“Đại gia” làm ngơ trước cây cảnh chơi Tết

Google News

Vào thời gian này năm ngoái, người mua người bán đã tấp nập, ầm ĩ khắp nơi. Thế nhưng, năm nay, tình hình ảm đạm hơn rất nhiều.

Mấy năm trước, cứ mỗi độ tết đến xuân về, các đại gia lại rục rịch đi "săn" cây cảnh để chơi. Những bậc đại phú thì mua si, sanh có giá cả triệu đô (tiền Mỹ), những thương nhân bậc trung thì mua đào, quất có giá cả chục hay trăm triệu. Thế nhưng, năm nay, cảnh mua bán tấp nập đó đã không còn...
 
Đại gia chơi đồ... bình dân

Chúng tôi đến làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) trong một chiều mưa rét. Trước mắt chúng tôi là những vườn đào trơ trọi những cành không lá, không hoa. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe máy của khách đi ngắm đào tết, lượn lòng vòng trên những đoạn đường lầy lội. Nghệ nhân trồng đào Đỗ Văn Định dẫn chúng tôi ra vườn đào của gia đình. Vừa đi ông vừa cho biết: "Giá đào năm nay chắc chắn đắt hơn năm ngoái đến mấy lần. Nhưng, người trồng đào chúng tôi không thể nào vui nổi. Trời cứ liên tục rét thế này, nụ không thể nở, hoa lại mau tàn nên hiện tại bán rất chậm và người mua vẫn còn có tâm lí chờ đợi cho hoa nở rộ".

Theo lời ông Định, vào thời gian này năm ngoái, người mua người bán đã tấp nập, ầm ĩ khắp nơi. Những đoàn xe tải, xe máy cứ nối đuôi nhau vào bãi để chở đào. Thế nhưng, năm nay, tình hình ảm đạm hơn rất nhiều. Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến tết Nguyên đán Quý Tỵ mà vẫn chỉ lác đác người mua. Nguyên nhân theo ông Định là: "Một phần do thời tiết không thuận nên đào nở muộn, một phần do năm nay kinh tế khó khăn nên dân không còn hăng hái đi mua đào như mọi năm nữa. Nhất là những cây đào có giá trị cao thì rất ít người hỏi".

 Ông Định bên gốc đào hơn chục triệu của mình

Giá bán đào năm nay cũng rất đa dạng và dao động, tùy thuộc vào hình dáng và lượng hoa trên mỗi gốc đào. Theo khảo giá của PV Người Đưa Tin, những gốc đào bình dân có giá 2 - 3 triệu đồng/gốc, những gốc đào tầm trung có giá 7 - 10 triệu đồng/gốc. Còn những loại cao cấp hơn có giá trên 20 triệu đồng, loại này, người nhiều tiền mới hỏi mua. Nếu khách hàng nào có nhu cầu thuê đào để chơi tết thì giá tiền bằng khoảng 70% giá bán, chưa tính đến việc bán cành. Trước đây, mặt hàng đào cao cấp thường được mua đứt, chứ ít khi khách thuê. Những người mua chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp hay các doanh nhân, những người lắm tiền nhiều của.

Thông thường, những đại gia này sẽ mua những gốc đào đẹp để mang về chơi tết. Sau khi hết tết, họ thường có hai cách để chăm sóc cây. Thứ nhất, họ sẽ nhờ nhà vườn chăm sóc hộ để tết sang năm đến đánh về (trường hợp này rất hiếm vì thủ tục phiền phức). Trường hợp thứ hai, họ sẽ thuê chính thợ đào đó về nhà cắt, tỉa cành và ke thời gian ra hoa cho đào (trường hợp này là phổ biến). Thế nhưng, năm nay, chủ yếu là người đến hỏi thuê chứ không mua. Hơn nữa, mặt hàng cao cấp cũng không còn được lựa chọn nhiều mà đa phần là mặt hàng tầm trung thôi. Nhưng, gốc đào bán chạy hơn cả vẫn là gốc đào có giá bình dân.

Ông Định kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một người khách quen tên là Việt. Hàng năm, cứ vào tầm này, vị đại gia này đánh xe con cùng bạn bè xuống xem đào. Mỗi lần, nhóm đại gia này mua là cả trăm triệu đồng. Riêng một cành, vị đại gia này đã mua với giá 40 triệu đồng. Trong khi đó, vị khách này lại mua nhiều và rất thoáng. Thế nhưng, năm nay, ông Định đã nhiều lần điện hỏi nhưng vị đại gia này vẫn... khất lần. "Năm ngoái, có hộ bán một gốc đào giá 150 triệu đồng là cao nhất. Nhưng năm nay giá bán cao nhất chỉ dừng lại ở con số 30 triệu đồng", ông Định chia sẻ.

Bên cạnh vườn đào Nhật Tân là khu vực quất cảnh Tứ Liên (phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Theo các nhà vườn Tứ Liên, quất năm nay được mùa, ít sâu bệnh, lá xanh, quả căng tròn, vàng bóng, đẹp hơn nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, tình hình mua bán cũng không khả quan hơn.

