Muốn chạy chức, chạy quyền thì Tết là cơ hội tốt!

Google News

(Kiến Thức) - Thói quen xấu nhưng khi đã  thành "tập quán công vụ" thì nó gần với tệ nạn. Trung ương chỉ ra chạy chức, chạy quyền nghiêm trọng. Nếu ai muốn chạy thì dịp Tết là cơ hội tốt rồi còn gì!


"Chỉ thị của Ban Bí thư nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho sếp là cần thiết, nhưng, nó vẫn chưa đủ và còn "nuông chiều" cán bộ lãnh đạo", GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính nêu quan điểm.

Nếu hay thì cấm làm gì?

Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có quy định rõ "Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên". Ông có bình luận gì về nội dung này?

Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị lần này cho thấy cấp dưới đi tết lãnh đạo cấp trên đã trở thành tình trạng phổ biến, trong đó có những biểu hiện không tích cực. Cũng chẳng phải bây giờ mới có quy định cấm như thế đâu. Và khi mà người ta đã cấm thì đó hoàn toàn không phải vì mất thời gian công vụ mà đó phải là việc không hay. Nếu hay thì cấm làm gì? Cũng phải hỏi lại xem hà cớ gì để trước Tết cấp dưới đến nhà cấp trên tấp nập như thế? Đương nhiên, không thể là vì tấm lòng chung chung đâu. 

Ông vừa nói cấp dưới đến nhà cấp trên dịp trước Tết "không thể là vì tấm lòng". Nghĩa là nó có những động cơ không tốt trong đó?

Đúng vậy. Bởi tấm lòng và quan hệ cần thiết của người Việt vào dịp Tết đã được tiền nhân đúc kết trong câu "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng ba tết thầy". Thêm nữa, dịp cận Tết, cả lãnh đạo và nhân viên đều bận rộn. Thực tế, không phải ai cũng đến nhà thủ trưởng dịp này đâu. Phải chăng chỉ là những người sắp có cơ hội mới tranh thủ dịp này thôi. 

Ông nói thế nào chứ chẳng lẽ người ta ở xa, chỉ có thể tranh thủ đến thăm nhà sếp trước Tết không được ư?

Lý do này chỉ là ngụy biện! Sắp Tết những người ở xa đến thăm thủ trưởng ít lắm, tôi làm lãnh đạo bao nhiêu năm rồi không hề thấy có tập quán đó.

Ngày ông còn đương chức, có khi nào nhân viên đến nhà ông dịp trước Tết vì họ sắp được thăng tiến không?

(Cười) Tôi có cái không may là suốt đời chỉ làm cấp phó, không trực tiếp nắm quyền ký quyết định bổ nhiệm ai. Thế nên, hoàn toàn không có chuyện đó. Nhưng nếu tôi là "sếp trưởng" thì chắc cũng không ngoại lệ (vì tình trạng chung mà). Cũng có dịp trước Tết, anh em cấp dưới đến nhà tôi, người thì tặng thùng bia, người thì hộp bánh, tôi cho đó là bình thường. Tôi cũng hay mời mọc anh em nên thành chỗ thân tình. 

Sao lại là bình thường? Vì ai dám chắc trong số những người đến tết ông sẽ không có động cơ khác ngoài tình cảm? 

"Chạy" là chạy cái lớn chứ ai chạy cái lặt vặt "thời bao cấp" ấy? Thói quen xấu nhưng khi đã  thành "tập quán công vụ" thì nó gần với tệ nạn đấy. Trung ương cũng chỉ ra chạy chức, chạy quyền nghiêm trọng. Nếu ai muốn chạy thì dịp Tết là cơ hội tốt rồi còn gì! 

 Ảnh minh họa.

Lén lút thì làm sao mà điều chỉnh được?

Nghĩa là, theo ông thì việc nhân viên đến nhà sếp trong mấy ngày nghỉ Tết, tặng sếp ít đồ dùng kiểu "cây nhà lá vườn" là hoàn toàn bình thường?

Tôi hiểu như vậy. Vì nó mang nặng tình cảm hơn giá trị. Nhưng giả sử coi chuyện nhân viên đến nhà lãnh đạo vào dịp Tết là bình thường thì lãnh đạo người ta sẽ bị "tra tấn" đấy. Ví như cơ quan tôi có tới 500 người, tôi là lãnh đạo được nghỉ 3 ngày mà phải tiếp ngần ấy người thì sức đâu cho nổi? 

Nhưng theo chỉ thị này thì "nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên"?

Tôi cho rằng, quy định này không điều chỉnh hành vi tình cảm và lương tâm. Do vậy, không nên hiểu máy móc theo kiểu nhân viên, cấp dưới thì không được đến chúc tết nhà sếp kèm theo hộp quà, gói bánh. Nó chỉ điều chỉnh những hành vi tiêu cực, lợi dụng chạy chọt, hối lộ nhân dịp Tết mà thôi. Hiện tượng đánh lừa bản chất mà.

