Dân ngẩn ngơ “mất đất” vì thủy điện Nậm Chiến

Google News

(Kiến Thức) - Thủy điện Nậm Chiến xây dựng đã mấy năm nay vẫn khiến nhiều bản làng ngơ ngẩn vì "mất đất", mất mồ mả...

Ở nơi đất rẻ như... bèo!

Và đây là chuyện có thật đang diễn ra ở xã Ngọc Chiến (Mường La), không chỉ vậy, nó còn diễn ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.

Thủy điện đang "đè" người dân tới những khổ cực khi đất sản xuất không còn và bị áp giá đến mức 3m2 đất chưa mua được một bát... phở. Chứng cứ và sự thật ở Ngọc Chiến đang phơi bày tất cả khiến người dân bức xúc đến độ, không biết nói với ai, kêu đến cấp ngành nào.

Bản làng và hàng trăm ngôi mộ đã chìm dưới lòng hồ thủy điện. 

Khi chúng tôi có mặt tại xã Ngọc Chiến, nhiều người dân mới có chỗ để giãi bày những bức xúc vì chẳng may bị thủy điện "nhè" trúng bản làng. Ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho hay: "Công ty Cổ phần xây dựng Nậm Chiến đầu tư xây dựng tại xã Ngọc Chiến và lấy đi 3 bản rộng lớn để làm thuỷ điện. 287 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu phải di tán sang nơi khác".

Đó là 3 bản: Khua Vai, Nà Ngồ và Nà Khoa. Họ phải di cư sang các bản khác của xã Ngọc Chiến. Tổng diện tích mà thủy điện Nậm Chiến lấy đi lên tới gần 800ha. Ấy vậy mà những bờ xôi ruộng mật theo mức áp giá thì người dân chỉ được hưởng 8.000đ/1m2 đất. Đấy là còn cao, chứ với đất nương, thì tiền đền bù chỉ có 5.000đ. 

Cái giá ấy đến cả Chủ tịch xã Ngọc Chiến lẫn cán bộ huyện Mường La là ông Phan Xuân Ân, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch cũng công nhận là quá thấp và người dân kêu ca là đúng. Ông Quàng Văn Toàn, Bí thư Chi bộ bản Đin Lanh và nhiều người dân than thở: "Mức giá quá thấp như vậy thì đúng là đất rẻ như... bèo".

Rừng xã Ngọc Chiến đang bị tàn phá vì dân không có đất sản xuất. 

Nỗi đau mất mộ

Đất rẻ đến thế, ấy vậy mà người dân cũng buộc phải đồng ý. Theo ông Toàn và những người dân ở 3 bản phải di dân, cho đến nay dù đã tái định cư mấy năm trời mà người dân chưa nhận được bảng áp giá đền bù, cũng chẳng nhận được bất kỳ một văn bản thông báo thu hồi đất có dấu đỏ nào từ chính quyền và từ phía thuỷ điện.

Ông Lò Văn Hao, Bí thư Chi bộ bản Nậm Hoi giọng bức xúc lẫn những ngậm ngùi: "Tôi trước ở bản Khua Vai, đang mùa mưa năm 2009 nên rất khó chuyển nhà đến nơi ở mới. Ấy thế mà họ ép tôi phải chuyển khi trời đang mưa to, vợ chồng con cái lúc ấy chỉ biết ôm nhau khóc".

Nhưng có một điều phải nói, rằng những bức xúc ấy chưa nhằm nhò gì so với việc Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Chiến xả nước nhấn chìm 440 ngôi mộ xuống đáy lòng hồ. Dân thấy mồ mả cha ông bị xúc phạm nghiêm trọng nhưng cũng chẳng làm được gì ngoài việc kéo nhau lên xã. Mãi khi chính quyền địa phương yêu cầu thủy điện rút nước thì mới "cứu" được mộ. 
Nhưng đau đớn thay, hàng trăm ngôi mộ đã bị "chết đuối" mất tích trong đống bùn lầy. Trong đó, có 2 ngôi mộ liệt sĩ, một là liệt sĩ Lò Văn Vinh - anh trai ông Lò Văn Hao. Ngôi mộ thứ 2 là liệt sĩ Lò Văn Pe. Hàng trăm ngôi mộ còn lại cũng vĩnh viễn chịu số phận ngập nước dưới đáy hồ.

