Phân bón Hóa Sinh xem mạng người rẻ hơn cây cao su (1)

Google News

(Kiến Thức) - Xả khói làm chết khô nông trường cao su, phải bồi thường nên Công ty phân bón Hóa Sinh đã quay ống khói xả thải về phía khu dân cư, khiến dân đang chết mòn vì... ô nhiễm nặng.

"Quả bom ô nhiễm" giữa khu dân cư
Cuộc sống của gần trăm hộ dân với hơn 500 nhân khẩu ở 2 xã Phạm Văn Cội và Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP HCM) vốn rất thanh bình, sung túc vì nơi đây vốn là vùng đất màu mỡ, phù hợp cho việc trồng trọt, chăn nuôi và có nông trường Phạm Văn Cội nổi tiếng khắp cả nước.
 "Quả bom ô nhiễm" bất ngờ xuất hiện giữa khu dân cư khiến hàng trăm người dân 2 xã Phạm Văn Cội và Nhuận Đức huyện Củ Chi phải sống cảnh đau bệnh, hư hại nhà cửa, hoa màu...
Thế rồi, hơn 10 năm trước, khu đất rộng hơn 10 ha nằm ngăn cách giữa ấp 5, xã Phạm Văn Cội và ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức "xuất hiện" Công ty cổ phần vật tư tổng hợp và phân bón Hóa Sinh (thuộc công ty Thanh Bình) với khu nhà xưởng bề thế 4 ha. Lúc đó, sự lo lắng đã hiện rõ trong từng gia đình xung quanh công ty khi họ biết rằng, sản xuất phân bón hóa sinh NPK (với công suất thiết kế 140.000 tấn/năm) khó tránh việc gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân.
Nạn nhân đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm không khí từ Công ty CP vật tư tổng hợp và phân bón Hóa Sinh (Công ty Hóa Sinh) chính là nông trường Phạm Văn Cội. Lúc đó, ống khói xả thải hướng về phía nông trường làm hàng loạt cây cao su chết khô và công ty Hóa Sinh phải bồi thường thiệt hại cho nông trường.
Để tránh tiếp tục bồi thường cho cây cao su, công ty Hóa Sinh đã quay ống khói xả thải về phía khu dân cư. Những người có trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương huyện Củ Chi (lúc bấy giờ) lại không hề có ý kiến trước việc công ty Hóa sinh xem sinh mạng con người còn rẻ hơn cây cao su.
Để tránh phải đền bù cho cây cao su, công ty Hóa Sinh đã quay ống khói xả thải về phía khu dân cư, mặc cho người dân "lãnh đủ".
Rồi từ thời điểm đó đến nay, đời sống, sức khỏe của hàng trăm người dân ngấm ngầm bị tàn phá, nhà cửa thủng mái, gỉ sét, cây trồng khô héo, không phát triển... Nhiều lần người dân phản ánh, chính quyền địa phương vào cuộc, lãnh đạo từ huyện Củ Chi đến TP HCM lập đoàn kiểm tra xử lý và thậm chí nhân dân đã có nhiều phản ứng gay gắt, tập trung đông người trước công ty Hóa Sinh yêu cầu ngưng sản xuất... nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.
Người dân chết dần, mòn vì ô nhiễm
"10 năm qua, riêng ở ấp 5 xã Phạm Văn Cội đã có 20 người chết vì viêm phổi, ung thư. Chưa có trường hợp nào phải qua cơ quan pháp y để tìm nguyên nhân có phải lâm bệnh do ảnh hưởng ô nhiễm không khí của công ty Hóa Sinh hay không và người dân nơi đây mỗi ngày vẫn tiếp tục chịu đựng cảnh sống chung với thần chết", ông Lê Văn Sang, trưởng ban nhân dân ấp 5 chia sẻ.
Ông Lê Văn Sang, trưởng ban nhân dân ấp thông tin vụ việc với PV Kiến thức vào chiều 21/3.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở 2 ấp Xóm Bưng (xã Nhuận Đức) và ấp 5 (xã Phạm Văn Cội) hiện có hàng trăm trường hợp người dân bị viêm, lao phổi nặng đến mức ho ra máu, viêm phế quản, viêm da... phải nhập viện điều trị nhưng bệnh tình cứ trở đi trở lại. Những khi công ty này xả khói, mùi hôi nồng nặc và khói theo hướng gió phủ khắp nhà dân khiến nhà nhà phải đóng kín cửa tránh.
"Ai lần đầu đến các địa phương này, nếu để ý sẽ thấy dân cư đa phần là người lớn. Sở dĩ có chuyện này là vì lo sợ nhiễm độc không khí gây bạo bệnh nên mọi nhà có trẻ nhỏ đều gửi về quê hoặc nhà bà con thân thích nơi khác để tránh", bà Nguyễn Thị Chồi, ngụ tổ 34, ấp 5 cho biết.
Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh lao phổi, tài sản trong nhà phải bán dần để chạy lo thuốc thang cho chồng, mới đây, đúng vào thời điểm giáp tết, lần lượt chồng của bà Phạm Thị Thúy Liễu và Võ Thị Liên qua đời dù cả 2 chưa bước qua tuổi 50.
Ông Lê Minh Dũng đang phải chống chọi với căn bệnh viêm phổi nặng từ nhiều năm qua của mình. Ảnh: Phan Trí.
Trong căn nhà lụp xụp, tài sản không có gì đáng giá ở ấp 5, xã Phạm Văn Cội, ông Lê Minh Dũng với thân hình gầy sộp, ho khù khụ nói với vẻ đầy khó khăn: "Tôi đổ bệnh từ hơn 3 năm nay, bệnh viện đa khoa Củ Chi giờ như cái nhà khi lâu lâu tôi phải vào nhập viện vì căn bệnh viêm phổi nặng. Không biết chừng nào theo ông theo bà...".
Nhìn dáng vẻ ông Dũng, khó có ai nghĩ rằng chỉ mới gần chục năm về trước, ông vốn là người nông dân khỏe mạnh, sung sức từng đoạt giải thưởng lao động xuất sắc của nông trường Phạm Văn Cội.
Dân đã nghèo còn gặp họa
Người dân vùng nông thôn mới xã Phạm Văn Cội và Nhuận Đức, huyện Củ Chi - huyện vùng ven TP HCM vốn sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đời sống của hàng trăm người dân nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, phải chạy gạo hàng ngày và nhà cửa cũng chỉ được xây cất tạm bợ bằng mái tôn, tường gạch.
Tuy nhiên, hàng chục năm qua kể từ khi có công ty Hóa Sinh hoạt động, khói bụi từ ống thải sản xuất phân bón đã làm hư hỏng nhà cửa, mái tôn liên tục bị thủng, gỉ sét...
"Hầu như nhà nào trong ấp 5 và ấp Xóm Bưng cũng không ít lần phải thay tôn mục nát, gỉ sét dù họ thay mới chưa được bao lâu. Ở vùng quê kinh tế còn khó khăn xa trung tâm thành phố như đất Củ Chi này, việc người dân nghèo kiếm cái ăn đã khó mà còn bị hư hại nhà cửa như thế chẳng khác nào cái họa", ông Lê Văn Thôn, tổ trưởng ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức cho biết.
Gần trăm mái nhà của người dân 2 xã Phạm Văn Cội và Nhuận Đức (huyện Củ Chi) liên tục bị hư hại, thủng lỗ, gỉ sét... khiến cuộc sống dân nghèo càng thêm khó khăn.
Một người dân dẫn chúng tôi đi khắp các nhà trong xóm. Nhìn những mái tôn gỉ sét, đầy lổ thủng soi ánh nắng xuống nền nhà của người dân trong cái nóng hầm hập thật thảm thương.
"Dù muốn dù không gia đình tôi cũng phải ráng chạy tiền để thay tôn trước mùa mưa năm nay chứ không thì chỗ đâu tá túc", bà Cao Thị Oanh, ngụ tổ 33, ấp 5, xã Phạm Văn Cội than thở.
Anh Thân Thanh xót xa với vườn lan 120.000 gốc trị giá hàng tỉ đồng trở thành cỏ rác.
Nhìn vườn lan, cây khoai mì trên mảnh đất rộng nhiều ha của gia đình anh Thân Thanh, ấp Xóm Bưng cạnh tường rào công ty Hóa Sinh khiến chúng tôi vô cùng xót xa. Từ một người thành đạt trong trồng trọt, bỗng chốc anh Thanh trắng tay, lâm cảnh nợ nần và giờ phải đi làm thuê để nuôi vợ, con.
"Hơn 2 năm trước, tôi kinh doanh trồng lan ở quận 12 với nhiều mối lái và cuộc sống gia đình đang rất ổn định. Sau đó chủ lấy lại đất, tôi được người quen thương tình cho mượn 1 mảnh đất ở ấp Xóm Bưng để vừa ở vừa tiếp tục trồng lan", anh Thanh kể lại.
Clip vườn lan 120 nghìn gốc trị giá hơn 1 tỉ đồng chết khô vì ô nhiễm.