Nhưng lấy gì để đo xem việc đến chúc tết ấy có thuần túy tình cảm hay không? Vì rất có thể, trong túi quà bánh đó có cái phong bì?

Cái đó có thể có. Vì những người đã cố tình hối lộ lãnh đạo thì dù trước hay sau Tết họ cũng tìm đủ mọi cách để gửi quà. Tuy nhiên, như tôi nói lúc nãy, từ thực tế chủ yếu việc chạy chọt vẫn xảy ra trước Tết nên văn bản của Ban Bí thư cũng phải ra sớm đấy. Chỉ thị này muốn chấm dứt tình trạng gây bức xúc trong xã hội lâu nay - đó là những trường hợp chạy chọt công khai mà lại được coi là bình thường. Còn lén lút thì làm sao mà điều chỉnh được vì đó còn thuộc về vấn đề đạo đức.
 
 GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính:

Sếp phải tết nhân viên mới đúng

Ông cũng đã chỉ ra, việc cấp dưới đi tết cấp trên đã trở nên phổ biến trong xã hội. Bây giờ mà cấm tặng quà tết cho cấp trên thì liệu có khả thi?

Việc một số nhân viên đi tết cấp trên đã trở thành hiện tượng lâu nay rồi nên có cấm thì cũng không phải chuyện dễ. Dở cái là không ít người cứ dựa vào việc làm của thiểu số để hợp thức hóa chuyện tiêu cực thành tập quán, ấy là nhân viên thì phải đi tết lãnh đạo. Làm gì có cái văn hóa ấy?

Ý ông là sao?

Về mặt lý luận, xã hội đã có sự phân công lao động xã hội. Cán bộ có việc của cán bộ, nhân viên làm việc của nhân viên. Nhà nước không bố trí thời gian cho cấp dưới đi tết cấp trên đâu. Văn hóa của ta cũng chỉ đề cập đến tết cha, tết mẹ, tết thầy. Có ai bảo đi tết sếp đâu? Và nữa, theo nguyên tắc quản lý thì nhân viên còn bận rộn sự vụ hơn cả lãnh đạo ấy chứ. Bác Hồ nói Nhà nước ta lấy dân làm gốc. Trong cơ quan thì nhân viên là gốc. Vậy thì sếp phải tết nhân viên mới đúng chứ!

Ông nói "lý thuyết" quá!

Đó là lý thuyết. Nhưng nó lại hoàn toàn hợp quy luật và thực tế. Trước đây, tôi vẫn đi chúc tết anh chị em nhân viên và thấy rất vui.

Cần quy trách nhiệm người lãnh đạo

Như ông nói lúc đầu "chẳng phải bây giờ mới có quy định cấm như thế". Vậy tại sao chúng ta vẫn phải đưa ra quy định đó mỗi dịp Tết cận kề?

Văn bản, quy định cấm đã có. Nhưng nghiêm cấm suông thì khó giải quyết lắm. Vì lấy gì để kiểm tra việc nghiêm cấm được thực hiện? Nghiêm cấm đấy nhưng người ta vẫn làm thì có ai làm sao đâu? 

Ngay cả với chỉ thị này thì hiệu quả cũng sẽ rất thấp, thưa ông?

Tôi không thấy trong chỉ thị ghi rõ những chế tài cụ thể, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng nên hiệu quả chắc chắn sẽ không cao.

Vậy theo ông, để chỉ thị này có hiệu lực thì cần phải làm gì?

Cái quan trọng nhất là phải quy định rõ trách nhiệm như thế nào? Mà trách nhiệm là ở người lãnh đạo mặc dù việc đi tết là của nhân viên. Liệu có ai bị nhắc nhở rằng thấy nhà người đó rất nhiều nhân viên đến dịp trước Tết không? Quy định ở đâu? Ai là người thông tin?

Dù chưa có chế tài cụ thể thì liệu chúng ta có nên kỳ vọng vào một sự thay đổi ở chỉ thị lần này?

Tôi nghĩ là không có cớ gì để chúng ta không kỳ vọng. Bởi chắc chắn chỉ thị sẽ được quán triệt tới tất cả những người lãnh đạo, điều hành các cơ quan Đảng, Nhà nước. Khi lãnh đạo đã có ý thức thực thi và tuyên truyền thì sẽ làm được thôi.  
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Hiện nay, nhiều khi ngẫu nhiên mà những quyết định quy hoạch cán bộ, thi tuyển nhân viên diễn ra đúng dịp giáp Tết. Người ta rất dễ mượn cớ ngày Tết để "hợp thức hóa" mục đích chạy chọt của mình. Đáng tiếc là vấn đề này lại chưa được nhìn nhận thấu đáo. Do đó, nếu muốn hạn chế tiêu cực trong việc lễ tết thì cũng cần lưu tâm đến thời điểm quy hoạch, thi tuyển này".
GS.TS Nguyễn Hữu Khiển

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)