Ông Lò Văn Hao: "Mảnh vườn bé tí thì biết trồng cây gì?". 

Ấy thế mà ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến chẳng mảy may nghĩ ngợi, trả lời: "Công ty đã thông báo ngày xả nước, dân cũng đã nhận tiền hỗ trợ 800.000đ/mộ. Lỗi của dân là thờ ơ".

Nhưng sự thật đâu phải thế, ông Quàng Văn Doãn, Trưởng bản Nậm Hoi bảo: "Đúng là dân đã nhận tiền nhưng công ty chưa bố trí nghĩa địa mới thì chúng tôi biết chuyển mộ ra chỗ nào. Họ xả nước đúng lịch nhưng không làm đúng luật, không tôn trọng dân và những người đã khuất".

Tù mù sống bên thủy điện

Ngày 12/3, phóng viên đã đến trụ sở Công ty Cổ phần Thủy điện Nậm Chiến tại thị trấn Mường La để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến dự án thủy điện Nậm Chiến cũng như cách thức đền bù tái định cư cho người dân mất đất. Sau gần nửa tiếng chờ đợi tại phòng Hành chính, một nhân viên của công ty xuống nói: "Lãnh đạo không có ai ở nhà, hẹn các anh khi khác".
Sự tù mù ở đây không phải sống mà không có điện. Cuộc sống người dân Ngọc Chiến trở nên tù mù vì một lý do rất giản đơn: Họ là nông dân, nông dân thì phải có đất sản xuất. Bây giờ mất đất, bờ xôi ruộng mật không còn, nghề nghiệp không có. Hỏi sao không tù mù cho được.

Toàn bộ thóc gạo cùng ngô khoai sắn cho người và vật nuôi bây giờ, những người mất đất phải đi mua bên ngoài. Đến nước sinh hoạt cũng không có mà dùng, nhiều người phải đi xin xỏ khắp nơi mới có được. Đất tái định cư thì chỉ đủ dựng lên cái nhà, muốn có một khoảnh để làm chuồng trại cũng khó, vì người nhận được nhiều nhất cũng chỉ có 400m2 đất.

Chưa hết, 20ha rừng do Hội người cao tuổi bản Khua Vai trông coi được định giá 2,4 tỷ đồng mới phát sinh nhiều điều phải bàn. Người dân không nhận được một đồng một cắc nào, số tiền ấy sau nhiều lần vòng vo đã "có mặt" trong tài khoản của UBND xã Ngọc Chiến và dùng để xây trụ sở xã. Chính ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến phải bất ngờ: "Tôi nghĩ 2,4 tỷ phải chia cho dân nhưng công ty trả lời đất rừng của Nhà nước thì trả Nhà nước".

Ông Quàng Văn Doãn bị mất toàn bộ đất, phải mở quán tạp hoá để sống qua ngày. 

2,7ha chè của HTX Khua Vai được định giá đền bù là 5.000đ/m2 thì tính ra phải được 135 triệu đồng, nhưng thủy điện Nậm Chiến chỉ trả 41 triệu đồng với nhiều lý do khó hiểu. Tính đến giờ phút này đã mấy năm ròng trôi qua, người dân tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Và tôi thấy, người dân đang ngơ ngẩn chỉ vì thủy điện đã "dìm" bản làng xuống nước để "phát" ra nỗi buồn cùng những bức xúc khó gọi thành tên. Than ôi! Thảm họa thủy điện!

"Giờ thì tất cả đều thất nghiệp. Dân phải vào rừng chặt gỗ bán lấy tiền. Tôi cũng là thành viên bảo vệ rừng nhưng dân chặt nhiều quá, bắt không xuể. Kiểu làm thuỷ điện với cách đền bù như này thì khác nào đang ép người dân đi vào con đường phạm pháp".
Ông Quàng Văn Toàn (Bí thư Chi bộ bản Đin Lanh)
Trần Hoà

Bình luận(0)