Tăng giá xăng: “Ỷ lại độc quyền đẩy gánh nặng cho dân“

Google News

(Kiến Thức) - Chia sẻ với pv Kiến Thức về việc tăng giá xăng, TS Nguyễn Đình Dương cho rằng: "Dựa vào độc quyền, ỷ lại vào sự ưu đãi để đẩy gánh nặng cho dân là không được”.

Dân bức xúc cũng có cái lý của họ

Giá xăng mới đột ngột tăng thêm 1.430đ/lít khiến nhiều người sững sờ. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Phía cơ quan quản lý nhà nước đã khẳng định việc tăng giá xăng lần này là đúng quy định, có đầy đủ các lý do. Có cả lý do về giá xăng trước đây tăng mà ta chưa tăng, rồi bối cảnh giá xăng các nước xung quanh cao hơn dẫn đến buôn lậu, quỹ bình ổn đã hết... Những người có trách nhiệm thì khẳng định việc tăng giá xăng là bình thường. Nhưng giải thích của những người có trách nhiệm lại khiến người tiêu dùng không phục. Người dân bức xúc cũng có cái lý của họ.

Lần tăng giá xăng dầu lần này có gì khác lạ so với diễn biến giá cả xăng dầu gần đây thưa ông?

Tôi cho rằng cơ chế điều hành giá có vấn đề. Nhìn lại một chút thì năm 2010 có 3 lần điều chỉnh giá, năm 2011 điều chỉnh 3 lần, sang 2012 thì điều chỉnh 12 lần. Trong 12 lần điều chỉnh của năm 2012 thì có 5 lần tăng, 7 lần giảm. Tổng tăng là 5.170đ, tổng giảm là 3.800đ. Bù trừ tăng giảm thì giá xăng tăng 1.350đ. Đó là bối cảnh điều chỉnh giá xăng trong 3 năm liên tiếp. Lần tăng giá này nằm trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm liên tiếp gần 1 tháng trước đó.

Vậy lần tăng giá này có hợp lý?

Điều chỉnh giá là đúng, để giá cả hợp với quy luật thị trường, nhưng điều chỉnh tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào thì lại là vấn đề cần phải bàn. Điều chỉnh tăng cao như vậy trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm suốt cả tháng rồi thì rõ ràng là có 2 cái không hợp lý. Mức điều chỉnh không hợp lý. Thời điểm điều chỉnh không hợp lý. Điều này làm cho dư luận cảm thấy bức xúc và đặt ra câu hỏi liệu có điều gì khuất tất, liệu có lợi ích nhóm?

TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển
Kinh tế - Xã hội Hà Nội.

Không có cái tầm của người quản lý

Có người nghi ngờ về chuyện lợi ích nhóm trong việc này, quan điểm của ông thế nào?

Có lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ hay không, điều này tôi không dám bình luận vì mình không có bằng chứng gì cả. Xung quanh chuyện quỹ bình ổn giá, đầu cơ găm hàng... thì phải có các cơ quan chức năng có chuyên môn làm việc thì mới đưa ra kết luận. Mình chỉ thấy rằng mức tăng đột ngột như vậy là quá cao. Tại sao không rút kinh nghiệm như năm 2012 là mỗi lần tăng với một mức vừa phải để không tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. 

Chắc hẳn các nhà quản lý cũng phải tính toán đến tác động của nền kinh tế?

Chính vì thế mà tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng việc điều hành giá xăng dầu là có vấn đề, chưa thể hiện sự thông minh và cái tầm của người quản lý. Nhà nước nên quản lý theo hướng có một công cụ để điều tiết thị trường chứ không phải trực tiếp định giá như thế này. Cách làm của ta hiện nay không linh hoạt, không nhạy bén theo cơ chế thị trường. Nó gây nên nhiều hậu quả, thậm chí là hậu quả trầm trọng đối với nền kinh tế. Nếu có sự linh hoạt trong quản lý thì người tiêu dùng sẽ không bức xúc như thế này.

Theo ông thì tác động của lần tăng giá xăng này lên thị trường giá cả sẽ như thế nào?

Người tiêu dùng chịu tác động của việc tăng giá xăng ở 2 mức. Một mức là chi tiêu trực tiếp hàng ngày từ phương tiện đi lại. Mức nữa là giá các hàng hóa tiêu dùng thứ cấp sẽ tăng theo. Tiêu dùng xã hội sẽ bị giảm sau khi tăng giá xăng dầu khoảng 2 tháng. Nếu không có các biện pháp khác thì sau 2 tháng nữa sẽ nhìn thấy ảnh hưởng của giá xăng đến giá cả. 

Đừng đưa ra những lý do hài hước!

Theo ông thì vấn đề tồn tại nhất trong cách điều hành giá xăng dầu hiện nay là gì?

Cách điều hành, kinh doanh của doanh nghiệp còn nặng tính độc quyền. Cứ khó khăn là tăng giá với lý do này lý do kia. Vấn đề là kinh tế thị trường nó như thế, làm thế nào để có mức giá hợp lý, người tiêu dùng chấp nhận. Giờ mà cho đến 5 hãng kinh doanh khác nhau cạnh tranh kinh doanh xăng dầu thì hẳn là giá cả sẽ khác ngay. Bởi thế các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải xem lại cách làm của mình. Chứ đừng chỉ vì lợi ích của mình mà đưa ra những lý do hài hước. Bản chất của nó theo tôi là sự không cố gắng để hòa nhập kinh tế thị trường thực sự nên mới như thế. 

Tôi tưởng bản chất là lợi nhuận của họ chứ?

Thì làm gì có doanh nghiệp nào làm mà không vì lợi nhuận? Nếu không vì lợi nhuận thì doanh nghiệp nên giải tán đi. Nhưng lợi nhuận phải dựa trên sự năng động, tài giỏi của mình chứ không thể dựa vào độc quyền, ỷ thế vào những ưu đãi riêng để đẩy gánh nặng cho người dân thì không được và cũng không bền vững.

Vì sao lại không bền vững ạ, lợi nhuận càng nhiều thì doanh nghiệp càng phát triển bền vững chứ?

Nếu làm cho người dân cảm thấy bức xúc, có nhiều phản cảm thì bản thân Nhà nước cũng sẽ thấy không ổn và sẽ phải rà soát lại xem làm ăn có chỗ nào khuất tất, có chỗ nào không minh bạch. Thế là doanh nghiệp cứ chỉ lo giải trình, lo báo cáo thì cũng mệt, chẳng còn sức để hưởng thụ lợi nhuận. 

Một quyết định mà số đông thấy không hợp lý, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, thì trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu?

Cái này thì nên hỏi trực tiếp lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Cần thiết thì tranh luận, đối thoại công khai giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà khoa học với các cơ quan bộ, ngành.

Xin cảm ơn ông!

Cách quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là không ổn. Vì sao cứ giải thích mãi là thế giới tăng thì mình cũng tăng, thế giới giảm thì mình cũng giảm. Tại sao không có những cách khôn ngoan hơn. Khi xăng thế giới giảm mà xăng trong nước không giảm thì họ bảo lúc mua vào với giá cao, chưa tiêu thụ hết số xăng đã mua với giá cao ấy. Nhưng lúc giá xăng dầu thế giới tăng thì lại tăng ngay. Tại sao họ không có lời giải thích tương tự khi mua với giá thấp? 

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)