Bắn chết 3 người ở Đắk Nông: Tỉnh chỉ đạo “nằm im”, DN vẫn hoạt động

Google News

UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, trước khi xảy ra vụ bắn chết 3 người, UBND tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp đang có tranh chấp với dân giữ nguyên hiện trạng.

Giữ đất hay cưỡng chế
Ngày 25.10, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại đầu tư Long Sơn (Công ty Long Sơn) về sự việc bắn chết 3 người xảy ra hôm 23.10. Theo ông Sửu, khoảng 5h30 ngày 23.10, đơn vị đã điều động 1 xe máy cày, 2 xe máy ủi cùng khoảng 28 công nhân vào san ủi vườn điều của ông Hoàng Văn Thắng. Trong đó, có 3 người làm nhiệm vụ lái xe, toàn bộ số người còn lại làm nhiệm vụ bảo vệ cho các lái xe san ủi mặt bằng. Công việc được phân công cụ thể gồm một nhóm bảo vệ các xe và nhóm còn lại “trấn giữ” tại ngã ba đường vào dự án (ngay nhà vợ chồng ông Đặng Văn Hiến và Mai Thị Khuyên) nhằm ngăn cản người dân từ dưới khu dân cư lên ngăn cản xe làm việc. Đến khoảng gần 7 giờ thì xảy ra việc một số đối tượng bắn lực lượng bảo vệ của công ty và lái xe. Vụ việc đã làm 3 người chết và 16 người bị thương.
Vườn điều của ông Thắng bị xe ủi cày ngã. 
Theo báo cáo 1505, ngày 23.10 của UBND huyện Tuy Đức, trước khi tổ chức lực lượng vào san ủi diện tích lấn chiếm của ông Thắng, Công ty Long Sơn không báo cáo với chính quyền địa phương. Báo cáo này cũng nhận định, đây chính là nguyên nhân xảy ra việc một số đối tượng quá khích dùng súng tự chế tấn công, bắn vào lực lượng của Công ty Long Sơn.
Nói về việc này, ông Sửu khẳng định công ty đã làm đúng pháp luật. Theo ông Sửu, việc đưa người vào giải phóng mặt bằng để lấy lại đất do ông Thắng lấn chiếm đơn thuần là hành vi giữ tài sản của mình. Do vậy, đơn vị không nhất thiết phải báo cáo với chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV về việc này, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho rằng, để xác định đúng sai thì cần cơ quan chức năng làm rõ. Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho rằng, tất cả việc xử lý tài sản của dân đều phải do chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên trong trường hợp vừa qua tại Công ty Long Sơn thì cần phải xác định lại tài sản đó có phải là “của dân” thì mới nói được đúng sai.
Để san ủi vườn điều của ông Thắng, Công ty Long Sơn đã dùng 28 người cùng xe cày máy, ủi. 
Trong khu vực dự án của Công ty Long Sơn có nhiều nhà dân trồng điều lâu năm. 
Công ty chưa nhận được chỉ đạo của tỉnh?
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, trong suốt thời gian qua, huyện và tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc xử lý tranh chấp đất giữa người dân và Công ty Long Sơn. Trong đó, nội dung chủ yếu là yêu cầu Công ty Long Sơn, thỏa thuận, hỗ trợ người dân có cây trồng trên đất trước khi diện tích này giao cho công ty. Theo ông Huân, sau khi nhận khiếu nại của người dân, huyện đều mời các bên liên quan đến để làm việc để đi đến thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Huân cũng cho biết, sau những cuộc làm việc đó, phía công ty và người dân đã thỏa thuận, giải quyết với nhau thế nào thì không nắm được.
Theo ông Ngô Xuân Lộc, trước tình trạng tranh chấp đất đai ở một số dự án, nhằm tránh xảy ra tình trạng mất an ninh cho các địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có tranh chấp với dân giữ nguyên hiện trạng, chờ cơ quan chức năng xử lý. Ông Lộc khẳng định văn bản này đã được ban hành trước thời điểm xảy ra vụ bắn chết người tại khu vực dự án của Công ty Long Sơn và đã gửi đến các huyện yêu cầu triển khai. Tuy chưa chắc chắn văn bản này ban hành thời điểm nào (do chưa kịp tìm lại) nhưng ông Lộc khẳng định chắc chắn văn bản đã gửi các huyện và một số doanh nghiệp.
Trong khi đó, khi được hỏi về văn bản này, ông Nguyễn Hữu Huân, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức tỏ ra bất ngờ và hứa sẽ kiểm tra, thông báo lại cho PV vào ngày hôm sau.
Riêng phía Công ty Long Sơn, ông Sửu cho rằng, công ty chưa hề nhận văn bản nào có nội dung tương tự.
Trong một diễn biến khác, tại báo cáo ngày 24.10 của UBND huyện Tuy Đức cho biết, qua xác minh 501,7/1.079 ha giao cho Công ty Long Sơn thuê có 147 hộ dân đang lấn chiếm. Trong đó có 434,8 ha điều, 46,7 ha cà phê, 29,3 ha cao su và 3,3 ha tiêu. Riêng diện tích cây điều, huyện xác định có 328,86 ha được trồng trước năm 2008 (tức trước thời điểm UBND tỉnh quyết định cho Công ty Long Sơn thuê đất, rừng). Đến thời điểm báo cáo, Công ty Long Sơn đã thỏa thuận trả tiền cho dân được 7,9 ha.
Theo Duy Hậu - Hứa Phương/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)