“Không đến mức đòi bãi nhiệm ĐBQH Hoàng Hữu Phước“

Google News

(Kiến Thức) - Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, sai lầm trong cách ứng xử của ĐB Hoàng Hữu Phước đáng phê bình nhưng chưa đến mức đòi hỏi xem xét bãi nhiệm quyền đại biểu quốc hội.

ĐB Quốc hội ứng xử như... "hàng tôm, hàng cá"

Trao đổi với Kiến Thức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, trên nghị trường các đại biểu có ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó là chuyện bình thường và nó thể hiện tính dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội. Thế nhưng vụ việc liên quan đến đại biểu Hoàng Hữu Phước không bình thường vì đã dùng lời lẽ thóa mạ, hạ thấp, mạt sát đồng nghiệp của mình. Đây là cách ứng xử hoàn toàn thiếu văn hóa.

“Tôi không thể tin nổi ông Phước có thể dùng những từ như "đại ngu", "ngậm miệng lại", "hỗn láo xấc xược", "vô tri", "vô trí"… để nói về đồng nghiệp của mình. Những người bình thường dùng những từ như thế đã là không bình thường không thể chấp nhận được rồi, mà đằng này lại là một đại biểu Quốc hội, đại diện cho nhân dân. Cách ứng xử của ông Phước thể hiện sự thiếu văn hoá trầm trọng, nó đã không thể hiện đúng tư cách của một đại biểu Quốc hội được cử tri tín nhiệm tin yêu gửi gắm”, ông Tiến nói.

“Đây không phải nói thẳng nói thật mà là mạt sát nhau. Nhiều người phát biểu trên diễn đàn Quốc hội vấn đề rất lớn, nóng gay gắt nhưng dùng những từ vừa phải, thuyết phục”, ông Tiến nói thêm.

Từ nhận xét trên, ông Tiến cho rằng, các cơ quan chức năng của Quốc hội nên có ý kiến chính thức đối với đại biểu Hoàng Hữu Phước. Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Ban Công tác đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội… nên có chỉ đạo làm rõ vì đây không phải việc của cá nhân với cá nhân nữa mà đã thành các luồng ý kiến khác nhau, thành "điểm nóng" trong mấy ngày nay nên không thể lờ đi coi như không có, không thấy việc đã xảy ra.

 "Đại biểu Quốc hội mà ứng xử như hàng tôm hàng cá, dân còn biết tin ai?"

Cũng theo ông Tiến, trong nội quy kỳ họp, quy chế hoạt động của Quốc hội có quy định đại biểu Quốc hội phải thực sự gương mẫu, đại diện cho nhân dân, không lợi dụng bất kỳ diễn đàn nào để xúc phạm nhân phẩm lẫn nhau. Ngoài ra, ở Điều 71 của Hiến pháp năm 92 và trong điều 22 Hiến pháp mới đang xin ý kiến cũng ghi là nghiêm cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mọi công dân…

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng không ủng hộ cách “góp ý” với đồng nghiệp của đại biểu Hoàng Hữu Phước bởi đây không phải là cách ứng xử có văn hoá. Nguy hại hơn, nó đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của dân vào những người do mình tiến cử.

“Trước tiên, nên nhìn nhận sự việc này dưới góc độ quan hệ cá nhân với cá nhân, hai con người bình thường. Ở mối quan hệ này, việc bất đồng quan điểm về một vấn đề nào đó là chuyện bình thường ở nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, có nhiều cách để thể hiện quan điểm của mình, để góp ý và cách khôn ngoan nhất, có văn hoá nhất trong ứng xử của xã hội là góp ý trực tiếp một lần rồi coi như chấm hết. Nếu quan điểm của mình là đúng nhưng người kia không thừa nhận thì sau này họ cũng sẽ bị dư luận lên án. Tôi không ủng hộ cách một số người đã dùng là đưa ra công luận, nói xấu người công khai…

Còn hai con người là đại biểu thì cách tốt nhất là bày tỏ quan điểm ngay ở nghị trường rằng tôi không đồng tình với ý kiến này, ý kiến kia của ông. Những tranh luận này phải trên tinh thần xây dựng, tôn trọng lẫn nhau. Còn nếu Quốc hội không cho phép thì nên gặp nhau để trao đổi trực tiếp. Đại biểu chọn cách “nói xấu sau lưng” là không nên vì mình là người đại diện cho dân mà lại chửi nhau thì không ra thể thống gì”, ông Cương góp ý.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, việc sử dụng internet để đưa lên những lời chì chiết người khác không có ích lợi gì cho quan hệ hai người cũng như tình cảm của những người dân uỷ quyền cho những đại biểu Quốc hội này. 