Đổ hết vốn liếng và vay mượn thêm của người thân bạn bè, anh Thanh đầu tư 120.000 gốc lan với số tiền hàng tỉ đồng. Hàng ngày cả 2 vợ chồng thay phiên tưới tiêu, chăm sóc với hi vọng thu hoạch sẽ trang trải nợ nần và dành dụm lo cho cuộc sống.
Vườn lan bị ảnh hưởng khói thải, khiến hàng trăm ngàn gốc lan của anh Thanh chết dần, khiến vợ chồng anh bỗng chốc trắng tay, lâm cảnh nợ nần...
Tuy nhiên, trời phụ lòng người, cứ mỗi sáng thức dậy, anh Thanh và vợ vô cùng lo lắng khi nhìn thấy trên lá cây lan đầy hạt bụi "bạch tạng" mà mãi sau này anh mới biết đó là ảnh hưởng của khí thải từ ống khói công ty Hóa Sinh phát tán. Trong lúc chưa biết phải làm sao thì hàng trăm ngàn gốc lan của anh Thanh héo rũ, khô lá và chết dần khiến anh và vợ suốt thời gian dài tinh thần suy sụp.
Hàng ngàn cây khoai mì cũng cùng chung số phận.
Ráng cứu vãn bằng cách trồng lại cây khoai mì nhưng qua nhiều tháng trời thân cây vẫn èo uột, lá héo khô không sức sống... Và một lần nữa cả gia đình anh Thanh sống trong cảnh túng quẫn, nợ nần.
"Giờ thì tôi và vợ phải đi làm thuê để duy trì cuộc sống và lo cho con ăn học. Thiệt hại của mình không biết làm cách nào để công ty bồi thường mà có tiền trả nợ", anh Thanh buồn rầu nói.
(còn tiếp)
Vũ Sơn

Bình luận(0)