Đăng cai ASIAD: 150 triệu USD chỉ là mồi... thực chất cao vống!

Google News

(Kiến Thức) - Con số 150 triệu USD chỉ là mồi nhử ban đầu, là cách nói bừa của một số quan chức Việt. Đến khi quyết làm, chi phí đội lên, lúc đó đâm lao thì phải theo lao. 

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 vào năm 2019 nếu tổ chức tại Việt Nam sẽ là cơ hội lớn giúp Việt Nam thu hút đầu tư, khách du lịch, tạo niềm tin trong khu vực, thế giới. Tuy nhiên, với bối cảnh tình hình kinh tế Việt Nam đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, dư luận đang đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục đầu tư cho sự kiện này hay không?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng,  con số chi phí đầu tư cho ASIAD 18 là 150 triệu USD (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra) đã bị Bộ Tài chính nói rằng không chính xác. Chi phí thực tế sẽ đội lên gấp nhiều lần. Bản thân Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra con số cụ thể là 150 triệu USD những cũng không biết rằng nguồn vốn này sẽ được huy động từ những kênh nào. Bộ này còn đưa ra phương án có thể huy động đến 72% vốn là sự tham gia của xã hội - của các doanh nghiệp. Tất cả những việc này cho thấy rằng, số tiền chi phí dự định cho ASIAD cho đến bây giờ vẫn chưa được tính toán một cách nghiêm túc và sát thực.
 Con số 150 triệu USD chi phí đầu tư cho việc đăng cai ASIAD 18 được nhiều chuyên gia cho là quá phi thực tế. Ảnh minh họa.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng, chưa cần tính toán kỹ, chỉ cần nhìn qua cũng có thể biết con số 150 triệu USD (tương đương 3.100 tỷ đồng) đầu tư cho ASIAD 18 là không tưởng. Xem qua chi phí của các lần tổ chức ASIAD tại các quốc gia khác trên thế giới có thể thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, Qatar đã chi 2,8 tỷ USD cho ASIAD năm 2006; Trung Quốc bỏ ra gần 20 tỷ USD xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức ASIAD 2010. Tại ASIAD Incheon 2014, Hàn Quốc cũng đã chi gần 2,9 tỷ USD… Vì ASIAD là Đại hội quy mô cấp châu lục với nhiều môn thể thao Olympic bắt buộc nên Việt Nam muốn đăng cai cần phải xây dựng thêm một loạt cơ sở thi đấu mới như sân xe đạp lòng chảo trong nhà, nhà thi đấu đa năng sức chứa 10.000 chỗ, trường đua ngựa, sân bóng chày, hockey trên cỏ, bóng bầu dục, trường bắn súng, tổ hợp sân tennis, làng vận động viên, trung tâm truyền thông… cùng rất nhiều thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu kèm theo. Những hạng mục này hầu hết đều rất đắt tiền, chẳng hạn môn đua xe đạp lòng chảo trong nhà chỉ tính riêng phần sân đã 200 triệu USD, nhà thi đấu đa năng 100 triệu USD, làng VĐV với 12.000 người cũng có giá 100 triệu USD…
“Như vậy, con số 150 triệu USD là điều quá phi thực tế. Đây chỉ là một con số mồi nhử ban đầu, đến khi quyết làm rồi thì chi phí đội lên, phát sinh ra, có khi gấp 5 gấp 10 lần ban đầu thì lúc đó đâm lao rồi phải theo lao chứ dừng làm sao được nữa”, Tiến sĩ Phong nhận định.
