Cảnh báo căn bệnh khiến bạn đau đớn, khốn khổ mỗi khi mùa đông đến

Google News

Mùa đông, thời tiết lạnh khô là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân bị vảy nến.

Tuy ít gây đau đớn nhưng căn bệnh lại khiến cơ thể luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ. Đáng buồn đây là căn bệnh mãn tính, cho tới nay người bệnh phải xác định “sống chung với lũ” vì không thể chữa khỏi hẳn.
Những bệnh nhân vảy nến kể về căn bệnh ám ảnh này
Li Xitian, 58 tuổi, ở Hà Nam, Trung Quốc là người đã sống chung với bệnh vảy nến gần 60 năm nay. Ông tin rằng, nguyên nhân mình khiến mình mắc bệnh là do người thợ cắt tóc làm tổn thương da đầu ông và gây ra 1 nốt mụn bị ẩm. Sau khi đi khắp đất nước để tìm cách chữa bệnh, bác sĩ chuẩn đoán ông bị mắc vảy nến nặng, chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng chứ không chữa khỏi.
Canh bao can benh khien ban dau don, khon kho moi khi mua dong den
Mùa đông, thời tiết lạnh khô là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân bị vảy nến. 
Hiện tại ông Li phải sống trong một căn nhà bên rìa làng và bị cô lập do mọi người sợ bị lây bệnh của ông. Hiện chính quyền địa phương đang trợ cấp cho ông.
Nhạc sĩ sở hữu lượng fan hùng hậu người Philippine, Moira Dela Torre, bị vảy nến khi mới 23 tuổi. Ngôi sao từng chia sẻ trên Facebook của mình về căn bệnh mãn tính này. Đó là căn bệnh tự miễn, làm quá trình sinh trưởng tế bào da tăng lên và để lại nhiều mảng sần trên toàn bộ cơ thể. Thay vì che giấu, tự ti hay sợ sệt, nữ nhạc sĩ đã nói cho cả thế giới biết đến căn bệnh này.
Mới đây, báo chí đưa tin về trường hợp của ông Nguyễn Văn H., trú tại Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Ông kể mình đã bị bệnh vảy nến tấn công từ hồi lớp 6, lớp 7. Hàng xóm, bạn bè, thậm chí người nhà thời gian đầu cũng tránh xa vì ai cũng nghĩ ông bị sida. Rất nhiều lần ông mong giá mình mắc phải bệnh ung thư có lẽ tốt hơn. Vì bệnh đó chẳng bị kỳ thị, lại nhận được chia sẻ từ mọi người.
Trong nhà ông lúc nào cũng phủ trắng vảy da đến ghê người. Đợt nào bệnh bùng phát thì rơi cả nắm da. Mặc dù các bác sĩ đã khẳng định bệnh vảy nến không lây nhiễm, nhưng người nhà ông vẫn giữ khoảng cách vì ám ảnh.
Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, không may mắc bệnh vảy nến anh Nguyễn Công L. trú tại Hà Nội đã tìm đến đủ các loại thuốc tây nam đủ cả. Và đến giờ anh đã bị suy thận phải chạy thận chu kỳ 3 tuần 1 lần.
Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thu H. (Hà Nội) đã bị bệnh 16 năm. Bà kể có lần vào viện cấp cứu không ai dám ở chung phòng với bà vì sợ lây nhiễm. Chính điều đó khiến các bệnh nhân vảy nến luôn tự ti, thậm chí có lúc họ nghĩ quẩn thà mắc ung thư, HIV cũng đỡ khổ hơn như này.
Vảy nến là căn bệnh “ám ảnh” hơn cả ung thư
Vảy nến là bệnh da mạn tính hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Nguyên nhân gây bệnh là do các tế bào da tái tạo quá nhanh, tích tụ và tạo thành mảng vảy dày trên bề mặt da. Vảy nến có nhiều dạng nhưng thường gặp nhất là vảy nến mảng da.
Theo PGS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh vảy nến là có chòm da bong vảy, bị đỏ, da dày lên so với các vùng da khác.
Bệnh có thể dễ nhầm với một số bệnh khác như viêm da tiết bã nhờn, vẩy phấn hồng, bệnh phong, bệnh giang mai và thậm chí cả HIV/AIDS. Các bệnh nhân thường bị xa lánh nên dễ dẫn đến trầm cảm, tuyệt vọng. Khi bị vẩy nến, người bệnh rất khó chịu, ngứa ngáy và đau đớn do tổn thương da gây nứt và chảy máu.
Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu người (~3% dân số) mắc căn bệnh này. Mọi lứa tuổi đều có thể bị vảy nến, nhưng độ tuổi dễ khởi phát bệnh là 15-30 tuổi. Nam và nữ có khả năng mắc bệnh như nhau.
Trong số đó, 42% bệnh nhân có biến chứng viêm khớp vảy nến, gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân vảy nến cũng được ghi nhận mắc các rối loạn chuyển hóa, bệnh tim mạch…
Theo các bác sĩ, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu như da khô, nứt, có thể chảy máu, ngứa, đỏ da và lở loét da…thì nên đến thăm khám bác sĩ chứ không nên tự điều trị. Người bệnh tuyệt đối không chữa bằng các phương pháp như đông y, thuốc bôi, thuốc đắp khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Người bệnh vẩy nên và không nên làm gì
Để bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc căn bệnh ám ảnh này, chúng ta nên làm theo những lời khuyên sau:
- Giữ vệ sinh da tốt. Những ngày lạnh khô cũng nên tắm rửa sạch sẽ.
- Tránh làm tổn thương da và làm khô da. Nếu da quá khô nên bôi những loại kem dưỡng da mùa đông cho mềm mại.
- Mùa đông nên giữ ấm cơ thể, mùa hè nên bôi kém chống nắng, mặc quần áo chống nắng trước khi ra khỏi nhà.
- Tự khám da mình mỗi ngày, nếu thấy các dấu hiệu nghi ngờ thì đến bác sĩ da liễu khám càng sớm càng tốt.
- Bổ sung thêm những thức ăn có chứa acid folic và omega-3.
- Không hút thuốc và uống rượu bia.
- Tránh lo lắng, giận dữ, xúc động mạnh.
- Thông báo cho bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng. Thực hiện theo đúng đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa da. Tái khám đúng hẹn.
Những điều chúng ta không nên làm:
- Không tự ý sử dụng các biên pháp phòng chữa bệnh khi không rõ nguồn gốc
- Không tự ý thoa thuốc có chứa corticosteroid mà không có ý kiến của bác sĩ.
- Không tự ý ngưng hay thay đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
Theo Cô Tấm/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)