Nếu 2500 di tích cũng “đề nghị” như Đường Lâm thì…

Google News

(Kiến Thức) - UBND Thị xã Sơn Tây xin hơn 500 tỷ đồng cho bảo tồn và giãn dân ở di tích Đường Lâm. Nếu 2500 di tích đã xếp hạng của Hà Nội cũng “đề nghị” như Đường Lâm thì… lấy đâu ra tiền?

Họp để… thừa nhận bế tắc ở Đường Lâm

Sáng 21/5, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị về công tác bảo tồn và quản lý di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm và đại diện các hộ dân trong làng. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND xã  Đường Lâm thì hiện nay Đường Lâm còn lưu giữ  được 37 ngôi nhà cổ có giá trị  đặc biệt (niên đại từ 200 – 400 năm), 74 ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại trên 100 năm và gần 1000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quy hoạch, bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm. Hạn chế lớn nhất chính là chưa kết hợp được hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích với vấn đề đảm bảo dân sinh. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mâu thuẫn, khiến một số người dân làng cổ Đường Lâm bức xúc đòi trả lại danh hiệu di tích.

Ông Phạm Quang Long – Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND xã  Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thừa nhận: “Hiện nay, việc tổ chức giãn dân để phục vụ công tác bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm đang là vấn đề đặc biệt cấp thiết nhằm giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.

Ông Thành đề nghị: “Để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt khu tái định cư để tổ chức giãn các hộ dân trong khu vực di tích. Đồng thời, cần sớm xem xét ban hành cơ chế đặc thù về chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất giãn dân cho các hộ dân và hỗ trợ kinh phí tu bổ, sửa chữa nhà cho người dân Đường Lâm”.

Ông Phạm Hồng Sơn – Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng cho rằng: “Hiện nay chúng tôi đang rơi vào thế “trên đe dưới búa”: Bên dưới thì áp lực từ phía người dân đòi sửa nhà, đòi cải thiện nơi ở, mà đó là nguyện vọng chính đáng; bên trên thì không được vì quy định của Luật Di sản chưa cho phép. Đó là những bất cập lớn cần phải tháo gỡ. Chúng tôi thừa nhận đã sai và nhận lỗi vì đã không tham mưu kịp cho các cấp chính quyền trong thời gian qua dẫn đến vụ việc như vừa rồi, song đó cũng là lỗi do khách quan, do bất cập trong Luật Di sản khi đưa vào thực tế”.

Ông Phạm Quang Long – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội thì thừa nhận: “Giữa công tác bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm và vấn đề đảm bảo dân sinh cho người dân trong thời gian qua chưa thực sự hài hòa, thậm chí phát sinh mâu thuẫn. Nhưng để giải quyết vấn đề này như thế nào thì quả thực là chúng tôi cũng… chưa tìm ra cách nào cả”.

Cần 500 tỷ cho Đường Lâm?

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị  cần làm rõ hơn nữa khái niệm “di tích sống”  và tính đặc thù của di tích làng cổ Đường Lâm để từ đó đề ra phương án giải quyết.

Bí thư Phạm Quang Nghị ghi nhận những cố gắng của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân địa phương trong việc giữ  gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà nhân dân địa phương đã gặp phải trong thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tại buổi tọa đàm.

Bí thư Phạm Quang Nghị đề nghị: “Tôi đề nghị chúng ta cần làm rõ  hơn nữa khái niệm “di tích sống” và chỉ  rõ ra tính đặc thù của di tích làng cổ Đường Lâm để từ đó có sự linh hoạt trong công tác quản lý, bảo tồn di tích, giải quyết hài hòa giữa hai vấn đề bảo tồn và đảm bảo dân sinh. Làm thế nào để cho người dân có thể sống cùng di tích, thấy được giá trị của di tích và được hưởng những lợi ích từ di tích mang lại.

“Ở đây, tôi cũng muốn nói sâu hơn một chút về cơ chế tài chính và cơ chế giãn dân mà UBND xã  Đường Lâm đã báo cáo. Về cơ chế tài chính, hiện nay phía UBND Thị xã Sơn Tây xin hơn 500 tỷ đồng để đầu tư vào công tác bảo tồn và triển khai dự án giãn dân ở di tích Đường Lâm, nhưng chúng ta phải thấy rằng vấn đề tài chính cũng có cái khó. Hiện nay Hà Nội có hơn 5000 di tích, trong đó có 2500 di tích đã được xếp hạng, nếu 2500 di tích đó mà cũng “đề nghị” như Đường Lâm thì… lấy đâu ra tiền. Nên trong đầu tư bảo tồn di tích cũng cần phải có sự chọn lựa”, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Bí thư Phạm Quang Nghị yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay tại làng cổ Đường Lâm. Trước tiên, cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, hoàn thành dự án quy hoạch xây dựng khu tái định cư để tổ chức giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí trong việc giao đất giãn dân, tu sửa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình trong khu vực làng cổ.

Quốc Trung

Bình luận(1)

Minh Hiền

lifecare

Cái quan trọng nhất không phải là tiền mà là cách chia tiền. Dân đang hỏi hàng chục tỷ đồng bán vé đi đâu? chia cho ai. Tại sao không trả lời? Nếu di tích nào cũng để bọn họ quản lý thì làm sao mà chả hỏng.