Vật vờ chờ “bán sức” ngày cuối năm

Google News

Trời rét căm căm không ngăn được những người lao động cần mẫn ngồi chờ bán sức lao động, mong kiếm được chút tiền cho dịp Tết âm lịc sắp tới.

 “Tìm việc khó quá, những ngày Tết Dương lịch tôi tính định về quê rồi, nhưng về quê bây giờ tìm việc còn khó hơn, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết âm nên phải cố ở lại tìm việc, mong tích cóp để lo cái Tết cho gia đình”.

Chị Lê Thị Hoa, một lao động tự do quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đứng "bán sức lao động ở" ở Mai Dịch (Từ Liêm, Hà Nội) nói với nét mặt đượm buồn những ngày cuối năm.

Ế ẩm “chợ người” ngày cuối năm

Từ 5h sáng ngày 31/12/2012, bất chấp cái lạnh thấu da thịt, anh Nguyễn Văn Thế ở Quảng Xương (Thanh Hoá) cùng với hàng chục lao động cùng quê vẫn có mặt tại “chợ người” cầu chui, Long Biên (Hà Nội) để chờ việc, kiếm tiền về quê.

Ngồi co ro với nét mặt buồn thiu vì từ sáng sớm đến 10h trưa vẫn chưa có ai đến thuê, anh Thế nói: “Ngày Tết người ở Hà Nội về quê hoặc đi chơi Tết chỉ còn lại những người lao động kham khổ như chúng tôi. Dù vậy chúng tôi vẫn hy vọng có ai đó thuê một công việc gì để mong có “đồng ra đồng vào” trả tiền ăn, tiền nhà trọ…”.

 Lao động tự do ở trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên.

Gia đình đông con, vợ lại hay ốm đau nên sau khi thu hoạch vụ mùa xong, anh Thế lại cùng với các anh em khác trong xã lũ lượt kéo nhau lên Hà Nội kiếm việc làm.

“Ở quê quanh năm chỉ biết trông vào mấy sào ruộng, lo đủ ăn đã khó chứ chưa nói đến chuyện ốm đau rồi ăn học cho các con nên chúng tôi lên đây. Thế nhưng mọi năm lên Hà Nội việc nhiều còn đỡ, năm nay kinh tế khó khăn người thuê việc cũng ít nên chẳng tích cóp được đồng nào”, anh Thế thành thật.

Không riêng gì cảnh tượng đìu hiu ở chợ lao động cầu chui Long Biên, mà tại các khu chợ khác của Hà Nội như Mai Dịch, ngã tư Giảng Võ, Dốc Bưởi… đội quân lao động tự do, hay lao động mùa vụ cũng đói kém.

Là người có thâm niên ở “chợ” lao động Mai Dịch, anh Đinh Văn Khánh quê ở Ý Yên (Nam Định) quá quen thuộc với chuyện “ế ẩm sức mình” mỗi khi các khu xưởng, quán xá đóng cửa, để nghỉ dịp lễ, Tết.

Anh Khánh bày tỏ, thời buổi kinh tế khó khăn nên đã gần nửa năm nay dặt dẹo ở ‘chợ người’ Mai Dịch, anh thấy rất “đói” việc.

“Những ngày cuối năm như thế này công việc khan hiếm hơn ngày thường rất nhiều vì lượng người ngoại tỉnh đổ xô tới Hà Nội kiếm việc rất đông, trong khi người có nhu cầu thuê lại rất ít. Có những phải chờ ba bốn ngày liền là chuyện thường, có khi cả tuần lễ lê la cũng không kiếm được việc", anh Khánh nói.

Cố nán lại mong tìm được việc

Không riêng gì cánh đàn ông, nhiều chị em ở các vùng quê nghèo khó ngoại tỉnh cũng tìm tới Hà Nội mong có người thuê làm.

 Có rất nhiều lao động nữ chấp nhận bỏ quê ra Hà Nội tìm việc làm.

Chị Lê Thị Hoa (ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) sau khi thu hoạch xong vụ mùa đã cùng với một nhóm chị em rời quê ra Hà Nội.

“Mọi năm các công trình xây dựng nhiều còn có thể xin làm bốc vác, dọn dẹp ở nhưng năm nay việc ít phải ra đường đứng chờ, ai thuê gì làm nấy mà thấy khó quá!”, chị Hoa than vãn.

Ra Hà Nội đã được gần 2 tháng, công việc chị Hoa được thuê chủ yếu là dọn, sửa nhà với mức thù lao 120.000 đồng/ ngày. Thế nhưng ngày có việc bù ngày không nên tiền công chị kiếm được cũng chỉ đủ ăn và thuê nhà trọ.

Nhiều lúc chị tính về quê cho xong, nhưng rồi nghĩ đến Tết này các con chưa có bộ quần áo mới, đành cố ở lại để mong dịp cuối năm sẽ có nhiều người thuê.

“Về quê bây giờ tìm việc còn khó hơn, trong khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết âm nên phải cố ở lại, mong tích cóp để lo cái Tết cho gia đình”, chị Hoa nói như muốn khóc.

Bất chấp cái rét căm căm, những người lao động lam lũ này vẫn cố nán lại thêm từng ngày để mong có người đến 'mua' sức lao động của mình… Tất cả họ đều hy vọng, đồng tiền họ kiếm được sẽ phần nào giúp gia đình có một cái Tết tươm hơn một chút.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:

Theo VNN

Bình luận(0)