Ngân hàng “ngậm quả đắng” vì quá tin doanh nghiệp

Google News

(Kiến Thức) - Sẵn sàng cho doanh nghiệp vay đến cả trăm triệu đô la nhưng không tìm hiểu rõ tình hình, nhiều ngân hàng phải nhờ đến cấp cao hơn để đòi nợ.

Doanh nghiệp thế chấp ảo, rút vốn thật

Cho khách hàng sử dụng 6 thương hiệu và nhãn hiệu để thế chấp, vay cả nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đang đau đầu với số nợ khó có thể đòi được vì lãnh đạo doanh nghiệp đã biến mất từ lâu.

Cụ thể, ngày 7/4/2012, Agribank đã phê duyệt cho dự án Luxfashion của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (Lifepro Vietnam) vay 150 triệu USD (gồm cả phần nhận nợ 41,35 triệu USD, tương đương 865 tỷ đồng đã cho công ty Enzo Việt Nam - chủ đầu tư trước của dự án vay).

 Khuôn viên dự án triệu USD do Agribank cấp vốn giờ bị bỏ hoan.

Đây là dự án nhà máy dệt may xuất khẩu quy mô lớn, có tổng mức đầu tư 305 triệu USD, được đầu tư xây dựng tại khu công nghiệp Gián Khẩu (tỉnh Ninh Bình). Tuy nhiên, đến tháng 8/2012, nhà máy bất ngờ ngừng hoạt động. Lãnh đạo cao cấp của công ty cùng toàn bộ chuyên gia nước ngoài đã biến mất một cách bí ẩn. 

Để vay ngân hàng Agribank  trót lọt khoản tiền khổng lồ này, Lifepro Việt Nam đã ký hai hợp đồng thế chấp.

Hợp đồng thứ nhất trị giá 1.518 tỷ đồng với tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay và vốn tự có, ký ngày 8/4/2012; gồm toàn bộ công trình kiến trúc, dây chuyền máy móc, thiết bị giai đoạn I và II, giá trị quyền sử dụng đất, lô máy móc thiết bị hoàn tất sản phẩm.

Hợp đồng thế chấp thứ hai ký ngày 14/4/2012 cũng được hình thành từ vốn vay và vốn tự có trong tương lai, bao gồm: nguyên phụ liệu nhập khẩu, các bộ chứng từ xuất hành hàng chờ thu tiền, các khoản phải thu của khách hàng... với tổng trị giá 64 triệu EURO và 14,9 triệu USD. Cùng với đó, ở hợp đồng thế chấp thứ hai này, Lifepro Việt Nam mang quyền sử dụng 6 thương hiệu và nhãn hiệu thương mại mà công ty này mua của FGF Industry Spa (Italy) ra thế chấp để được vay 70 triệu USD, tương đương 1.464 tỷ đồng.

Tính đến ngày 12/10/2012, Lifepro Việt Nam chưa xử lý được khoản vay hơn 3.099 tỷ đồng cho Ngân hàng Agribank.

Không "cao tay" như Lifepro Việt Nam, trong một vụ việc khác được phát giác hồi tháng 3/2010, bằng thủ đoạn thành lập công ty, ký hợp đồng ảo, một cặp vợ chồng đã lừa đảo của nhiều ngân hàng với số tiền lên tới 400 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, Hồ Minh Hậu (36 tuổi) cùng vợ là Phạm Thị Ái Loan (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã thành lập 3 công ty gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản An Bình Phú (tại Lâm Đồng), công ty TNHH TM-DV-VT Minh Trí (đường Đồng Xoài, quận Tân Bình, TP.HCM) và công ty TNHH An Phúc (trụ sở tại Dĩ An, Bình Dương).

 Trụ sở Công ty Minh Trí

Trong năm 2008 đến 2009, cặp vợ chồng này đã tự ký kết những hợp đồng kinh tế mua bán nông sản giữa các công ty của mình với số lượng lên đến 5.000 tấn cà phê nguyên liệu. Sau đó, họ mang những giấy tờ này đi vay các ngân hàng Vietcombank (Bình Dương), ngân hàng Việt Nga (TP.HCM) và ngân hàng BIDV (Bình Định) với số tiền lên đến 400 tỷ đồng.

Sự việc chỉ đổ bể khi các ngân hàng phát hiện ra các hợp đồng “ma”, đồng thời không nhận được bất kỳ đồng lãi nào từ phía vợ chồng Hậu nên đã tố cáo với công an.

