Số phận “long đong” của 4 chiếc máy bay nhập khẩu

Google News

(Kiến Thức) - Từng được nhập khẩu, rồi tái xuất nhưng do những vướng mắc về thủ tục hải quan, những chiếc máy bay do Công ty TNHH Công nghệ Hành Tinh Xanh nhập khẩu vẫn chưa thể thông quan.

Công ty TNHH Công nghệ Hành Tinh Xanh (tên giao dịch là Green Planet Technology JSC), trụ sở tại Hà Nội là doanh nghiệp cổ phần của tư nhân với số vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, được thành lập đầu năm 2010 với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác kinh doanh hàng không chung, vận tải hàng không... Theo Bộ Quốc phòng, ngày 30/5/2011, Quân chủng Phòng không không quân có Quyết định số 1258 cho phép Công ty Hành Tinh Xanh được tham gia Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc với tư cách là thành viên.

 Máy bay ATEC 321 FAETA của hãng ATEC. Ảnh: Atecaircraft

Ngày 14/11/2011, công ty này đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng cam kết sẽ đóng góp 4 máy bay nhập khẩu vào Câu lạc bộ nhằm mục đich giáo dục quốc phòng, hướng nghiệp cho thanh niên, tầng lớp tri thức. 

Với các lý do này, Bộ đã cho phép Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc được tiếp nhận, khai thác, quản lý và sử dụng 4 chiếc máy bay của công ty Hành Tinh Xanh. Do đó, Bộ Quốc phòng đề nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho công ty này thông quan 4 chiếc máy bay để sớm bàn giao về cho Câu lạc bộ.

Việc nhập khẩu 4 chiếc máy bay cá nhân của Công ty Hành Tinh Xanh đã gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ, kéo theo sự băn khoăn của các cơ quan quản lý. Vì đây được coi là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tiên bỏ tiền ra nhập khẩu mặt hàng xa xỉ với số lượng lớn và theo tuyên bố ban đầu của đơn vị này, việc nhập khẩu còn nhằm mục đích kinh doanh thương mại. 

Được biết, cả 4 máy bay này đều mới 100%, trần bay 3.000m, tốc độ 300 km/giờ, thời gian bay liên tục là 6 tiếng, trọng lượng không tải 600 - 800 kg. Máy bay sử dụng nhiên liệu xăng A95 như ô tô. Trong số đó, có 2 máy bay cánh 2 chỗ ngồi do Cộng hòa Séc sản xuất (dòng ALTEC 321 Faeta của hãng ATEC - một công ty mới thành lập 10 năm nay), 2 máy bay cánh quạt trực thăng loại 2 chỗ ngồi do Hoa Kỳ sản xuất (dòng A600 Talon, sản phẩm đầu tiên trong thế hệ máy bay mới nhất của RotorWay - một hãng sản xuất có tuổi đời hơn 4 thập kỷ của Mỹ). Theo đại diện Công ty Hành Tinh Xanh, giá xuất xưởng của mỗi chiếc máy bay này vào khoảng 150.000 USD - tương đương với một chiếc xế hộp hạng sang.

Về mục đích sử dụng, cuối tháng 10/2011, đại diện công ty này cho hay sẽ phối hợp với trường sĩ quan không quân, sử dụng 4 máy bay để mở lớp đào tạo, cấp bằng lái cho các học viên. Ngoài ra, công ty còn dự kiến kinh doanh, cho thuê máy bay như thuê xe ô tô sau khi đã được cấp chứng chỉ và thậm chí có thể bán nếu có khách hàng có nhu cầu.

Ngày 29/11/2011, Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Tổng cục Hải quan rằng, chưa đủ cơ sở, điều kiện để xác nhận việc nhập khẩu 4 máy bay trên là đúng với quy định của Luật Hàng không. Theo Luật Hàng không dân dụng năm 2006 thì việc xuất, nhập khẩu máy bay, động cơ, cánh quạt, phụ tùng máy bay, phải đảm bảo an toàn hàng không, an ninh hàng không quốc gia... Chính vì vậy, Cục Hải quan Hải Phòng chưa thể tự ý làm thủ tục thông quan cho lô hàng 4 chiếc máy bay này. Lô hàng sau đó bị ách tắc và nằm ở cảng Hải Phòng thời gian khá lâu. 

Đến ngày 19/1/2012, nhờ sự "bảo lãnh" của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Tham mưu, lô hàng 4 chiếc máy bay hạng nhẹ này đã được Chi cục Hải quan Hải Phòng khu vực 3 xác nhận thông quan.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2012, 4 chiếc máy bay trên đã được tái xuất. Theo giải trình của Công ty Hành Tinh Xanh là do để trong kho một thời gian dài, cả 4 chiếc bị hỏng hóc, cần phải thay thế phụ tùng nên công ty xuất trả lại cho người bán.

 Máy bay siêu nhẹ được đưa ra bay thử ở Hòa Lạc, Hà Nội tháng 5/2012

Đến cuối năm 2012, Công ty Hành Tinh Xanh làm thủ tục tại cảng Cát Lái TP.HCM nhập khẩu lô hàng thứ 2 gồm 4 chiếc máy bay hạng nhẹ như lô hàng lần trước, gồm: 2 chiếc máy bay cánh loại 2 chỗ ngồi do Cộng hòa Séc sản xuất và 2 chiếc máy bay cánh quạt trực thăng loại 2 chỗ ngồi do Hoa Kỳ sản xuất. Doanh nghiệp đề nghị được mang 4 chiếc máy bay nêu trên về kho của Học viện Hàng không tại Nha Trang để bảo quản, đảm bảo về khả năng vận hành và các tiêu chuẩn về an toàn bay.

Tuy nhiên, lần nhập khẩu thứ hai này cũng bị ách tắc vì phát sinh nhiều lỗ hổng pháp lý. Theo tin từ Hải quan TP.HCM, 4 chiếc máy bay trên đã được cấp Giấy chứng nhận loại cho phép nhập khẩu theo công văn Cục Hàng không Việt Nam gửi cho Công ty Hành Tinh Xanh ngày 21/1/2013. 
Tuy nhiên, ngày 24/5/2013, khi trình những giấy chứng nhận này thì lại nảy sinh những vướng mắc nên lô hàng máy bay trên vẫn tiếp tục bị ách tắc và chưa thể thông quan. Theo giải thích của Cục Hải quan TP.HCM, trên giấy chứng nhận loại cho phép nhập khẩu 2 loại tàu bay không ghi cấp cho doanh nghiệp nào, không đề cập đến số lượng, thời gian được phép nhập khẩu. Cục Hải quan TP.HCM cũng băn khoăn vì hiện chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn cụ thể về việc nhập khẩu các loại máy bay trên dành cho các công ty tư nhân trong nước. Hơn nữa, mặt hàng máy bay cánh bằng và cánh quạt trực thăng 2 chỗ ngồi hiện không được quy định cụ thể trong danh mục cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện được ban hành tại Nghị định 12 của Chính phủ ngày 23/1/2006 hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế. 

Do đây là trường hợp nhập khẩu máy bay theo loại hình kinh doanh đầu tiên, lại chưa có văn bản quy định cụ thể nên Cục Hải quan TP.HCM vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc làm thủ tục. Những vướng mắc này, Cục Hải quan TP.HCM đang chờ Tổng cục Hải quan hướng dẫn để giải quyết cho doanh nghiệp.






Hải Sơn (Tổng hợp)

Bình luận(0)