Anh Hải - chủ một nhà vườn quất cảnh cho biết: "Vào thời gian này năm ngoái, người đến mua cây, đặt tiền khá đông. Nhưng năm nay, số lượng người đến rất ít. Những người "bạo mua" năm ngoái thì năm nay cũng chuyển sang phương án thuê cây để tiết kiệm chi phí. Những cây được thuê cũng không phải là mặt hàng cao cấp mà chủ yếu là hàng tầm trung và bình dân. Chính vì vậy, những cây quất nhỏ, giá tiền thấp dự báo là sẽ bán chạy, bởi nó phù hợp với túi tiền người dân hơn. Những cây có giá 3 - 10 triệu đồng hoặc cao hơn nữa chủ yếu cung cấp cho các cơ quan, xí nghiệp, chứ người dân hầu như không dám mua…".

Người mua thì ít, người thuê thì nhiều

Anh Hùng - chủ vườn quất Hùng Ứng dẫn chúng tôi xem khu vườn rộng của anh với hơn 600 gốc quất thương phẩm và hàng trăm gốc quất giống gối vụ năm sau, cho biết: "Những cây quất thế hầu hết đã được các cơ quan, công ty và "đại gia" đặt mua, thuê với giá trung bình 5-10 triệu đồng. Những cây nhỏ với giá tiền từ vài ba trăm nghìn đồng tới một triệu đồng được mua phổ biến hơn". Trong khi đó, chị Hoa, chủ một vườn quất khác cho biết: "Năm nay, số người đến thuê cây cảnh nhiều hơn so với năm ngoái. Có nhiều người năm ngoái sẵn sàng bỏ ra 20 - 30 triệu đồng để mua một cây quất thế về chơi, nhưng năm nay chuyện này rất hiếm. Thậm chí, có người vừa muốn có cây thế để chơi, vừa muốn giá rẻ cho nên họ chuyển sang chơi hoa giấy. Loại hoa này "mềm" hơn so với đào, quất cả về giá thuê và giá mua, trong khi nhìn cũng rất đẹp!".

Chị Nguyễn Thị Lê, một tiểu thương đã có kinh nghiệm 12 năm bán buôn đào cho các doanh nghiệp, cho biết: "Năm nay, kinh tế ảm đạm nên thị trường đào tết, nhất là loại đào cao cấp bị chững lại rất nhiều. Có nhiều doanh nghiệp chuyển từ mua sang thuê. Đến thời điểm này, họ rất hờ hững, chứ không nhộn nhịp như mọi năm". Theo chị Lê, so với năm ngoái, số lượng người đặt mua đào cao cấp Tết này giảm 50%, trong khi đó số người đặt thuê tăng khoảng 30%. Mặt hàng bình dân được lựa chọn phổ biến hơn.

Trong khi đó, thị trường mặt hàng cây cảnh dành cho những người lắm tiền nhiều của cũng ảm đạm không kém. Những vườn si, sanh, lộc vừng hiện tại cũng rất thưa thớt người đến hỏi mua. Mọi năm, chuyện đại gia bỏ hàng tỉ, thậm chí chục tỉ để mua cây cảnh về chơi tết là chuyện bình thường. Thế nhưng, hiện tại, các vườn cảnh này đều bị thất thu. Anh Nguyễn Việt Hùng - chủ một vườn si, sanh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mỗi dịp tết bán được vài tỉ đồng tiền cây, chưa tính tiền cho thuê cây cao cấp, vậy mà năm nay cũng thở dài ngao ngán cho biết: "Những năm trước, vào tầm này, xe ô tô đến đặt tiền mua cây nườm nượp. Giá cả thì không phải mặc cả lôi thôi nhiều vì người mua toàn đại gia. Tuy nhiên, năm nay, giá xuống thê thảm và đặc biệt số lượng người đến hỏi rất ít". Theo lời anh Hùng, giá cả năm nay giảm xuống 1/4 hoặc 1/3, thậm chí 1/2 nhưng cây cảnh vẫn ế. Kinh tế khó khăn nên các đại gia chi tiền cũng bắt đầu... “run tay”. Thêm vào đó, do thị trường bất động sản đóng băng nên thú trang hoàng cho nhà cửa cũng "đóng băng" theo.

Nhìn vào thị trường cây cảnh tết năm nay có thể thấy, ngoài nhu cầu mua đồ bình dân thì xu hướng thuê cây cũng là phổ biến. Những cây thế, cổ thụ ở những vườn cảnh đa phần vẫn phải nằm "đắp chiếu" chờ năm sau. Trong tình hình hiện nay, những cây có giá "khủng" này rất khó để tiêu thụ. Thậm chí, ngay cả việc thuê về chơi tết cũng rất ít có người nghĩ đến.        
    
Doanh nghiệp lao đao, người trồng đào gặp khó

Chị Nguyễn Thị Lê, một đầu mối bán đào tết ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết,  tình hình làm ăn năm nay rất chán. Mọi năm vào thời gian này, các doanh nghiệp đặt hàng đã gọi điện giục tới tấp. Thế nhưng, năm nay, hầu như, họ vẫn chưa có động tĩnh gì. Tôi thường đổ theo mối nhưng năm nay đành phải xé lẻ để bán. Tuy đã có người mua nhưng về số lượng thì không bằng 1/10 năm ngoái". 

Vẫn theo lời chị Lê, do các mối đổ tiêu thụ chậm nên người bán cũng bị chậm theo. Điều này không chỉ riêng với đào, quất mà đối với thị trường hoa giấy cùng các cây cảnh khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.    


TIN BÀI LIÊN QUAN




Theo Người đưa tin

Bình luận(0)