Xé đề cương sử: Học sinh sướng, giáo dục buồn

Google News

(Kiến Thức) - “Hàng trăm học sinh xé đề cương môn lịch sử là sự biểu hiện rõ ràng nhất của vấn đề học gì thi nấy. Học sinh “sướng” vì không phải ôn thi sử, nhưng ngành giáo dục lại buồn…”


Biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh “học gì thi nấy”

Vài năm trước, dư luận bàng hoàng bởi việc hàng nghìn bài thi môn Lịch sử trong đề thi đại học có điểm 0. Ngay sau đó, hàng chục cuộc hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức để bàn thảo về vấn đề này. Kết quả là đại đa số học sinh đều cho rằng, môn sử là môn phụ không cần học. Nếu học thì cũng chỉ để cho đủ điểm, không cần đọng lại gì trong đầu.

Mới đây nhất, dư luận lại xôn xao với việc hàng trăm học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, tập trung ra hành lang, hò hét và đồng loạt xé đề cương môn Lịch sử thả xuống rơi trắng cả sân trường khi biết trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 của Bộ GD&ĐT không có môn lịch sử. Ngay sau khi biết sự việc, lãnh đạo trường THPT Nguyễn Hiền đã yêu cầu học sinh dọn rác ở sân trường…

 Học sinh trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn lịch sử ( ảnh từ clip)

Clip về vụ việc trên được truyền tải trên mạng Internet đã thu hút được hàng ngàn sự quan tâm của bạn đọc. Đa số ý kiến bình luận đều bày tỏ sự bất bình trước hành động vô ý thức của học sinh trường THPT Nguyễn Hiền. Các ý kiến một lần nữa lại khơi gợi “nỗi đau” về việc học sinh chán học môn lịch sử của ngành giáo dục.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao học sinh lại ghét học môn lịch sử đến thế trong khi đề thi tốt nghiệp chỉ ra ở mức trung bình? Tại sao môn lịch sử là môn học quan trọng nhưng lại bị học sinh coi thường?

Ở góc độ nghiên cứu giáo dục, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS Trần Xuân Nhĩ khi trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên cho rằng: Việc học sinh xé đề cương môn lịch sử là do các em thấy “sung sướng” khi không phải ôn thi môn học này để thi tốt nghiệp. Học sinh thấy “sướng” nhưng đó là nỗi buồn của ngành giáo dục.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo không chọn môn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 khiến học sinh có tâm lý không cần thì vứt đề cương ôn tập môn này đi. Học sinh thấy “sướng” khi không phải ôn thi môn này. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của tâm lý “học gì thi nấy” vốn tồn tại lâu nay trong suy nghĩ của học sinh”.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS Trần Xuân Nhĩ

“Lỗi trong chuyện xé đề cương môn Lịch sử không thuộc về học sinh mà thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi vì kỳ thi tốt nghiệp là để đánh giá kết quả của các em sau 3 năm học THPT. Tại sao cả quá trình 3 năm học có bao nhiêu môn, nhưng thi tốt nghiệp chỉ có 6 môn học. Nếu để đánh giá cả quá trình học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho thi tất cả các môn. Nếu chọn một số môn, Bộ chỉ đánh giá ở một thời điểm trong quá trình học đó và lẽ tất nhiên học sinh chỉ học những môn trong diện thi tốt nghiệp. Những môn không thi tốt nghiệp thì chỉ học chống chế. Những môn không thi, học sinh sẽ không học nữa và vứt tài liệu ôn thi môn đó đi”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận.

80% học sinh cấp 3 “sướng” 

Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS Văn Như Cương cho rằng: Đề cương môn lịch sử chắc chắn là do trường cho học sinh ôn luyên trước, chứ không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra.

“Hiện nay trong 6 môn thi tốt nghiệp, chỉ có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Tiếng Anh. Với 3 môn còn lại là do Bộ căn cứ vào thực tế để bổ sung. Như vậy, Bộ chỉ ra đề cương 6 môn thi tốt nghiệp THPT sau khi đã công bố những môn thi này. Vấn đề ở đây là do trường đã ra đề cương ôn thi trước cho học sinh tập trung. Tất nhiên sau đó học sinh không thấy có môn Lịch sử nên đã xé và vứt đề cương và tài liệu ôn tập đi”, PGS Văn Như Cương nhận định.

 PGS Văn Như Cương: Biểu hiện của học sinh thái quá dẫn đến phản cảm

“Trên thực tế, môn Lịch sử là môn khó kiếm điểm nên khiến nhiều học sinh lo lắng. Khi biết không phải thi lịch sử, học sinh vui mừng nên có những biểu hiện thái quá dẫn đến sự phản cảm”,PGS Văn Như Cương đánh giá.

“Chúng ta không nên quá nặng nề về vấn đề này. Có chăng cần đánh giá thái độ của học sinh với môn Lịch sử để có những điều chỉnh hợp lý. Nghành Giáo dục và nhà trường cần  giúp học sinh có thái độ với môn lịch sử ở góc độ nhìn nhận nghiêm túc hơn. Thực tế, chỉ có 20% học sinh THPT theo môn lịch sử, 80% học sinh còn lại theo ban A, ban B…không thấy thi lịch sử ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nên vui mừng”.

“Cũng cần nhìn nhận là đây chỉ là thiểu số, cục bộ ở một trường nên không thể đánh giá nặng nề về thái độ của học sinh về môn Lịch sử chung cho cả nước. Nếu tất cả các trường, học sinh đều có hành vi như thế mới là việc nghiêm trọng. Vấn đề ở đây cho thấy, các trường THPT không nên ép các em học sinh ôn tập tốt nghiệp trước khi bộ GD&ĐT ra danh sách môn thi tốt nghiệp, tránh tạo áp lực khiến học sinh căng thẳng”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN
Hải Ninh

Bình luận(0)