“Bão” hàng lậu đổ bộ vào Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - "Ngăn chặn hàng lậu vào Việt Nam là việc làm bất khả thi vì người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang vô tình "tiếp tay" cho hàng lậu.

Hơn nữa, nếu muốn ngăn chặn có hiệu quả các loại hàng lậu vào Việt Nam thì tiên quyết phải làm trong sạch đội ngũ chống hàng lậu", ông Vũ Vinh Phú, nguyên PGĐ Sở Công Thương Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội nhận định.

Buôn lậu diễn biến phức tạp

Thời điểm cận Tết Âm lịch, các cơ quan quản lý thị trường liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán hàng lậu. Tuy nhiên, số lượng hàng lậu được "tuồn" vào Việt Nam vẫn còn khá lớn. Không chỉ "nóng" với những "cơn bão" hàng lậu ở vùng biên giới như Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn... ở các địa phương khác trên các nước, tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp.

Ngày 1/1/2013 vừa qua, tại vùng biển Cát Bà (Hải Phòng), trinh sát Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ tàu Hải Long 02 do Lê Quang Khởi (23 tuổi, thường trú Nam Định) làm chủ đại diện cùng 7 thuyền viên chở hơn 200 tấn hàng trái phép. Tại thời điểm kiểm tra (lúc 14h ngày 1/1), trên tàu có khoảng 4.000 thùng, trọng lượng hơn 200 tấn gồm gạch men, bát đĩa sứ, kính, bếp gas, vải, rèm, xà phòng... không có hóa đơn chứng từ. 

Ngay tại Hà Nội, lực lượng chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CATP Hà Nội) cũng phát hiện hàng trăm vụ việc liên quan đến hàng lậu. Điển hình như vụ bắt giữ  xe ô tô BKS 20C-011.96 vào rạng sáng 13/12/2012, phát hiện 40 bao, kiện vải, quần áo, trọng lượng khoảng 6 tấn, trị giá hơn 1 tỷ đồng; vụ bắt giữ xe ô tô BKS 98K-5758 chở 283 bao, kiện hàng hóa các loại, trọng lượng khoảng 16 tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng ngày 17/12. 

 Xe của các đầu nậu thường được thay BKS khi lưu thông ở các tỉnh thành khác nhau

Hay như vụ phát hiện 4 xe tải chở đầy quần áo, vải vóc nhập lậu tại ngã tư Mai Động. Cả 4 lái xe đều không xuất trình được giấy tờ hóa đơn chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Đáng chú ý trên xe tải BKS 29C - 210.58 do Tô Văn Kế (SN 1984, quê Nam Định) điều khiển, ngoài 18 bao tải quần áo các loại, còn có thêm một bộ BKS khác dùng để qua mặt lực lượng chức năng trong quá trình vận chuyển. Qua sơ bộ kiểm đếm, cơ quan CA thu giữ trên các xe tải còn lại một lượng lớn hàng nhập lậu: 5 bao tải loại lớn gồm quần áo da, len các loại, 3 bao tải giầy dép trên xe tải BKS 29C - 077.83 do lái xe Hàn Tiến Trung (SN 1986, Đông Anh Hà Nội) điều khiển; 22 bao tải quần áo các loại trên xe tải BKS 29C - 083.3722 do lái xe Đỗ Văn Phú (SN 1979, Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển; 18 bao tải loại lớn (mỗi bao tải gồm 5 kiện vải) trên xe tải còn lại...

Đặc biệt, ngày 4/1 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chị cục quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Phòng CSĐT trật tự quản lý kinh tế và chức vụ PC46 phát hiện và bắt giữ 2 chiếc xe tải đang tập kết hàng hoá ngay tại cổng chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hai chiếc xe tải chở lô hàng này có BKS: 16L-6861 và 30Y-8668. Cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm sơ bộ, trên hai xe tải này có khoảng 27 thùng đồ chơi trẻ em, 24 thùng ô mai. Tuy nhiên, những mặt hàng kể trên đều không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, có chữ Trung Quốc ở bên ngoài.

Nói về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, sở dĩ tình trạng buôn lậu phức tạp và tràn lan ở nước ta, là do việc buôn hàng hóa lậu vào Việt Nam quá dễ dàng, có đường dây chuyên nhập lậu hàng qua biên giới. Khi hàng hóa vào cửa khẩu Việt Nam, đi qua hàng chục tỉnh thành vẫn trót lọt liệu lực lượng quản lý thị trường có tê liệt. "Buôn lậu gà thải loại, trái cây không nguồn gốc xuất xứ tràn lan, buôn lậu điện thoại di động đang “giết chết” ngành công nghiệp điện thoại Việt Nam. Chỉ riêng tại cửa khẩu Móng Cái, mỗi ngày có khoảng 20.000 điện thoại nhập lậu vào Việt Nam", Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho biết. 