Giáo sư Nguyễn Mộng Giao, Hiệu phó Đại học Hùng Vương cũng cho rằng, con số 150 triệu USD là một cách nói dối, trước tiên cứ nói dối, nói bừa đi để đề án được duyệt, sau đó lúc triển khai nếu phát sinh thì kiểu gì chả phải bù vào. Cách nói dối này đã thành bệnh của một số quan chức Việt Nam rồi.
 Để đăng cai ASIAD 18, Việt Nam phải xây sân đua xe đạp lòng chảo trong nhà, tốn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng (200 triệu USD), hơn cả con số tổng chi phí ước tính cho ASIAD 18 là 150 triệu USD mà Bộ VH-TT-DL đưa ra.
Nếu tổ chức ASIAD 18 thì chắc chắn mọi khó khăn sẽ đổ lên đầu người dân, và chỉ có lợi cho một số cá nhân. Sẽ có một nhóm cá nhân được hưởng lợi rất nhiều từ việc đăng cai ASIAD 18. Không biết họ có nhận thức được điều này là vô vị, vô nghĩa hay không? Họ biết, nhưng họ sẽ cố gắng làm bằng được, vì cái lợi ích riêng của họ. Ai cũng biết đất nước còn nhiều khó khăn, nghèo đói, chúng ta đang cần đầu tư tiền của, công sức vào rất nhiều thứ khác, chứ không phải chúng ta cần những cái danh hảo.
Tại Việt Nam, các phúc lợi xã hội hạn chế, nền kinh tế vĩ mô chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn, hàng nghìn công ty, doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ người nghèo đói, thất nghiệp còn nhiều… Vì thế, riêng với số tiến dự toán xây cái vòng chảo để đua xe đạp là 4.000 tỷ đồng chỉ để qua một vài lần sử dụng thì có thể xây được hàng trăm cái bệnh viện, hàng trăm cây cầu treo, hàng trăm cái trường học ở các vùng nông thôn… Chăm lo cho đời sống người dân chất lượng hơn là việc làm thiết thực mà Việt Nam cần nghĩ đến vào lúc này.
Đề án đăng cai ASIAD 18 đã được Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT lập ra, đưa lên Bộ VH-TT&DL để xin Chính phủ về mặt chủ trương cho phép Việt Nam nộp đơn lên Hội đồng Olympic châu Á (OCA) ứng cử quyền tổ chức.
Người chấp bút chủ đạo cho đề án và “có công” đưa ASIAD 18 về Việt Nam là ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á – OCA. Ngay sau khi Việt Nam được OCA trao quyền đăng cai ASIAD vào ngày 8/11/2012, báo chí thể thao bắt đầu tiếp cận được nội dung chi tiết của đề án tổ chức của Bộ VH-TT&DL.
Theo đề án, ASIAD 18 năm 2019 gồm 36 môn thi đấu với khoảng 13.000 VĐV và HLV tham dự. Địa điểm tổ chức chính là thành phố Hà Nội và 14 tỉnh thành khác như TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương…
Kế hoạch ban đầu của Đề án không phải là 150 triệu USD (3.000 tỷ đồng) mà là 5.155 tỷ đồng (255 triệu USD) và ngân sách nhà nước góp 4.979 tỷ đồng (96%) được Bộ VH-TT&DL trình sang cho Văn phòng Chính phủ vào đầu năm 2011 để xin đăng cai ASIAD. Đề án này đã bị Bộ Tài chính có công văn phản hồi và ngày 9/4/2011 cho biết 4.979 tỷ đồng từ ngân sách là “gánh nặng với nhà nước”.
Vì Bộ tài chính tỏ ý không đồng tình với việc tổ chức ASIAD bằng ngân sách nhà nước nên Bộ VH-TT&DL phải viết lại đề án. Đến giữa năm 2012, đề án mới của Bộ VH-T&DL giảm số kinh phí tổ xuống còn 3.000 tỷ đồng và ngân sách đóng góp 28%, còn lại 72% là vốn xã hội hóa.
Tỷ lệ vốn xã hội hóa chỉ có 4% theo đề án ban đầu đã được Bộ VH-TT&DL "thổi" lên thành 72% một cách ngoạn mục với quyết tâm kéo bằng được ASIAD 18 về Việt Nam.

Minh Hiếu

Bình luận(0)