Bộ Công an quyết triệt đường dây bán “logo xe vua“

Google News

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, vụ việc đang được cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra mở rộng đường dây bán "logo xe vua".

"Hiện Bộ Công an cũng đang tiếp tục chỉ đạo chúng tôi làm quyết liệt, sai đâu xử đấy, bất kể đó là ai, kể cả cán bộ công an, TTGT, nhằm xử đúng người đúng tội", thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.
Như đã đưa tin, một đường dây bán "logo xe vua" cho các xe tải, xe quá khổ nhằm tránh sự kiểm tra của Cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông… với giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng vừa bị bắt giữ. Nhưng cơ quan điều tra còn muốn tìm gốc rễ của đường dây khiến dư luận bức xúc này.
Bo Cong an quyet triet duong day ban “logo xe vua“
 Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết còn có hàng chục nhóm in logo xe vua rồi bán cho các tài xế.
Chiều 29/8, trong lễ trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam”, thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) - cho biết bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo xử lý nghiêm cả cán bộ tiêu cực trong chuyên án đường dây mua bán logo “xe vua” vừa được C45 triệt phá.
Theo báo Tuổi trẻ, thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho biết từ phản ánh của báo chí, người dân, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo C45 triển khai chuyên án điều tra việc mua bán logo gắn trên xe tải. Khi triển khai thấy hầu hết các tuyến giao thông ở miền Nam, miền Bắc đều có xe tải dán các loại logo khác nhau không theo mẫu mã chung nào.
Các xe này có hiện tượng vượt, né trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm kiểm soát lưu động mà không bị xử lý. Đặc biệt nở rộ ở khu vực TP.HCM. Theo Báo giao thông, có thời điểm, chỉ trong một ngày và tại một địa điểm, các trinh sát phát hiện hơn 200 xe có dán logo đi qua. Trong đó, phổ biến nhất là logo “Xe chở hàng” và “Gara Thành Đô”. Qua điều tra, “gara Thành Đô” chỉ là bãi xe chở hàng chứ không hề có hoạt động sửa chữa.
Vào cuộc điều tra, cảnh sát xác định nhóm đối tượng do Lê Thị Cẩm Vân và Trần Văn Thới cầm đầu, tự in logo với công in khoảng 400 - 1.000 đồng, sau đó bán cho các lái xe với giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/xe/tháng. Ngoài ra, nhóm này còn tổ chức theo dõi lực lượng chức năng, móc nối với một số cán bộ để nắm tình hình, từ đó thông báo cho các xe vi phạm biết. Nếu xe dán logo bị bắt, chúng đến xin giảm nhẹ, xin không được thì nộp phạt...
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra mở rộng. "Hiện Bộ Công an cũng đang tiếp tục chỉ đạo chúng tôi làm quyết liệt, sai đâu xử đấy, bất kể đó là ai, kể cả cán bộ công an, TTGT, nhằm xử đúng người đúng tội".
Ngoài ra, người đứng đầu C45 cũng kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng cần có quy định về việc dán các loại logo lên xe và chế tài xử phạt. Hiện nay, biển quảng cáo trên xe có đăng ký bản quyền, thương hiệu doanh nghiệp dán trên xe cần đúng vị trí quy định. 
Ghi nhận đề xuất trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung những quy định cần thiết để sớm chấm dứt việc tự ý dán logo tràn lan trên kính xe ô tô như hiện nay, dễ tiếp tay cho tiêu cực.
Theo Một thế giới

Bình luận(0)