Chuyện lạ đại bổ con lịch củ hầm thuốc bắc

Google News

Hồi xưa, dân đáy bắt được con lịch củ trong đáy lật đật đem thả và cúng con gà xả xui.
 

Trước năm 1995, nhiều người ở miền Tây ăn lịch củ sợ xui nên loại này ít có giá. Hôm 24.5, mối của Hai Cà Mau bỏ cho ông con 1,1kg với giá 1 triệu đồng/kg. Ở Đài Loan lịch củ lên đến 300 USD/cân (600g). Lịch nước lợ một thời rất nhiều ở Duyên Hải, Trà Vinh, chẳng hạn, nhưng bị diện tích thả tôm giết chết bởi thuốc diệt cá và tước đoạt chỗ ở…
Chuyen la dai bo con lich cu ham thuoc bac
Học theo kinh nghiệm của Đài Loan của một thời bán nhà hàng, chế biến món lịch củ hầm thuốc bắc, Hai Cà Mau coi món này như một thứ bửu vừa bổ dưỡng vừa “Lâm Sung” tới bến.
Ngày xưa, bên con sông quê ngoại - sông Cái Nha Trang, những ngày triều xuống mạnh nước cạn phơi đáy, dân nhậu vẫn dùng cái móc câu đặc dụng để cào lịch ở sâu dưới bùn. Lịch lúc đó như tôi biết chỉ bằng ngón tay út. Cào chừng một hai tiếng là có chảo lịch xào sả ớt. Ngon không đủ nhậu nên tụi con nít mặc sức thèm thuồng, đứng xa ăn bằng mắt. Làm gì được ăn để bớt còi, mau lớn theo như sách vở đông y!
Lần đầu tiên mới thấy con lịch củ to cỡ 1kg mà Hai Cà Mau khoản đãi bạn bè. “Sẵn thấy trong mình yêu yếu, nên đem nó hầm thuốc bắc”. Ông cho biết ra tiệm bổ một thang nói là hầm thù lủng (tức thổ long – tên người Đài Loan gọi con lịch củ, là tiệm nó biết cần những vị gì. Có tới 16 vị. Về nhà ông thêm hai vị là trần bì và quế. Để có món thù lủng hầm thuốc bắc, phải hầm cách thuỷ các vị thuốc như táo đen, sâm địa, hoài sơn, thục địa cau kỷ tử, nhãn nhục... hết một ngày, sau đó mới cho lịch củ vào hầm cách thuỷ thêm một ngày. Có bao nhiêu thức bổ dưỡng coi như nằm trong nước. Nước bổ hơn cái.
Người Anh gọi nó là moray eel – tức một loại lươn bắt nguồn từ tên khoa học của nó muraenidae với gần 200 loài, 15 phân loài sống ở biển, hầu hết sống nước lợ, rất ít ở nước ngọt. Hai Cà Mau cho biết bây giờ thường bắt bằng đáy. Con vật còn sống đem bán mới có giá. Ông nói: “Nó khác với lươn, mình vàng, con to có đốm vàng ở tai, sống ở nước lợ. Thứ này vào nhà hàng lớn bây giờ cũng không có”. Theo lời ông kể, con lịch củ gặp chướng ngại là bỏ số de rất lẹ, không cần quay lại, kể cả bỏ số de khi ở dưới bùn.
Cách đây hơn mười năm, các nhà sinh học phát hiện được hiện tượng hợp tác đi săn mồi hiếm có và thú vị giữa cá mú rạn và lịch khổng lồ. Hợp tác ở mức độ khác như tại các trạm vệ sinh, cá nhỏ vào miệng cá lớn diệt ký sinh trùng.
Học theo kinh nghiệm của Đài Loan của một thời bán nhà hàng, chế biến món lịch củ hầm thuốc bắc, Hai Cà Mau coi món này như một thứ bửu vừa bổ dưỡng vừa “Lâm Sung” tới bến. Thấy chúng tôi lo gắp thịt con lịch xem mùi vị ra sao. Ông lắc đầu: “Húp nước đi. Nước mới bổ. Mọi thứ trong con lịch đã hoà với thuốc hết rồi. Thịt ăn sau, chấm muối tiêu”.
Một món ăn khác nữa được Hai Cà Mau giới thiệu cũng liên quan đến lịch nhưng hẹn phải đến tháng 9, mùa gió chướng, lịch mới đi nhiều – đó là lịch huyết, Đài Loan gọi là sè lủng. Thứ này con nhỏ bằng ngón tay, cũng đem hầm y như lịch củ. Lịch huyết còn được Hai ngâm hàng trăm lít rượu, để dành bán cho khách Đài Loan. Hai cho biết: “1 triệu đồng một lít!”.
Thực ra Hai Cà Mau chẳng dính líu gì tới Cà Mau, nhưng hồi xưa làm có tiền, đi ăn nhà hàng, các em tiếp viên hỏi ở đâu đều xưng là dân Cà Mau và lần nào đi ăn cũng hết sức hào phóng xởi lởi với các nàng nên chết tên Hai Cà Mau. Chớ ổng rặt Cai Lậy.
Theo Ngữ Yên/Thế Giới Tiếp Thị

>> xem thêm

Bình luận(0)