SV cứu người... mất mạng: “Nóng” tranh luận người Việt vô cảm

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi vụ việc sinh viên cứu người... mất mạng, nhiều ý kiến lo ngại rằng, một số người sẽ trở nên vô cảm trước người gặp nạn vì lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng của mình. 

"Hiệp sĩ giao thông" Lê Đức Đoàn nhìn nhận như vậy khi trao đổi với Kiến Thức xung quanh việc một sinh viên bị sát hại dã man khi ra tay cứu người gặp nạn.

 "Lục Vân Tiên" cần có kinh nghiệm khi "xả thân" cứu người. Ảnh minh họa

Con người có tâm thì không thể vô tâm trước người bị nạn

Sự việc xảy ra sáng 25/12, Phạm Đức Linh (27 tuổi, quê tỉnh Long An), sinh viên năm cuối trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM bị sát hại dã man khi ra tay cứu giúp đôi nam nữ gặp tai nạn giao thông. Kẻ gây ra cái chết oan uổng cho nam sinh viên này lại chính là những đối tượng đã gây ra vụ tai nạn giao thông.

Sau khi vụ việc xảy ra, có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nhiều người sẽ trở nên vô cảm trước người gặp nạn vì lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng của mình. 

Ngay PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cũng nhận định: “Không thể phủ nhận rằng giữa cái thật và giả, giữa cái an toàn và hiểm nguy... nên nhiều người đã chọn phương án không quan tâm. Đó cũng chính là thái độ cân nhắc tiêu cực của không ít người khi niềm tin về cái thiện, sự nhân ái của con người có phần bị ảnh hưởng. Cũng chưa thể kết luận đó là sự vô cảm nhưng rõ ràng, con người đã nảy sinh nhu cầu tự vệ một cách chính đáng, dù rằng đôi lúc không hoàn toàn hợp lý. Chính nhu cầu tự vệ thôi thúc người ta cứ lờ đi, đừng quan tâm... Nhu cầu ấy xuất phát tự thân bằng nhận thức dần chuyển sang thái độ và khi hành vi, biểu hiện hành vi xuất hiện thì hành động vô cảm dường như đã xác lập".

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, trong xã hội không thể thiếu những "Lục Vân Tiên" sẵn sàng ra tay cứu người gặp nạn. Bên cạnh những người vô cảm, còn rất nhiều người sẵn sàng "lá lành đùm lá rách", "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ".

"Hiệp sĩ giao thông" Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT - CA TP Hà Nội), người từng nhiều lần mạo hiểm để cứu người vượt qua tử nạn, cho rằng: "Nếu con người ta vì bản thân mình mà làm ngơ trước cảnh đời khốn khó, đang gặp nạn trong lúc nguy nan thì khi chúng ta gặp nạn, ắt sẽ không có ai cứu mình. Đã là người Việt Nam thì chúng ta không thể vô cảm trước những con người đang trong tình cảnh khó khăn. Bởi trong tâm hồn con người Việt, khi thấy người hoạn nạn sẽ sẵn sàng ra tay cứu giúp. Khi đi đường gặp người bị ngã xe, rất nhiều người sẽ dừng lại giúp nạn nhân dựng xe hoặc đưa đi cấp cứu nếu bị thương nặng. Xã hội hoàn toàn không hề vô cảm, số người vì an toàn đến tính mạng của bản thân mà bỏ qua sự cầu cứu của người gặp nạn là rất ít".

