Sau Hà Nội, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo sẽ thường xuyên?

Google News

(Kiến Thức) - Dù đã được đề ra từ năm 2002 nhưng mãi đến cuối năm 2012 vấn đề "lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo" mới được Quốc hội khóa XIII thông qua. Hà Nội chính là địa phương tiên phong.

Ngày 7/1/2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Lệnh số 02/2002 - CTN ban hành Luật Tổ chức Quốc hội sau khi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/12/2001. 

Tại Điều 12, Chương II của Luật Tổ chức Quốc hội đã cụ thể hóa: "... Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, ủy ban của Quốc hội".

Thế nhưng từ thời điểm đó đến trước tháng 11/2012, sau rất nhiều lần bàn thảo, Điều 12 của Luật Tổ chức Quốc hội vẫn chưa thực hiện được.

 Nhiều lần việc lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo đã được đưa ra bàn thảo nhưng đến nay mới thực sự đi vào cuộc sống. Ảnh minh họa

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2010, sau khi xảy ra sự cố Vinashin, một số đại biểu đã nêu lại vấn đề, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Tại buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/11/2010, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực trạng vừa qua của Vinashin phải dùng đúng từ là... sụp đổ, nó trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ trên dưới 100.000 tỷ đồng, bằng một tỉnh thu nhập 1.000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật, không ăn uống, mua sắm gì một thế kỷ mới trả nợ được. Từ đó, ông Thuyết đề nghị  đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ liên quan vụ Vinashin, trên cơ sở đó, cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên liên quan. 

Tại cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 23/3/2012, việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lại được đặt ra. Nó là một nội dung nằm trong Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Theo đề xuất, hằng năm Quốc hội sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. 
 
Chỉ đến sáng 21/11/2012, với trên 95% phiếu thuận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Nghị quyết được Quốc hội thông qua nêu rõ: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân.

Về mức độ tín nhiệm, Nghị quyết quy định 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Mặc dù còn vài ý kiến lo ngại cho rằng lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức hoặc có thể xuất hiện hiện tượng chạy tín nhiệm nhưng đa số đều cho rằng đây là một đổi mới trong việc đánh giá lãnh đạo nhà nước, hội đồng nhân dân các cấp.

Mới đây, chiều 8/1/2013, Hà Nội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 20 lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và là thành phố đầu tiên đưa điểm mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) vào cuộc sống.

Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy Hà Nội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là khách quan, đúng mức, là sự đánh giá dân chủ, công bằng; có động viên, khích lệ và cũng có cả những lá phiếu lưu ý, nhắc nhở đối với mỗi người. Đó là dấu hiệu rất tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố.

Thuần Lương (T.H)

Bình luận(0)