5 loại rau tốt cho sức khỏe

Google News

(Kiến Thức) - Rau ngót, rau dền, rau nhút, rau muống, lá sắn non... là những loại rau tốt cho sức khỏe vì lượng đạm cao.

5 loai rau tot cho suc khoe
Rau dền là một trong những loại rau chứa nhiều chất đạm. Ảnh minh họa. 
Dùng 500g rau muống, cơ thể ta được cung cấp một lượng protein 16g, tương đương 100g thịt ba chỉ. Các loại rau họ đậu như đậu xanh, đậu ván, đậu nành, đậu ngự, đậu đenthì lượng protein của chúng cao hơn thịt, cá, trứng. Chất đạm có cấu tạo từ các axit amin, trong số đó có 10 loại cơ thể không thể tổng hợp được.Khi sử dụng đạm thực vật, cần phải bổ sung thêm đạm động vật. Chế biến đúng cách, ăn phối hợp trứng, thịt, cá, rau và các loại đậu thì nguồn protein cung cấp cho cơ thể sẽ dồi dào hơn.
Rau muống: Rau muống có giá trị dinh dưỡng cao, 100g rau muống cung cấp được 2,7 - 3,2g đạm, ăn 500g rau muống cơ thể ta được cung cấp một lượng protein 16g, tương đương 100g thịt ba rọi. Trong rau muống có nhiều loại axit amin như lysin, metionin... và nhiều chất khoáng như canxi, phosphor, sắt, các loại vitamin. Rau muống có vị ngọt dịu, tính mát, có tác dụng chống độc, chống viêm, lợi tiểu và cầm máu. Rau muống chữa ngộ độc thức ăn (phải dùng đến 0,5kg rau muống giã nát ra vắt lấy nước uống sau khi đã làm nôn ra thức ăn), giải chất độc của các loại thuốc. Rau muống dại hay rau muống biển cũng có thể ăn được nhưng theo kinh nghiệm dân gian phải ngắt bỏ phần đọt, nếu không sẽ bị tiêu chảy. Rau muống biển còn là vị thuốc chữa thấp khớp, tạng khớp, dùng ngoài đắp vào vết sứa cắn. 
Rau sắng: Là loại rau quý dùng để nấu canh với thịt, cá ăn rất ngon, đậm đà hơn hẳn các loại canh khác. Rau sắng ngon vừa có nhiều chất bổ quý, có nhiều giá trị dinh dưỡng nhất trong các loại rau ở nước ta. Ngoài việc cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và muối khoáng, rau sắng còn cung cấp một lượng đáng kể chất đạm (protein) và chất bột (gluxit). Tỷ lệ đạm trong rau sắng cao gấp đôi rau muống và hơn cả đậu côve, đậu đũa, đậu ván... là những thức ăn thực vật họ đậu từ xưa vẫn nổi tiếng là giàu đạm (trong 100g rau sắng có 6,5g đạm, trong 100g rau muống chỉ có 3,2g, đậu cove có 5g, đậu đũa 6g, đậu ván 2,8g). Chất đạm trong rau sắng lại thuộc loại quý gồm nhiều axit amin quý cơ thể không thể tổng hợp được như lysin, metionin... Về giá trị làm thuốc chỉ biết rau sắng dùng rễ chữa sán.
Rau ngót: Phải vò cho nát rồi mới dùng nấu canh ăn với tôm, tép, cá lóc, cá rô, thịt nạc, canh rau ngót mát và có vị ngọt rất đặc biệt. Trong 100g rau ngót, cung cấp cho cơ thể 5,3g đạm và các axit amin. Rau ngót già dùng làm thuốc tiêu độc, rau ngót tươi dùng giã lấy nước cốt rơ lưỡi cho trẻ nhỏ.
Rau dền (rau dền tía, rau dền đỏ): Trong 100g rau dền có 1,7g đạm. Hạt của rau dền tía có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa 16 - 18% chất đạm, 62% tinh bột, 6% chất béo, được xem như là hạt bồ đào dùng cho vào bột mỳ làm bánh, là loại lương thực có giá trị cao hơn lúa mỳ, bắp, lúa và đậu tương. Rau dền vị ngọt, tính mát, lợi đại tiểu tiện, chữa tiểu không thông, bí tiện, kiết lỵ. 
Rau nhút: Là rau ăn rất thông dụng, có mùi thơm đặc biệt như mùi nấm hương, trong 100g rau nhút có 3,4g chất đạm. Đây là loại rau dùng chấm với mắm kho, nấu canh chua, nấu lẩu, trồng rau nhút là nghề cho thu nhập khá. Canh rau nhút nấu với khoai sọ là một món lạ miệng, có tác dụng mát người. Rau nhút có vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, mát gan, mạnh gân cốt, an thần, gây ngủ, thường chữa sốt cao, bướu cổ (ăn rau nhút trong một tháng liền). Nhưng chú ý rau nhút có tính lạnh, người tạng hàn không nên dùng, trẻ con ăn nhiều không tốt.
BS Phạm Văn Thìn (Bệnh viện Y Dược học Cổ truyền Đồng Nai)

Bình luận(0)