Hải Dương tháo dỡ 17km dải phân cách chỉ mất… 1,4 tỷ

Google News

(Kiến Thức) - “Tổng dự án tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ QL5 là 49,3 tỷ đồng…”, PGĐ BQL các dự án giao thông Hải Dương, Bùi Xuân Hải cho biết.

Tháo dỡ dải phân cách QL5: Hải Dương làm chậm nhất

Xung quanh những thông tin đăng tải về số tiền 48 tỷ đồng để tháo dỡ dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ trên tuyến QL5 (từ Km43+900 đến Km60+100) của Sở GTVT tỉnh Hải Dương, nhiều ý kiến cho rằng, số tiền đầu tư cho việc tháo dỡ gần 17km dải phân cách như thế này là lãng phí, là dự án đốt tiền tỷ. Có người còn so sánh số tiền này với trị giá bằng 1000 căn nhà tình nghĩa dành cho người nghèo.

Để làm rõ những thông tin liên quan, PV Kiến Thức đã có cuộc làm việc với Ban quản lý các dự án giao thông Hải Dương (Sở GTVT Hải Dương) là đơn vị chủ đầu tư dự án trên.

Dự án tháo dỡ dải phân cách ở Hải Dương thực hiện chậm hơn các tỉnh khác.

Ông Bùi Xuân Hải, Phó giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông Hải Dương cho biết: QL5 chạy qua địa phận 3 tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng do Trung Ương quản lý. Thiết kế ban đầu có dải phân cách giữa làn đường xe cơ giới với làn đường xe thô sơ. Do lưu lượng xe cơ giới quá tải, làn đường hẹp, đặt dải phân cách đã không còn phù hợp. Việc tồn tại phân làn bằng tôn lượn sóng với độ lan di động giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

"Từ thực trạng trên, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 1093/UBND-VP đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét tổ chức lại giao thông trên tuyến QL5. Tại văn bản số 7464/Bộ GTVT – KCHT về việc tháo dỡ dải phân cách trên QL5, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, sau khi xem xét báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại văn bản số 4015/TCĐBVN – KCHT&ATGT ngày 24/10/2011 về việc xin tháo dỡ dải phân cách bằng tôn lượn sóng trên QL5, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thực hiện tháo dỡ dải phân cách bằng tôn lượn sóng giữa làn xe cơ giới và làn xe thô sơ trên QL5, thay thế bằng vạch sơn vàng, đồng thời vuốt nối phần chênh cao giữa hai làn đường. Trong văn bản số 1337/TTg – KTN, Thủ Tướng Chính Phủ đồng ý về chủ trương trên", ông Bùi Xuân Hải nói.

 Ông Bùi Xuân Hải trao đổi với PV Kiến Thức.

Về nguồn kinh phí để thực hiện dự án trên, ông Bùi Xuân Hải cho biết: “Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ cho sở GTVT Hải Dương là chủ đầu tư, thực hiện bằng vốn Trung Ương được lấy từ quỹ bảo trì đường bộ 2013, nguồn thu phí QL5, nguồn vốn sửa chữa đường bộ 2013. Với tổng mức đầu tư là 49,3 tỷ đồng để chi phí cho dự án từ km43+900 đến km60+100 QL5. Sau đó, Tổng cục Đường bộ triển khai đấu thầu, thiết kế chi tiết là hơn 45 tỷ đồng do đơn vị trúng thầu Liên danh Hồng Lạc - Ngọc Minh UDIC-240 thực hiện. Dự án được thực hiện trong 4 tháng từ tháng 3 đến hết tháng 6 năm 2013”.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, việc triển khai dự án này của tỉnh Hải Dương là chậm. “Trong 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng và Hải Dương thì Hải Dương tháo dỡ dải phân cách theo chủ trương này là chậm nhất. Các tỉnh Hưng Yên và Hải Phòng đã gần như hoàn thành hết”.

Chi phí cho tháo dỡ dải phân cách, cọc tiêu chỉ 1,4 tỷ đồng

Ông Bùi Xuân Hải cho biết thêm, trong tổng dự toán dự án tháo dỡ dải phân cách giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ QL5 (Km 43+900 đến Km60+100) là 49,342 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí cho việc tháo dỡ dải phân cách, cọc tiêu chỉ là 1,4 tỷ đồng (chứ không phải 48 tỷ đồng như thông tin một số báo nêu). Ngoài ra, chi phí thảm bê tông nhựa là 41 tỷ đồng, chi phí lắp đặt bổ sung tôn lượn sóng, biển báo và sơn là 2,7 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác là 2,9 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 1,1 tỷ đồng.

 44 tỷ đồng để nâng cao và mở rộng làn đường xe thô sơ.

Lý giải về việc chi phí cho thảm bê tông nhựa lên đến 48 tỷ đồng cho 16,3 km đường trong dự án, ông Bùi Xuân Hải cho biết: Hiện nay, khi tháo dỡ dải phân cách, giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ đang chênh lệch từ 5 đến 10cm nên khi tháo dỡ dải phân cách phải vuốt và nâng cao làn đường xe thô sơ, đồng thời mở rộng mặt đường dành cho xe thô sơ tính từ vạch sơn vào mép đường là 3m, có chỗ lên đến 5m. Nếu tính hai làn đường xe thô sơ ở hai bên Quốc lộ đã lên tới 6m. Để nâng mặt đường làn xe thô sơ lên bằng làn xe cơ giới, với quãng đường 16,3 km thì đòi hỏi chi phí không nhỏ.

Mở rộng làn đường xe thô sơ mỗi bên thêm 3m cho 16,3km thì chi phí mới tới hàng chục tỷ.

“Thực chất, chi phí cho việc tháo dỡ dải phân cách và nhổ cọc tiêu cho 16,3km chỉ là 1,4 tỷ đồng như trong bản trình dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Không có chuyện chi phí chỉ để tháo dải phân cách và nhổ cọc tiêu lên đến 48 tỷ đồng như thông tin mà báo chí đăng tải”, ông Bùi Xuân Hải khẳng định.

Hải Ninh

Bình luận(0)