Tiền mất tật mang vì nước uống có ga tự phát nổ

Google News

(Kiến Thức) - Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, nhu cầu dùng đồ uống có ga tăng lên cao. Tuy nhiên, với loại đồ uống có ga đựng trong chai thủy tinh, người tiêu dùng nên cẩn trọng chọn lựa.

Những chai thủy tinh đồ uống có ga bất ngờ nổ

Chiều ngày 3/2, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1965, ngụ ấp 6, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An), nạn nhân trong vụ nổ chai bia trưa cùng ngày, đã được bệnh viện xác định hỏng một mắt, phải phẫu thuật.
 
Trước đó, lúc 11h30 cùng ngày, trong tiết trời nắng gắt, anh Hùng (chủ cửa hàng tạp hóa Hùng ở địa chỉ trên) từ trong nhà đi ra trước sân, nơi để một số két bia, đã được chủ đại lý giao từ buổi sáng để anh Hùng bán trong những ngày giáp tết.
 Ảnh minh họa.

Khi đến nơi, anh dùng hai tay nhấc mấy két bia lên, trong lúc nhấc, anh Hùng có làm động tác đưa két bia lên xuống để cân bằng khi bê vào nhà, thì bất ngờ có một tiếng nổ lớn từ trong két bia, một mảnh vỏ chai bay trúng vào mắt gây chấn thương nặng. Ngay lập tức, anh được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa Long An cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), anh Hùng được xác định hỏng một bên mắt và con mắt còn lại bị thương nhẹ. Theo gia đình, anh Hùng phải phẫu thuật mắt.

Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, có nhiều khả năng là do những chai bia này để ngoài nắng nhiều giờ liền, nên khi anh Hùng lắc mạnh bia tăng độ ga và phát nổ.

Trước đây cũng đã có một số vụ nổ chai nước ngọt có ga gây thương tích nặng cho người sử dụng:

Chiều 19/5/2008, bà Nguyễn Thị Mận, ngụ đường Lê Văn Linh, P13Q4, có nhờ chị Nguyễn Thị Hiếu (SN 1974, tạm trú 277/19 Bến Vân Đồn, P2Q4), là người hành nghề đổi vỏ chai nước ngọt, cầm vỏ chai không đến đại lý số 54 Lê Văn Linh, P12Q4 do ông Trần Xuân Cường làm chủ để đổi lấy 5 chai 7 Up. 

Khi anh Huỳnh Văn Quý, là nhân viên đại lý ,cầm 5 chai nước ngọt (tay phải 3 chai, tay trái 2 chai) đến bỏ vào giỏ của chị Hiếu thì một trong 3 chai bên tay phải phát nổ. Do chị Hiếu đang ngồi giữ giỏ nên miểng đã văng trúng mắt trái chị. 

Chị Hiếu được chở đến Bệnh viện Mắt TP HCM chữa trị. Hồ sơ bệnh án của chị Hiếu do Bệnh viện ghi: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rách gần toàn bộ đường kính giác mạc, rách cũng mạc 4-5 mm tính từ vùng rìa, vỡ thủy tinh thể, rách da mí dưới, kết quả siêu âm cho thấy có xuất huyết trong nội nhãn.

Sau nhiều ngày, chị Hiếu khiếu nại, Công ty PepsiCo Việt Nam, nơi sản xuất chai 7 UP hỗ trợ chi phí sinh hoạt 6 triệu đồng và thanh toán tất cả các chi phí điều trị tại Bệnh viện cho đến khi chị lành bệnh.

Trước đó, ngày 19/2/2005, một chai Pepsi cũng phát nổ khi nhân viên của quán cà phê Trang Đài (đường Trường Sơn, cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP HCM) đem nước ngọt bỏ vào két. Vụ nổ làm cháu Đỗ Hoàng Long đứng gần đó bị miếng chai văng trúng đứt gân tay. Phía Pepsi lúc ấy cũng thừa nhận vụ nổ là có thật nhưng nguyên nhân thì không thể xác định do không còn hiện trường. Pepsi chỉ đồng ý hỗ trợ 4,5 triệu đồng chi phí chữa bệnh cho cháu Long.

Người tiêu dùng có thể phòng tránh
Riêng với những sản phẩm thủy tinh trong sinh hoạt hàng ngày như: Ly, chén, cốc... anh Nguyễn Trần Nam (phố Vĩnh Hồ, Hà Nội), một thợ chuyên làm nghề thổi thủy tinh cho biết, nên chọn loại thủy tinh càng mỏng càng bền vì khi rót, đồ nóng tản nhiệt nhanh, đều, không gây nứt vỡ. Không nên dùng máy rửa chén bát để rửa những vật dụng bằng thủy tinh vì thủy tinh rất giòn, hay bị sứt mẻ. Tốt nhất là nên sử dụng nước ấm pha với dung dịch chanh để rửa ly, chén, bát bằng thủy tinh.
 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tự, chuyên viên cao cấp chuyên ngành thủy tinh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật và thương mại Vieglass: Thông thường, độ bền của thủy tinh rất lớn. Thủy tinh chỉ bị nổ khi lực bên ngoài tác động vào sản phẩm thủy tinh vượt quá sức bền của sản phẩm, gây phá vỡ cấu trúc giải phóng ứng lực. Trường hợp thủy tinh tự phát nổ là do sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn quy định. Trong giám định thủy tinh có rất nhiều tiêu chuẩn, chỉ cần bỏ qua một tiêu chuẩn nào đó sẽ gây tác hại như nổ, vỡ.

Thông thường, những sản phẩm thủy tinh đạt chất lượng, có độ bền cao thường được làm bằng phương pháp tôi nén, có độ bền cao hơn thủy tinh kéo từ 10 – 15 lần. Khi nổ, vỡ, thường vỡ vụn theo dạng hình tròn như hạt ngô, cạnh không sắc nên rất an toàn. Còn những sản phẩm thủy tinh có độ bền kém (thường trong những sản phẩm thủy tinh làm dưới dạng ủ thủy tinh), thì khi sản phẩm bị nổ vỡ sẽ thường có cạnh sắc.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Tự, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị bằng thủy tinh cần lưu ý: Nếu là hàng nội phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý chất lượng. Nếu mua hàng ngoại nhập phải tuân thủ đăng kiểm. Hiện nay Việt Nam đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn đối với thủy tinh và khách hàng nên đối chiếu với những tiêu chuẩn đó.

PGS.TS Nguyễn Văn Tự khuyến cáo nên sử dụng hàng thủy tinh được làm trong nước vì những sản phẩm này đã được kiểm tra, đánh giá theo tiêu chuẩn Việt Nam sẽ phù hợp với môi trường, khí hậu của Việt Nam hơn mà giá thành lại thấp hơn rất nhiều so với hàng ngoại nhập.

Hà Giang (T.H)

Bình luận(0)