'Tắm tiên' Sông Hồng coi chừng đột quỵ, tử vong

Google News

(Kiến Thức) - Tắm nước lạnh trong mùa đông là một thói quen không hề tốt cho sức khỏe. Đặc biệt với những người có tiền sử các bệnh về tim, phổi, dị ứng ... thì rất dễ gây ra đột quỵ và các tai biến khác.

Thời gian gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về "hiện tượng" người dân Hà Nội rủ nhau ra Sông Hồng (đoạn gần cầu Long Biên) "tắm tiên" trong điều kiện thời tiết dưới 10 độ C. "Hiện tượng" này cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng con người. Đặc biệt là những người trung và cao niên. Để có cái nhìn toàn diện về những tác hại cũng như những hiểu biết về cách tắm nước lạnh trong mùa Đông. Phóng viên báo Kiến Thức đã có buổi trao đổi với TS. BS Võ Tường Kha -Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thể thao Việt Nam về vấn đề này.

Theo TS. BS Võ Tường Kha " Tắm nước lạnh vào mùa đông cũng là một cách để rèn luyện cơ thể, tăng sức chống chịu thích nghi của cơ thể với thời tiết giá lạnh.

Nhưng khi tắm nước lạnh thì cần chú ý không phải ai cũng có thể tắm nước lạnh và coi tắm nước lạnh như một phương pháp rèn luyện thân thể, đặc biệt là các cụ già lớn tuổi và trẻ nhỏ. Vì hành động này rất dễ gây ra đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim ...".  

Nhiều người vẫn tắm tiên ở sông Hồng dưới trời lạnh 9 độ

Khởi động trước khi xuống tắm.

Bác sĩ Kha khẳng định: "Tắm nước lạnh vào mùa đông dễ dẫn tới những tai biến chết người".

Tắm nước lạnh dễ đột quỵ, tai biến mạch máu não

Bác sĩ Võ Tường Kha lý giải: "Ở những người cao tuổi thường mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch, xương khớp... Các cụ tắm sông giữa trời lạnh và định ninh rằng nước sông ấm không ảnh hưởng gì tới sức khỏe là hoàn toàn sai lầm. Vì khi xuống sông tắm thì nước có thể ấm và cơ thể chịu được nhưng khi tắm xong lên bờ, sự thay đổi thời tiết đột ngột, kèm với gió lạnh thì có những tổn hại rất lớn tới sức khỏe, rất dễ đột quỹ, đứt mạch máu não, nhồi máu cơ tim hoặc biến chứng sưng phổi...

Cụ thể: Với những người bị huyết áp quá cao, khi gặp nước lạnh, huyết quản sẽ co lại đột ngột, lượng máu lớn sẽ dồn về nội tạng làm cho huyết áp đã cao lại càng cao hơn, có thể làm vỡ mạch máu não gây xuất huyết, hôn mê, thậm chí tử vong. 

Với những người đau thần kinh tọa và các chứng thần kinh khác: khi bị lạnh sẽ càng đau nhiều hơn. Người bị viêm khớp và đau khớp cũng không nên tắm nước lạnh vì sau đó dễ bị viêm, sưng khớp nặng hơn. 

Còn ai dị ứng thời tiết, dị ứng do trời lạnh quá, hoặc hay bị nổi mẩn mề đay do lạnh, mẩn ngứa về mùa đông... thì trong thời gian phát bệnh tuyệt đối không nên tắm nước lạnh vì rất dễ tái phát. Ngoài ra nếu bị đau tim hoặc bị xơ cứng động mạch, thì không nên lựa chọn tắm nước lạnh".
 Dễ đột quỵ khi tắm nước lạnh trong mùa Đông,


Người khỏe mạnh có thể tắm nước lạnh để luyện tập.

"Nói như thế, không có nghĩa bất cứ ai cũng không được tắm nước lạnh. Với những người khỏe mạnh, thanh niên trai tráng, những người thường xuyên vận động thể thao hoàn toàn có thể tắm nước lạnh trong mùa đông như một phương pháp rèn luyện sự thích ứng của cơ thể với môi trường. Vì việc luyện tập tắm được bằng nước lạnh vào mùa đông cũng tốt vì nó giúp cơ thể quen được với cái lạnh, ít bị cảm lạnh, sức đề kháng mạnh lên...". Bác sĩ Võ Tường Kha  thông tin thêm.

Theo bác sĩ Kha: "Để tắm nước lạnh không sinh bệnh và tăng cường được sức khỏe cho cơ thể thì cần phải biết cách và phải có thời gian thích ứng, tích lũy tăng dần. Đầu tiên phải đảm bảo chắc chắn rằng cơ thể không mang những bệnh như huyết áp cao, tim mạch, sơ vừa động mạch, thấp khớp... "

Chú ý nên tắm trong phòng hoàn toàn kín gió, cần chuẩn bị sẵn quần áo dài tay, khăn bông khô. Trước khi tắm, nên vận động cho cơ thể được làm nóng lên, hai tay xoa khắp người như kiểu tắm khô làm cơ thể nóng dần lên.

Làm quen với sự thay đổi của nước và môi trường bằng cách tắm hai tay trước, sau đó tắm từ đầu gối trở xuống, tưới nước dần dần trên đầu gối đến bẹn. Sau đó, lấy khăn xấp chút nước lạnh chấm vào rốn, dùng tay xoa đều xoa đều cho nóng, cứ thực hiện như thế tắm dần dần từng ít một trên người. Tiếp tục tắm tiếp phần cổ, gáy, lưng rồi đến đầu... Lúc này cơ thể đã quen với nước lạnh, có thể tắm như bình thường, dùng vòi hoa sen  xả thẳng, hoặc dội nước thẳng lên người sẽ không thấy lạnh nữa.

Tuy nhiên, vẫn phải thử phương pháp này dần dần để cơ thể thích nghi và làm quen dần. Bạn cũng cần chú ý trong quá trình thử nếu thấy cơ thể không chịu được thì nên dừng lại, đừng cố quá dễ dẫn tới những tai biến tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe.

Vào mùa đông trời rất lạnh nên pha thêm chút nước ấm để tắm ở nhiệt độ nước từ 10 o C đến 20 o C, tránh tắm nước trực tiếp từ bể nước hoặc vòi nước máy vì nước đó quá lạnh. Nếu ở nông thôn có thể tắm bằng nước giếng sâu, vì nước giếng vào mùa đông khi bơm lên thường rất ấm.

Dưới tác động của nhiệt độ này, trước tiên làm nhiệt độ của da giảm xuống, tiếp theo thông qua bộ cảm thụ da và dưới tác dụng của thần kinh, các kích thích lạnh sẽ truyền về trung khu thần kinh dưới da ở vỏ não. Một mặt làm tǎng hưng phấn ở não bộ, làm cho con người trở nên hoạt bát, tinh thần sảng khoái, ǎn uống ngon miệng.

Mặt khác nhờ đó trung khu điều tiết nhiệt độ cơ thể, làm cho cơ thể thích ứng với sự biến đổi của nhiệt độ môi trường khác nhau, nâng cao khả nǎng phản ứng chống rét của cơ thể. 

Huyền Thu

Bình luận(0)