Bô-xít Tây Nguyên: Cần đường sắt làm tiên quyết

Google News

(Kiến Thức) - Hai dự án khai thác bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ đang thua lỗ, không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do không có hệ thống giao thông đồng bộ phục vụ cho quá trình khai thác và vận chuyển.

Việt Nam có trữ lượng bô-xít lớn thứ tư thế giới, với trữ lượng khai thác được dự đoán khoảng 2,1 tỉ tấn. Đây là tài nguyên quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm, mang lại lợi ích kinh tế cao. Dự án khai thác bô-xít tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đak Nông) vì thế được mong chờ sẽ đưa lại những lợi ích thiết thực trong việc phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên.

Xây dựng đường sắt là giải pháp căn bản cho bài toán khai thác bô-xít hiện nay tại Việt Nam

Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, đến nay dự án đã bộc lộ nhiều bất lợi, không hiệu quả về giá trị kinh tế, giá thành sản xuất cao do đội giá nhiều chi phí, trong đó phí vận chuyển đường bộ nguyên liệu vào nhà máy và sản phẩm bô-xít tới các cảng nước sâu là rất lớn (giá bán alumin hiện là 326,5 USD/tấn, trong khi giá thành sản xuất là 362 USD/tấn). Khoảng cách từ nhà máy Tân Rai đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai) vào khoảng 210km khiến việc vận chuyển bằng đường bộ là hết sức khó khăn và tốn kém.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm-Titan (TKV) cho biết: Nếu vận chuyển bằng đường bộ như hiện tại, mỗi năm dự án Tân Rai phải chi khoảng 24,6 triệu USD, Nhân Cơ khoảng 38 triệu USD cho quãng đường trên dưới 200km. Đấy là chưa tính đến phí lưu kho, bốc dỡ và chi phí bao gói. 

Đồng thời, việc sử dụng đường bộ cũng đang là nguyên nhân khiến các tuyến đường trên lộ trình mà xe tải đi qua bị xuống cấp trầm trọng. Hậu quả để lại là ô nhiễm môi trường, khói bụi, ổ trâu ổ gà được tạo ra bởi những chiếc xe tải siêu trường siêu trọng trên 40 tấn, trong khi điều kiện cho phép ở nhiều tuyến đường tối đa là 20 tấn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các phương tiện khác khi di chuyển trên những cung đường mà xe vận chuyển bô-xít đi qua và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở hai bên đường. 

Sự xuống cấp của các tuyến đường khiến Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phải đầu tư thêm nguồn vốn rất lớn cho nâng cấp, cải tạo phục vụ vận chuyển alumin. Ông Trần Văn Chiều - Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết từ đầu năm 2012, Vinacomin có kế hoạch rót khoảng 480 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo hai tuyến đường là tỉnh lộ 725 (dài 18 km, Lâm Đồng) và tỉnh lộ 769 (dài 33 km, Đồng Nai). 

Rõ ràng, cần sớm thay thế phương tiện vận tải nếu không muốn hai dự án bô-xít tại Nhân Cơ và Tân Rai mắc kẹt trong thời gian dài thêm nữa. Với chi phí thấp, chỉ bằng ¼ so với vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt là phương án tối ưu lúc này theo khuyến cáo của các chuyên gia. Sẽ không thể có ngành công nghiệp bô-xít nhôm nếu chúng ta không đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt phục vụ khai khoáng, trong đó cần lưu ý mạng lưới đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước - khu vực có trữ lượng bô-xít lớn của cả nước - với các cảng nước sâu khu vực Đông Nam Bộ.

Xây dựng đường sắt kết nối các nhà máy với cảng biển là giải pháp căn bản để giảm giá thành sản xuất alumin, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành công nghiệp bô-xít nhôm tại Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU


Hoàng Long

Bình luận(0)