Điều chỉnh chế độ ăn phòng bệnh rối loạn mỡ máu

Google News

(Kiến Thức) - Rối loạn mỡ máu, hay còn gọi là rối loạn lipid máu, tăng cholesterol là thuộc nhóm bệnh lý rối loạn chuyển hóa khá phổ biến hiện nay.

Theo các Bác sĩ chuyên khoa cho biết, rối loạn mỡ máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm, như: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, cao huyết áp... Những người có hàm lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn 2-3 lần so với người bình thường. Đáng lưu ý là không chỉ người béo phì mới có nguy cơ mắc rối loạn lipid máu mà những người gầy cũng có thể mắc.
Dieu chinh che do an phong benh roi loan mo mau
Người mắc bệnh mỡ máu không nên ăn quá nhiều đồ ngọt. 
Rối loạn mỡ máu hầu như không có biểu hiện triệu chứng mà chỉ tổn thương thật sự tại cơ quan đích. Nguyên nhân chính của rối loạn mỡ máu là do cơ thể được cung cấp năng lượng dư thừa gây tích tụ mỡ. Khi có sự rối loạn mỡ trong máu, thường có sự gia tăng quá nhiều chất béo gây bệnh, cụ thể là những chất béo gây ra xơ vữa động mạch. Những chất béo này sẽ đọng lại, gắn vào thành mạch máu và kéo theo một chuỗi quá trình sau đó để tạo thành những vệt mỡ, những mảng vữa xơ mà hậu quả của nó là làm hẹp lòng mạch máu lại. Lòng các mạch máu bị hẹp sẽ làm giảm việc cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng.
Nếu ở động mạch vành sẽ gây bệnh thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, tắc mạch nhiều nơi. Nếu ở động mạch não sẽ gây chóng mặt, tai biến mạch máu não như đột quỵ. Nếu là ở mạch máu tay, chân sẽ gây tê lạnh đầu ngón chân, tay, đau buốt khi đi lại... Những biến chứng mạch máu này đều rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật.
Rối loạn mỡ máu không gây tác hại tức thời nhưng về lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng. Thông thường sau 25 tuổi nên đi kiểm tra rối loạn mỡ máu 1 năm/lần để có hướng điều chỉnh kịp thời. Công tác này hiện nay được thực hiện rất phổ biến và dễ dàng ở các bệnh viện trong tỉnh bằng cách xét nghiệm máu. Trước khi đi xét nghiệm cần nhịn đói tối thiểu 6 giờ đồng hồ.
Bệnh rối loạn mỡ máu có thể phòng ngừa được bằng cách có chế độ ăn uống, vận động hợp lý. Hạn chế các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol, như: bơ, thịt xông khói, mỡ động vật, dầu chiên nhiều lần, hải sản, lòng đỏ trứng (không ăn quá 3 quả/tuần và phải ăn cách ngày), phủ tạng động vật, da của các loại gia cầm... Giảm các thức ăn nhanh như bánh hamburger, bánh có nhân thịt băm, thịt rán, bánh ga-tô, kem, phomát. Tăng cường ăn rau quả, hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có ga, thuốc lá. Nếu bị thừa cân, béo phì phải tăng cường tập thể dục, thực hiện chế độ giảm cân để phòng ngừa bệnh mạch vành. Tránh để tích tụ mỡ ở một số cơ quan trong cơ thể.

PV

Bình luận(0)