Sự thật bi hài về phi công... trong buồng lái

Google News

(Kiến Thức) - Đó là những câu chuyện hy hữu, hài hước, cũng chỉ gặp ở phi công, một nghề đòi hỏi sự nghiêm túc và chính xác cao độ.

Tuy nhiên, trường hợp của một anh chàng phi công của Hãng hàng không Air New Zealand lại đi ngược lại với tính chất của nghề nghiệp này. Cụ thể, anh chàng đã ngủ gật trong suốt chuyến bay giữa London (Anh) và Los Angeles (Mỹ), hãng này tiết lộ.

Phi công nói trên điều khiển một chiếc Boeing 777 được cho là đã ngủ gật tới 2 lần khi bay qua Đại Tây Dương năm 2011. Rất may mắn không có chuyện gì xảy ra trên chuyến bay đó bởi phi công nói trên không phải là người duy nhất điều khiển trong buồng lái.

 

Bộ trưởng Giao thông New Zealand Gerry Brownlee khẳng định rằng, những sự việc như vậy không thể chấp nhận được trong ngành hàng không. 

Báo giới New Zealand cho biết, vụ việc vỡ lỡ sau khi các hãng hàng không được yêu cầu thông báo chi tiết các hoạt động. Được biết, viên phi công nói trên đã phản pháo rằng anh quá mệt vì đêm trước đó bị mất ngủ ở London. 

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với một phi công của hàng không Hà Lan. Ủy ban An toàn hàng không Hà Lan tiết lộ, cơ trưởng điều khiển chuyến bay của chiếc Boeing 737 tới Crete đã ngủ gật, còn phi công phụ bị “nhốt” ở bên ngoài phòng lái.

 

Vụ việc xảy ra khi máy bay của hãng Transavia (Hà Lan) đang ở độ cao hàng ngàn mét trên không trung. Cơ trưởng của chuyến bay ngủ gật trong khi phi công phụ rời phòng lái để đi vệ sinh. Tuy nhiên, khi phi công phụ trở lại phòng lái, anh ta không thể nào liên lạc được với cơ trưởng để mở cửa vào. Đến khi vào được phòng, phi công phụ không khỏi hốt hoảng khi nhìn thấy cơ trưởng đang ngủ “ngon lành”.

Mặc dù vụ việc đã xảy ra từ tháng 9/2012 nhưng mới được công bố hôm 31/1 trên trang web của Ủy ban An toàn Hà Lan (OVV).  Được biết, OVV cũng đã mở cuộc điều tra và gọi đây là một sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, một nhóm các phi công đã đưa ra quan ngại rằng, việc tăng giờ bay mới áp dụng ở EU có thể dẫn tới những vấn đề như trên.

Tháng 8/2008, một chiếc máy bay chở gần 100 người của hãng hàng không Air India đã bay quá điểm đến của mình do cả hai viên phi công mệt mỏi quá đã ngủ thiếp đi trong khoang lái. Khi các viên phi công được những người ở trạm kiểm soát không lưu Mumbai đánh thức dậy bằng một chiếc còi đặc biệt, máy bay đã đi qua điểm đến cuối cùng của mình khoảng 320km. Rất may là sau đó, hai viên phi công đã cho máy bay quay lại và hạ cánh an toàn.

Cũng trong năm 2008, hai phi công của một hãng hàng không ở Mỹ đã ngủ gật ít nhất 18 phút trong chuyến bay giữa buổi sáng từ Honolulu đến Hilo thuộc Hawaii. Kết quả là máy bay của họ cũng đi qua điểm đến và bay thẳng ra biển. Tuy nhiên, các nhân viên kiểm soát không lưu đã kịp thời đánh thức được những phi công này. Họ đã đưa máy bay chở 40 người quay lại và hạ cánh an toàn.

Các vụ việc trên không gây ra hậu quả, nhưng cũng có vụ việc gây tai nạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chính được xác định là phi công ngủ gật trong quá trình điều khiển máy bay. Hồi tháng 5/2010, "tại nạn" nghề nghiệp này đã khiến 158 người tử vong và là vụ tai nạn máy bay tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong vòng 17 năm trở lại đây. 