 "Hiệp sĩ giao thông" Lê Đức Đoàn

"Hiệp sĩ giao thông" Trần Văn Hải (Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng nhận định: "Con người không bao giờ có thể vô cảm trước người hoạn nạn. Nhiều "Lục Vân Tiên" luôn xuất hiện khi có người gặp nạn và sẵn sàng cứu giúp. Trước đây, xảy ra không ít vụ việc, nhiều người xả thân cứu người bị sát hại, tuy nhiên sau đó, vẫn rất nhiều "Lục Vân Tiên" thực hiện nghĩa cử cao đẹp này. Ví dụ, ngày 2/10/2011, nghe tiếng truy hô bắt cướp, anh Phạm Văn Chính (sinh năm 1985, quê ở đội 4, xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) đang ngồi tại quán thịt chó nhà mình tại phố Quyết Tiến, phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã dũng cảm đuổi theo truy bắt 2 tên cướp. Bất ngờ, anh bị tên ngồi sau rút súng bắn thẳng vào đầu khiến anh gục ngã. Nếu con người vì lo sợ bản thân mà không cứu giúp người khác thì đã không còn trường hợp "Lục Vân Tiên" Phạm Đức Linh (quê Long An) bị một số đối tượng sát hại vào sáng 25/12 sau khi cứu đôi nam nữ gặp nạn".

 "Hiệp sĩ giao thông" Trần Văn Hải

"Sự vô cảm trước cái ác, sự thờ ơ trước người bị nạn chỉ nằm trong một số người. Dù biết, giúp người sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng bản thân, nếu là con người có lương tâm thì họ vẫn sẵn sàng cứu giúp. Bởi khi ra tay cứu một ai đó, lúc đó con người chỉ nghĩ đến cái tâm phải cứu được người đó, còn sự nguy nan đến bản thân sau đó thường thì ít ai để ý. Bởi không ai tính toán thiệt hơn khi giúp đỡ người khác", "Hiệp sĩ giao thông" Trần Văn Hải cho biết.

"Vừa rồi, không ít "Lục Vân Tiên" trong TP.HCM xin "rửa tay gác kiếm", phần vì họ lo sợ cho bản thân. Nhưng rồi, họ lại tiếp tục cứu người. Bởi con người có tâm thì không thể vô tâm, càng không thể vô cảm trước sự khó khăn cần giúp đỡ của người khác", "Hiệp sĩ" Hải đưa ra nhận định.

"Lục Vân Tiên" cũng cần có kinh nghiệm

"Hiệp sĩ giao thông" Lê Đức Đoàn nhận định, những vụ việc khi cứu người rồi bị sát hại như "Lục Vân Tiên" Phạm Đức Linh vừa qua, hay như trường hợp anh Phạm Đức Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) bị sát hại khi đuổi theo hai tên cướp năm 2011 và nhiều người hợp khác, là do khi "ra tay" cứu người họ thiếu kinh nghiệm. Vì khi đó, họ chỉ nghĩ đến việc cứu người mà quên đi bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, để lại những hậu quả đau lòng.

"Muốn cứu được người khác, thì mình phải có kinh nghiệm bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân. Bảo vệ an toàn bản thân mình không có nghĩa là làm ngơ trước hoàn cảnh khó khăn, trước cái xấu, cái ác của xã hội. "Lục Vân Tiên" khi cứu người cũng cần có kinh nghiệm trong quan sát trước sau và ứng xử hợp lý trước cái ác. Ví như khi truy đuổi cướp phải nghĩ đến bọn cướp có vũ khí hay không, hoặc cầu cứu thêm nhiều người khác cùng giúp đỡ. Nếu Phạm Đức Linh sau khi giúp đôi nam nữ, mà tri hô thêm người khác thì chắc chắn anh đã không bị sát hại như thế".

"Tôi từng cứu nhiều người khi họ gặp nạn, nhưng tôi có kinh nghiệm của bản thân để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình khi cứu người. Ví như vụ 2/11/2012, khi làm việc tại đường Cao Bá Quát, quận Ba Đình (Hà Nội), bất ngờ nghe tiếng hô "cướp! cướp!". Nhìn lại thấy một người phụ nữ đang phóng xe đuổi theo hai tên cướp đi xe máy Nouvo LX. Với bản năng của con người, tôi liền lấy xe tăng ga đuổi theo hai tên cướp. Thấy có người truy đuổi quyết liệt, hai tên cướp lạng lách, đánh võng qua nhiều tuyến phố. Khi đến phố Trần Phú, tôi ép được xe hai tên cướp vào lề đường thì chúng vứt xe bỏ chạy thục mạng vào vườn hoa Lê Nin về phía đường Điện Biên. Tôi cũng bỏ luôn xe máy của mình lại bên lề đường, chạy đuổi theo không để mất dấu hai tên cướp. Vừa đuổi theo, tôi vừa quan sát xem hai tên cướp có mang theo vũ khí hay không. Lựa chọn đúng thời điểm, tôi tới quật ngã tên cướp được tên cướp có dáng người cao lớn, mặc áo trắng xuống đường, bẻ quặt tay khống chế tại chỗ. Quan trọng nhất khi cứu người, vẫn là bảo đảm an toàn tính mạng của bản thân", " Hiệp sĩ" Lê Đức Đoàn cho biết.

