúp tôi vượt qua tất cả. Cuối cùng hạnh phúc nhất là sản phẩm báo chí của mình giúp độc giả có nhiều thông tin hữu ích, giúp tờ báo và tên tuổi mình có nhiều người biết đến”, phóng viên Đỗ Quốc Huy chia sẻ.
Buon vui phong vien truc Tet-Hinh-4
 Phóng viên Đỗ Quốc Huy, báo PLVN.
Nói về ước nguyện năm 2015, các phóng viên trực tết đều mong muốn một năm mới nhiều hạnh phúc, bình an đến mọi nhà, mọi người.
“Mỗi khi Tết đến xuân về, nhìn người người, nhà nhà sáng đèn, cùng nhau ngắm pháo hoa, chúc những điều may mắn cho gia đình, tôi thấy rất ấm lòng. Tôi mong Tết năm nay sẽ không còn những mảnh đời lang thang đói khổ ăn xin trên hè phố, không còn tai nạn giao thông, cướp của giết người để người dân đón một cái Tết an vui”, phóng viên Bùi Vương Nam tâm sự. 
Còn phóng viên Lê Tân, báo Thanh Niên chia sẻ: “Năm hết Tết đến, tôi mong năm 2015 sẽ không còn những vụ án mạng thương tâm, những vụ cháy đau lòng, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Đó là hạnh phúc đối với những người làm báo như chúng tôi”.
Hải Ninh

Bình luận(0)