Hỗ trợ tiền mặt gia đình sinh con gái: mất công bằng?

Google News

(Kiến Thức) - Hỗ trợ kinh tế để khuyến khích sinh con gái trong đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính của Tổng cục DS - KHHGĐ đang khiến dư luận lo lắng về tính hiệu quả.


Giải pháp tức thời

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại VN đang ở ngưỡng báo động, 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. “Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là nhãn tiền. Các nhà nghiên cứu dự báo VN sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân; gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…”, ông Lê Cảnh Nhạc, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhận định.

Những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt...
(Ảnh minh họa)


Trước tình trạng đó, Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã hoàn tất đề án đề xuất can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 cho gia đình sinh con một bề gái và thực hiện tốt chính sách dân số (có 1-2 con). Theo đó, những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái của gia đình sinh con một bề khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn.

Ông Dương Quốc Trọng

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục dân số- kế hoạch hóa gia đình cho rằng: "Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới, không chỉ dừng ở vấn đề bình đẳng giới mà phải có chế độ chính sách ưu tiên với nữ. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích sinh con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào người Việt. Những gia đình sinh hai con gái được xem như là “tuyệt tự”. Con trai là trụ cột kinh tế gia đình, về già cha mẹ có thể được cậy nhờ… Vì thế, giải pháp về kinh tế là rất quan trọng. Khi có chính sách này, người dân sẽ thấy được Nhà nước rất khuyến khích gia đình sinh con gái, Nhà nước cũng có sự hỗ trợ về kinh tế, như hỗ trợ tiền học, bảo hiểm y tế… sẽ động viên, khuyến khích người dân không quyết tìm mọi cách để có con trai”. Hiện nay Đề án đã được trình lên Chính phủ và Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành thẩm định đề án.

Gây ra mất công bằng khác?

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nói trên Tiền Phong rằng ông "hơi sốc" khi biết dự thảo này. Nếu thực hiện sẽ nảy sinh tiêu cực, bất bình đẳng vì bé gái thì được hỗ trợ, bé trai thì không.

TS Cử cũng băn khoăn, trước một thực tế đa số người theo đuổi sinh con gái đều là những gia đình khá giả, nên không khéo chính sách này không tác động đến đối tượng chính. Vì thế, tính hiệu quả cần phải được xem xét bài bản. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Cử, trước thực tế chênh lệch trai, gái hiện nay, các giải pháp mang tính chất đột phá như vậy là rất cần thiết. Nhưng phải tính toán về mức hỗ trợ, hỗ trợ thế nào, hỗ trợ đến bao giờ. Ít có khi không hiệu quả, nhiều thì ngân sách khó đỡ.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tại Hà Nội, không tin vào việc cấp tiền cho các gia đình sinh con một bề (nữ) lại góp phần mang lại sự cân bằng giới tính. Mặt khác, nó sẽ gây nên sự mất cân bằng và mất công bằng khác.

Bà Vân Anh cho rằng, chúng ta cần tránh việc lập ra đề án mà không mang lại hiệu quả thực tế. Số tiền sử dụng cho đề án này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, tức là tiền của người dân. Nếu không quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, nó sẽ đổ ra sông ra bể. Bên cạnh đó, cũng không ít những ý kiến khác cho rằng đó là một "sáng kiến", cần phải mở rộng.

Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, đây là sáng kiến về dân số và cả gia đình. Nếu chính sách này được ban hành và thực thi, nó sẽ tác động tới một bộ phận người dân, gia đình đang sinh hai con gái, hoặc các gia đình trẻ.
Hà Giang (T.H)

Bình luận(0)