"Khó khăn và hiểm nguy khi cứu người khác là khó có thể tránh khỏi. Nhưng khi mình có kinh nghiệm bảo vệ mình khi cứu người, thì mình mới giúp được người khác, "Hiệp sĩ" Lê Đức Đoàn đưa ra lời khuyên.

“Hiệp sĩ” Trần Văn Hải cũng cho rằng, đấu tranh với tội phạm luôn là cuộc đấu tranh nhiều nguy hiểm nhất, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, mình còn sức thì sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ sự bình yên cho người dân. Nhưng muốn bảo vệ sự bình yên ấy, thì phải có kinh nghiệm để bảo vệ chính bản thân mình. Kinh nghiệm đó không phải ở sự vô cảm, thờ ơ trước khó khăn của người khác.

"Một vụ việc mà có lẽ tôi nhớ suốt đời, vào những năm 1995, một số đối tượng đến phố Huế, mang theo súng K54 với mục đích đòi nợ. Sau khi được người dân báo tin, tôi lập tức đến tiếp cận. Nhìn đối tượng lên đạn súng và dắt sau lưng, định báo công an phường, nhưng thấy chúng đứng dậy trả tiền nước, nên bất chấp nguy hiểm, với kinh nghiệm bản thân, khi quan sát thấy đối tượng lơ là, tôi nhảy vào bẻ tay đối tượng, khi đó trong súng đối tượng có 6 viên đạn, 1 viên đã nên nòng. Khi đó, nếu không quan sát, chỉ một chút sơ hở, có lẽ tôi đã không còn sống để ngồi tiếp chuyện như ngày hôm nay. Cứu người khác là việc nên làm của bất kỳ ai, nhiều người sẵn sàng làm "Lục Vân Tiên" cứu người. Nhưng họ vẫn thiếu kinh nghiệm nên mới xảy ra cơ sự "chưa cứu được người đã mang họa vào thân".

 
Sáng 25/12, nhân dịp lễ Noel, anh Phạm Đức Linh (27 tuổi, quê Long An), cùng 2 người bạn ngồi trước khu nhà trọ ở gần số 1232 đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức uống nước tán gẫu. 

Lúc này xe của Tiến cùng nhóm bạn chạy ngang qua gây va chạm với xe máy của đôi nam nữ (chưa rõ lai lịch) nên 2 bên xảy ra cự cãi. Sau đó nhóm của Tiến lên xe bỏ đi về hướng chợ Thủ Đức. 

Thấy 2 người bị xây xát và hỏng xe nên anh Linh và nhóm bạn đã ra dựng xe và dìu 2 người bị nạn vào lề đường. Sẵn tính côn đồ nên khi đến ngã 3 giao với đường Hoàng Diệu, Tiến, Thảo và 2 đối tượng còn lại đã quay đầu xe trở lại hành hung đôi nam nữ.

Tại đây, chúng thấy anh Linh đang đứng cạnh chiếc xe máy của 2 nạn nhân nên lao vào tấn công. Tên Tiến đã cầm đá xanh đánh liên tiếp vào đầu khiến anh Linh gục xuống đường. Thảo cũng lấy gạch đập vào đầu và 2 tên còn lại dùng bóng đèn tuýp nhặt ven đường đánh vào cơ thể anh Linh.

Lúc này, tổ tuần tra Cảnh sát cơ động, Công an quận Thủ Đức phát hiện đã bắt giữ tên Tiến, các đối tượng còn lại chạy thoát và sau đó cũng lần lượt sa lưới pháp luật.


Hải Ninh

Bình luận(0)