“Bây giờ nói xấu nhau, công kích nhau công khai như vậy có ích gì đâu. Hai người mất lòng tin ở nhau thì tổn thất rất lớn. Hơn nữa, cuộc tranh luận này sẽ không có hồi kết vì làm gì có một ông thẩm phán cuối cùng nói công khai ông này đúng, ông kia sai, nhưng dư luận thì tồn tại. Hơn nữa, 77 - 78 triệu cử tri bầu họ lên rồi biết tin ai nữa. Mấy ông đại biểu Quốc hội mà như hàng tôm hàng cá thế này thì nguy to. Lúc các ông làm không nghĩ đến việc là đại diện cho ai? Mọi hành vi của mình là đại diện cho một cộng đồng đã suy tôn mình lên. Khi anh khoác áo đại diện cho dân thì phải có trách nhiệm với dân, chứng tỏ làm như vậy là thiếu trách nhiệm với người bầu mình lên”, tướng Cương nói thêm.

Sai nhưng chưa đến mức phải xem xét bãi nhiệm

Đồng tình với nhiều ý kiến phê bình cách ứng xử của đại biểu Hoàng Hữu Phước với bài “Tứ đại ngu của Dương Trung Quốc” nhưng Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng sai lầm này chưa đến mức đòi hỏi bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phước. 

“Thật ra mà nói mình cũng không thể phủ nhận tất cả những ý kiến của ông Phước được, trong đó cũng có những hạt nhân cần xem xét chứ không phải sai lầm hoàn toàn. Còn về phía ông Dương Trung Quốc, trong những điều ông phát biểu tôi cũng đồng tình rất nhiều nhưng cũng có những cái cần phải trao đổi lại. 

Nếu như ông Phước nghiêm túc xây dựng với tinh thần giúp đỡ, góp ý người khác thì có thể ông Quốc cũng sẽ nghĩ ra, hoặc trước mắt có thể ông ấy không chấp nhận nhưng sau này có thể tự dưng lại nhận ra. 

Trong tình huống hiện nay, chúng ta không theo cái chung là chia đều cho nhau nhưng bây giờ nếu ta đòi hỏi bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phước thì không đến mức ấy”, ông Cương nói. 

Theo Thiếu tướng Cương, cách xử lý sự việc này tốt nhất là Ban thường vụ Quốc hội nên nhắc nhở, rút kinh nghiệm với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để họ thông báo lại với các đại biểu.

“Trong kỳ họp Quốc hội tới đây có thể không công bố trên hội trường nhưng khi thường vụ Quốc hội họp các trưởng đoàn đại biểu thì nên nhắc nhở chuyện này. Đề nghị các trưởng đoàn thông báo lại với các đại biểu trong đoàn ý kiến của thường vụ Quốc hội, từ sau những vấn đề này phải có sự lựa chọn cách ứng xử, cần thiết thì nói ở nghị trường nếu không thì gặp nhau trao đổi riêng, tuyệt đối không được "vạch áo cho người xem lưng". Bởi lẽ người dân thì không đủ thông tin phán xét người nào đúng, người nào sai nên chỉ đọng lại trong cử tri là đại biểu Quốc hội này không ra làm sao, mất uy tín của Quốc hội”, ông Cương góp ý về cách giải quyết sự việc liên quan đến cách hành xử của đại biểu Hoàng Hữu Phước.

Một số đại biểu Quốc hội khác khi trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này cũng cho rằng, đại biểu Phước đã nhìn nhận ra cái sai của mình và có lời xin lỗi tới đại biểu Dương Trung Quốc rồi, không nên “bới” việc này ra nữa.

Khánh Tường

Bình luận(0)