Ngày 18/3/2010, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Cơ quan thường trực phía nam - Bộ công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án, bị can và phát lệnh truy nã quốc tế đối với hai vợ chồng Hậu, Loan. Đến nay, Interpol truy nã quốc tế nhưng vẫn chưa có tung tích gì. 

Doanh nghiệp "cao tay" hay ngân hàng chủ quan?

Chính khâu thẩm định không chặt chẽ của Ngân hàng Agribank đã dẫn tới một vụ thế chấp hy hữu trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, không có điều khoản công nhận quyền sở hữu thương hiệu có được từ việc mua lại tài sản thế chấp là thương hiệu bị ngân hàng phát mại. Chỉ có chủ sở hữu thương hiệu được pháp luật công nhận mới có quyền cho phép đối tượng khai thác thương hiệu ấy.

Vẫn biết, theo quy định về cho vay, thế chấp tài sản của Việt Nam, thương hiệu là một loại tài sản và ngân hàng có thể nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng, sở hữu thương hiệu.

Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Ngân hàng Agribank là chấp nhận thế chấp bằng thương hiệu, các ngân hàng khác nói không với việc cho vay thế này. Vì vậy, khoản cho vay với trị giá 1.464 tỷ đồng thế chấp bằng thương hiệu của Agribank đã thực sự đi vào bế tắc.

Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, từ khi triển khai dự án (năm 2007), đến trước khi lãnh đạo công ty biến mất, thì Ban quản lý chưa một lần tiếp đại diện ngân hàng Agribank đến tìm hiểu về dự án này.

Cũng theo ông Bình, khi không thể liên lạc với lãnh đạo của Lifepro Việt Nam, Ban quản lý đã gửi công văn tới cơ quan công an đề nghị giúp đỡ tìm lãnh đạo của công ty. Chỉ đến khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố vụ án, thì mới có sự tham gia đầy đủ của các cán bộ đại diện cho Agribank.

Trong vụ việc các ngân hàng bị hai vợ chồng Hậu và Loan lừa đảo chiếm đoạt 400 tỷ đồng, một cán bộ điều tra cho biết, vụ việc này phải đặt ra vấn đề vai trò và trách nhiệm của các ngân hàng, vì xét cho cùng thủ đoạn lừa đảo của hai vợ chồng này không mới nhưng vẫn qua mặt các ngân hàng. Thậm chí, một số ngân hàng còn ưu ái cho vợ chồng Hậu được hưởng lãi suất thấp. 

Qua kiểm tra cho thấy quy trình lập hồ sơ vay được các ngân hàng thực hiện sơ sài. Nhiều hồ sơ vay của vợ chồng Hậu có vấn đề nhưng không hiểu sao vẫn qua mặt được cán bộ tín dụng. Theo cơ quan điều tra, hầu hết cán bộ tín dụng các ngân hàng chỉ thẩm định tài sản (tại kho của Công ty An Phú) trên sổ sách, chứng từ, không kiểm tra kỹ tại kho, do đó không phát hiện hành vi gian dối của vợ chồng Hậu. 

Qua đây cho thấy, hoạt động cho vay, cách thu thập thông tin còn ở trình độ sơ cấp (thông tin một phía từ khách hàng và thiếu kiểm chứng); chấm điểm tín dụng vẫn dựa nhiều vào tài sản thế chấp và thông tin khách hàng. Vì thế, trong phương thức cho vay, nhiều ngân hàng chưa coi trọng yếu tố tâm lý, uy tín, mục đích vay, năng lực tạo lợi nhuận, môi trường kinh doanh, nguồn trả nợ của khách hàng. Đây là một nguyên nhân khiến nợ xấu trong ngành ngân hàng ở mức cao.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết: có 3 nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc trên. Thứ nhất, là do sự lỏng lẻo của hệ thống quản lý Nhà nước trong việc thành lập các doanh nghiệp, không thực sự dựa trên năng lực tài chính. Thứ hai là yếu kém trong quá trình quản lý thuế khóa, hóa đơn, chứng từ. Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế và làm nhiều chuyện phi pháp khác, trong đó có sử dụng để vay vốn ngân hàng. Thứ ba chính là sự kém cỏi của cán bộ tín dụng ngân hàng. 

400 tỷ đồng là mức học phí quá đắt để 3 ngân hàng bị cặp vợ chồng Hậu - Loan lừa, mua một bài học. Với Ngân hàng Agribank, khâu thẩm định doanh nghiệp và dự án còn lỏng lẻo đã dẫn đến tổn thất lớn về khoản nợ xấu của ngân hàng không thể đòi được. 


Minh Phương (tổng hợp)

Bình luận(0)