Vỡ đập thủy điện ở Gia Lai, dân leo cây thoát chết

Google News

Sau nhiều giờ sơ tán, được sự giúp đỡ của Chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh người dân tại nơi xảy ra sự cố vỡ đập đã được về nhà.

Sau nhiều giờ sơ tán, chạy thoát khỏi dòng nước dữ, đến đầu giờ chiều ngày 12/6, người dân tại làng Bi và làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ đã về lại nhà. Chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang thống kê thiệt hại cũng như giúp dân làng khắc phục hậu quả từ vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long-Gia Lai làm chủ đầu tư.
 
 Một đoạn cổng xả ở chân đập trơ ra những sợi thép. 

Sau khoảng 4 giờ nhận được tin, chúng tôi tiếp cận được hiện trường nơi đập thủy điện bị vỡ. Theo ghi nhận, đây là đập dâng, hàng ngàn mét khối đất đá đã bị cuốn theo dòng nước sau khi đập bị vỡ. Những khối bê tông nặng hàng tấn cũng bị nước hất văng xa lên bờ để lộ ra các sợi thép lớn. Độ dài bờ đập bị sạt lở khoảng 40 mét, kèm theo một số vết nứt và sụt lún lớn ở giữa đập. Hiện một số bờ đất tại khu vực kề vị trí đập bị vỡ vẫn đang có dấu hiệu sạt lở tiếp tục. Bên dưới, dòng nước vẫn cuồn cuộn chảy một cách hung hãn về phía hạ lưu con suối Đôi.

Một số người dân hiếu kỳ đến xem cho biết, tình hình thời tiết trên địa bàn xã Ia Dom trong 5 ngày gần đây không có mưa lớn xảy ra. Khi đập vỡ ai cũng nghe tiếng nước chảy rất mạnh nhưng không hiểu là chuyện gì, đến sáng mới biết là thủy điện của Bảo Long bị vỡ.

 

Trước đó, vào khoảng 4 giờ ngày 12/6, người dân làng Bi và làng Ó đang còn chìm trong giấc ngủ thì bỗng nghe tiếng ầm ầm như thác đổ từ trên núi ùa về. Sự việc xảy ra bất ngờ khiến nhiều người dân nơi đây không kịp làm gì ngoài tìm cách chạy trốn khỏi dòng nước dữ càng nhanh càng tốt. Có người ôm con, đưa gia đình lên đồi đất cao bên cạnh, có người không kịp thì túm lấy những cây cao gần nhất rồi trèo thật nhanh, thật cao để thoát được cơn lũ… Chỉ trong phút chốc, hàng trăm hộ dân đã bị dòng nước lũ cô lập hoàn toàn.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Puih Ơnh (làng Ó, xã Ia Dom) nhớ lại: “Lúc đó khoảng 5 giờ 30 phút, tôi đang nấu ấm nước để pha cà phê uống, chuẩn bị đi làm cỏ mì thì bỗng dưng thấy nước suối chảy ầm ầm xuống. Tôi vội gọi vợ con thức dậy và xúi họ chạy lên đồi, còn tôi thì leo lên cây cao khoảng 10 mét để tránh. Nước tràn nhanh lắm, cứ cuồn cuộn, dâng cao phải tới 7 mét là ít”.

 Một đoạn bờ suối tại làng Ó bị sạt lở khi đập thủy điện bị vỡ. 

Toàn bộ lượng nước trong lòng hồ đã tràn xuống vùng hạ du, gây lũ quét dọc trên tuyến suối, làm ngập và cuốn trôi hàng chục hecta hoa màu, nhà cửa, gia súc, gia cầm… của người dân. Trên một khoảnh đất rộng nơi dòng nước tràn qua, tất cả cây cối, hoa màu đều nằm rạp dưới đất. Nhiều ngôi nhà và lán trại của dân bị dòng nước xô ngã hoặc làm cho xiêu vẹo. Đưa mắt nhìn một vùng hoang tàn trước mặt vừa mới ráo sơ sau nước rút, già làng Rơ Châm Chêl (làng Ó, xã Ia Dom) nói với chúng tôi bằng cái giọng buồn rười rượi: “Chẳng biết nước ở đâu nữa, chỉ biết nó ập tới nhanh lắm, cả làng ai cũng sợ hãi, leo lên xe máy chạy lên vùng cửa khẩu trốn hết, chờ nước rút mới về. Giờ nguyên 1,5 ha mì, chuối hư hết, gà vịt mất, ba con chó cũng mất, xoong nồi trôi hết luôn, còn cái nhà thì nghiêng, sắp sập rồi”.
 
Thủy điện Ia Krêl 2 do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long-Gia Lai đầu tư xây dựng, được khởi công xây dựng từ năm 2009 (thuộc lưu vực sông Pô Cô) với tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Gồm hai tổ máy, công suất dự kiến 5 MW, thời gian hoạt động của dự án là 45 năm, diện tích chiếm đất là 147 ha. Hiện nay đập chính đã hoàn thành và bắt đầu tích nước, nhưng chưa đi vào hoạt động.

Khi nhận được thông tin báo về từ một số người dân tại vùng gặp nạn, lực lượng Bộ đội Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã kịp thời đến ứng cứu và giúp dân làng sơ tán.
 
Anh Nguyễn Văn Quang-Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-cho biết: Khoảng chừng 6 giờ sáng, chúng tôi nhận được tin từ già làng Rơ Châm Chêl- hớt hãi kêu cứu, dân làng đang bị nước cuốn trôi, vợ con không thấy đâu cả. Sau khi thống nhất, anh em vội đến làng thì thấy nước đã dâng cao, ngập toàn bộ nhà dân, một người dân đang bị nước cô lập trên cây cao. Dù rất khó khăn, nhưng anh em chúng tôi vượt qua dòng lũ, trôi theo dòng nước để tiếp cận và đưa người dân sơ tán an toàn cũng như đưa người gặp nạn về đồn cấp cứu. Ngoài chúng tôi vẫn còn 2 đội khác tiếp tục tìm hiểu, nắm rõ tình hình khu vực dân cư thiệt hại sau lũ.
 
 Diện tích hoa màu của làng Rơ Châm Chel bị hư hại. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cùng với chính quyền địa phương đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Theo báo cáo mới nhất từ UBND huyện Đức Cơ về sự cố vỡ đập chính công trình thủy điện Ia Krêl 2, tính đến 13 giờ ngày 12/6, chưa có thiệt hại về người. UBND xã Ia Dom đang tiếp tục thống kê, nắm lại số người đi làm rẫy chưa liên lạc được. Về tài sản, có 8 căn nhà, lán trại của công nhân và người dân bị hư hỏng; trên 10 ha hoa màu (chủ yếu là mì, đậu) bị lũ cuốn trôi, không phục hồi được.

Tại cuộc họp nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần kịp thời giúp dân thoát khỏi vùng lũ của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và thống kê tổng thiệt hại mà nước lũ gây ra.

Theo Báo Gia Lai

Bình luận(0)