Trăm chiêu trò lách luật

Để đưa số lượng hàng lậu lớn vào nước ta, các đầu lậu đã dùng trăm phương nghìn kế để lách luật, trốn sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo Trung tá Nguyễn Văn Võ, Phó đội trưởng, đội Chống buôn lâu và buôn bán hàng cấm (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Càng ngày các đối tượng buôn bán hàng lậu càng tinh vi, khó đoán. Một số đối tượng vận chuyển hàng lậu sử dụng ô tô có biển kiểm soát giả để lưu thông, thậm chí sử dụng nhiều biển kiểm soát giả khi qua mỗi địa phương. Nhiều đối tượng không chỉ sử dụng xe tải, mà còn lợi dụng xe khách, hoặc thuê xe để vận chuyển. Với những chiêu lách luật này, ngay cả khi phát hiện hàng giả, chủ xe chỉ nói là do được thuê chở, không biết khách hàng là ai, nên rất khó xử lý, khiến lực lượng kiểm tra gặp nhiều khó khăn".

"Nhiều khi vận chuyển gà lậu, các đối tượng còn sử dụng chiêu trò pha trộn với một số lượng gia cầm nội địa có nguồn gốc xuất xứ, khiến lực lượng thanh kiểm tra khó phân biệt hàng lậu nên khó xử lý. Hơn nữa, nhiều đối tượng còn mua hóa đơn của các hộ kinh doanh tại biên giới theo chính sách của Nhà nước được sử dụng hóa đơn đến mức 2 triệu đồng. Theo đó, các đối tượng khai hàng hóa chuyển vào nội địa với mức giá thấp hơn giá trị thực. Ví như một đôi giày có giá hàng trăm nghìn nhưng hóa đơn chỉ có vài nghìn, dù biết nhưng không thể xử lý", một cán bộ đội quản lý thị trường tại Hà Nội cho biết. 

Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Trần Khánh Hoàng, Đội phó Đội kiểm tra hàng hoá Trạm kiểm soát liên hợp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến - Trần Khánh Hoàng (Quảng Ninh) cho biết, nhiều chủ nậu không vận chuyển bằng xe ô tô, mà chia lẻ hàng hóa thuê xe ôm chuyên chở. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra với đội ngũ xe ôm để ngăn chặn hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc vào tiêu thụ trong nội địa. Tuy nhiên, đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối để thuê xe ôm vận chuyển hàng nhập lậu qua hai bên cánh gà của Trạm. Ngay cả khi bắt được xe ôm chở hàng lậu thì cũng thiếu chế tài xử lý bởi họ cũng chỉ là người đi vận chuyển thuê.

 Ngăn chặn hàng lậu là vô cùng khó khăn vì người tiêu dùng vẫn vô tình "tiếp tay" cho hàng lậu

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam Đỗ Thanh Minh (Tân Mỹ, Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết: “Đây là thời điểm nóng của nạn buôn lậu. Các đối tượng đầu nậu có nhiều hình thức vô cùng tinh vi như lợi dụng quy định về chế độ ưu đãi cho các cư dân biên giới, rồi hợp thức hóa hàng lậu một cách phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

"Việc phát hiện và xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vô cùng khó khăn; đặc biệt là khi "con đê" chặn buôn lậu từ biên giới còn nhiều lỗ hổng và hành lang pháp lý chưa đủ mạnh. Điều đó dẫn đến hoạt động buôn lậu điển hình là các loại hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không từ phía Bắc về Hà Nội thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Vì lợi nhuận, nhiều khi các đối tượng sẵn sàng có hành vi manh động chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ", cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý (TTQL) kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội cho biết.

Người tiêu dùng tiếp tay cho hàng lậu?

Theo Chủ tịch Hội Siêu Thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú, việc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả là vô cùng khó khăn. Bởi người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang vô tình "tiếp tay" cho hàng lậu. 

"Nếu ai đi mua hàng hóa ở các cửa hàng bán lẻ quần áo, điện thoại, giầy dép, đồ chơi, thường chủ cửa hàng không bao giờ xuất hóa đơn, dù hàng hóa đó có giá thế nào đi nữa. Hơn nữa, rất ít người tiêu dùng đi mua quần áo hay giày dép hỏi hóa đơn hay chứng từ xuất xứ hàng hóa. Họ chấp nhận vì lý do phần nhiều do giá rẻ. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng lậu", ông Phú cho biết.

 Chủ tịch Hội Siêu Thị TP Hà Nội ông Vũ Vinh Phú

Ông Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh: " Việc bắt được hàng lậu ở chợ Đồng Xuân là việc không mấy bất ngờ. Với số lượng hàng hóa ở chợ Đồng Xuân chủ yếu là hàng Trung Quốc, thì trong số đó không ít hàng lậu, hàng giả. Có điều điểm tập kết của khá nhiều hàng lậu này không phải nay mới có".

"Hơn nữa, lực lượng kiểm tra thị trường hiện nay rất mỏng. Ví như ở Hà Nội, với số lượng lực lượng quản lý thị trường như hiện nay mà muốn đi kiểm tra hàng hóa ở các cửa hàng, thì phải ít nhất 7 năm mới lại đến cửa hàng này lần nữa. Trong thời gian hơn 6 năm ấy, chủ cửa hàng có nhập hàng gì, như thế nào cũng không ai biết được. Thậm chí, trong số lực lượng quản lý đó, ai đảm bảo người ta sẽ làm hết trách nhiệm, nếu có người không trong sạch, thì nhiều khi chính trong số lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ có người làm bảo kê cho hàng lậu. Vì thế, hãy làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu, như thế giảm tải được tình trạng buôn lậu như hiện nay", ông Vũ Vinh Phú cho biết.


Lê Hải

Bình luận(0)