Phát hiện nhiều súng đạn, thuốc nổ tại nhà Phương “khói lửa“

Google News

(Kientuc.net.vn) - Chiều 26/2, CQĐT đã có kết luận sơ bộ về nguyên nhân vụ nổ tại hẻm 384, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM và thu giữ một số lượng lớn súng đạn, thuốc nổ tại nhà và nơi làm việc của ông Lê Minh Phương.

Phát hiện nhiều súng đạn, thuốc nổ

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, kết thúc ngày khám nghiệm đầu tiên, cơ quan chức năng đã tìm thấy 3 nòng súng R15, Carbine, 20 hộp đạn mã tử (mỗi hộp 20 viên), 50 viên đạn mã tử R15, 9 viên đạn mã tử AK, 30 viên đạn Carbine, 62 viên đạn K54, 8 viên đạn súng Grand, 412 vỏ đạn K54 và AK đã lấy hết thuốc súng, 14 hộp tiếp đạn AK, R12, K54, trung liên và Carbine. Ngoài ra, ở khu vực nhà bếp, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm 6 hộp đạn Rulô, mỗi hộp 50 viên, 1 thùng đạn đại liên trong đó có chứa kíp nổ, dây cháy chậm và 16 súng nhựa, lựu đạn nhựa.

 Cơ quan Công an phát hiện nhiều nhiều súng đạn, thuốc nổ tại hiện trường vụ nổ

Được biết, số lượng thuốc nổ, súng đạn này được cất giấu dưới chân cầu thang gần khu vực nhà bếp, nơi xảy ra vụ nổ.

Một cán bộ của cơ quan điều tra cho biết, hiện 3 thùng đạn mã tử và hàng chục gói giấy hình tròn có chứa chất nổ gắn dây điện thò ra ngoài như kíp nổ thu tại hiện trường cùng 16 thùng chứa chất nổ, dây cháy chậm, nụ xòe… thu tại Công ty Lạc Việt (đường Hoàng Sa, gần nơi xảy ra vụ nổ) đang được giám định.

Công tác quản lý vật liệu cháy nổ chưa chặt chẽ?

Trao đổi với báo chí chiều 26/2, Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM (PC64) cho biết: Theo quy định của Nhà nước như Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”; Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23-4-2009 của Chính phủ... thì chỉ có các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, công ty có 100% vốn Nhà nước mới được sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN).

 Hiện trường tan hoang sau vụ nổ rạng sáng ngày 24/2

Cụ thể, để sản xuất và kinh doanh VLNCN, đơn vị phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng. Vì vậy, trong hai lĩnh vực này, chỉ có các đơn vị của quốc phòng mới được phép hoạt động. Về vấn đề vận chuyển VLNCN dùng trong dân sự từ nơi này qua nơi khác, từ địa phương này sang địa phương khác, theo đại tá Nguyễn Văn Dung, cũng phải có giấy phép do cảnh sát PCCC cấp, quá trình vận chuyển VLNCN dùng trong dân sự cũng phải chấp hành theo các quy chuẩn an toàn của Việt Nam như được và không được dừng, đỗ xe ở điểm nào trên quãng đường vận chuyển.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật đã nêu, Công ty Lạc Việt của gia đình ông Lê Minh Phương là công ty tư nhân nên không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và sử dụng VLNCN, nếu không được phép có nghĩa vi phạm pháp luật theo Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ loại vật liệu gì gây nổ (vật liệu nổ quân dụng hay hóa chất vì ông Phương biết quy trình tạo hiệu ứng nổ bằng hóa chất - PV), nguyên nhân nào dẫn đến phát nổ... Còn về trách nhiệm liên đới, theo đại tá Dung, tất nhiên địa phương nào để xảy ra tình trạng tàng trữ và xảy ra tai nạn liên quan đến VLNCN thì nơi đó chịu trách nhiệm.

Không được tùy tiện cất giữ chất nổ

Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công Thương TP.HCM) cho biết: Theo Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ nói chung (bao gồm cả vật liệu nổ công nghiệp) chỉ có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được cấp phép. Các doanh nghiệp cần sử dụng vật liệu nổ có thể được cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (thuốc nổ và các phụ kiện nổ sử dụng cho mục đích dân dụng). Tại TP.HCM, từ năm 2002 đến nay Sở Công Thương chỉ cấp một giấy phép sử dụng vật liệu nổ cho dự án mỏ đá Long Bình (quận 9). Đến năm 2006, mỏ đá này ngừng hoạt động, Sở chưa cấp giấy phép thêm cho trường hợp nào.

Doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc dầu khí, quyết định trúng thầu thi công công trình, phương án nổ mìn…

Lực lượng Công binh - Bộ tư lệnh TPHCM cũng đã tham gia giải quyết vụ tai nạn cháy nổ kinh hoàng xảy ra trên địa bàn. 

Nghị định 39/2009 về vật liệu nổ công nghiệp nghiêm cấm “nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện”. Chỉ các tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được đầu tư xây dựng kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. 

Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng công trình, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định pháp luật liên quan. Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo quản tại các kho chứa, địa điểm thỏa mãn các yêu cầu về an ninh, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình…; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về cấu trúc, vật liệu xây dựng và thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn cho người lao động và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định liên quan…

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Vũ Sơn - Thiên Dũng

Bình luận(0)