Kết luận của tòa án cho thấy, phi công Zlatko Glusica người Serbia của Hãng hàng không Air India Express đã ngủ gật trong hầu hết quá trình chấp hành nhiệm vụ bay kéo dài 3 tiếng, gây ra sai sót trong góc độ tiếp xúc của máy bay với đường băng khi hạ cánh, làm máy bay trượt khỏi đường băng và nổ tung. Zlatko Glusica còn bị cáo buộc đã phớt lờ tín hiệu cảnh báo trên hệ thống máy tính của máy bay. 

Được biết, viên phi công trưởng Glusica là người gốc Serbia. Anh này đã có kinh nghiệm bay hơn 10.200 giờ đồng hồ trong khi Ahluwalia có kinh nghiệm 3.650 giờ bay.

Có trường hợp nguy hiểm hơn, phi công bị ngất xỉu trong quá trình bay. Đó là trường hợp của một phi công người Úc thuộc Hãng hàng không Jetstar Pacific. Phi công này đã ngất xỉu khi đang cùng tổ lái A320 của Jetstar Pacific và giáo viên thực hiện bài bay hạ độ cao khẩn cấp trên thiết bị mô phỏng buồng lái động dòng máy bay Airbus 320/321 tại Trung tâm Huấn luyện bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ở TP.HCM.

 Công tác huấn luyện bay được thực hiện thường xuyên, việc phi công Jetstar Pacific gặp sự cố là trường hợp hi hữu

Cụ thể, khi tổ lái đang thực hiện các thao tác xử lý tình huống áp suất trong máy bay bị thay đổi đột ngột và mặt nạ dưỡng khí tự động được thả xuống để trợ giúp khẩn cấp. Tuy nhiên, đáng lẽ trong mặt nạ dưỡng khí phải là oxy để trợ thở thì lúc đó lại là khí nitơ, vì vậy phi công khi chụp vào mặt đã bị ngạt dẫn tới ngất xỉu. 

Liên quan tới vụ việc này, đại diện Cục Hàng không cho biết, sự cố an toàn xảy ra ở Trung tâm huấn luyện bay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tại TP.HCM hoàn toàn do lỗi con người, cụ thể là nhân viên kỹ thuật đã lắp nhầm ống dưỡng khí oxy thành khí nitơ trong buồng lái giả định. 

Nhân viên kỹ thuật đã ngay lập tức bị đình chỉ công tác, thời gian đình chỉ kéo dài đến khi công tác điều tra hoàn tất. Mọi yếu tố liên quan sẽ được xem xét kỹ lưỡng để có hình thức kỷ luật đích đáng. Ngày 31/3, Cục Hàng không sẽ có kết luận chính thức về sự cố này.

Trong một diễn biến khác, một phi công lâu năm của hãng hàng không Czech gặp vấn đề về sức khỏe và đã đột tử ngay trên không, tuy nhiên máy bay vẫn hạ cánh an toàn. 

 Máy bay của hãng hàng không Czech Airlines. Ảnh: ceskapozice.cz

Chuyến bay có lộ trình từ Warsaw, Ba Lan đến Prague, cộng hòa Czech. Viên phi công đột tử, 55 tuổi, là một người có rất nhiều kinh nghiệm, làm việc cho Czech Airlines đã 20 năm nay. Tất cả 46 hành khách trên chuyến bay đều không gặp nguy hiểm nào, vì phi công phụ đã cho máy bay tiếp đất an toàn.

Các nghiên cứu cho thấy, sự mệt mỏi, kiệt sức có thể làm giảm sút khả năng phán đoán của một viên phi công không khác gì những chất uống có cồn. Không hiếm trường hợp các phi công mệt mỏi chỉ tập trung vào một cuộc hội thoại hay một việc vặt nào đó mà bỏ qua mọi thứ khác đang diễn ra quanh mình, trong đó có những thông tin quan trọng về chuyến bay. Trong nhiều trường hợp, các phi công đã ngủ gật.

Nhận thức được tính nguy hiểm của vấn đề, các nhà làm luật hàng không ở Châu Âu và Mỹ đã rút ngắn giờ làm việc của phi công vào buổi đêm và kéo dài thời gian nghỉ ngơi như một biện pháp để giảm sự mệt mỏi cho họ.





Minh Phương (Tổng hợp)

Bình luận(0)