Những bí mật về “địa ngục trần gian” ở Sơn La

Google News

(Kiến Thức) - Nhà tù Sơn La, nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" ở Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908, chủ yếu để giam tù thường phạm.

Nhà tù Sơn La nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" ở Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500m2 và chủ yếu để giam tù thường phạm. Sau này, thực dân Pháp đã 2 lần mở rộng diện tích, biến nơi đây thành “địa ngục trần gian”. Thế nhưng, những bí mật từ khi thiết kế, khởi công cho tới lúc đưa vào sử dụng cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhà tù hàng tỉnh
Năm 1895, tỉnh Vạn Bú được thành lập, tỉnh lỵ đặt tại Pá Giang bên bờ sông Đà. Sơn La khi đó chỉ là một địa phận thuộc về Vạn Bú. Năm 1904, thực dân Pháp chuyển tỉnh lỵ về Sơn La và vĩnh viễn xóa tên Vạn Bú. Chúng bắt đầu xây dựng một nhà tù hàng tỉnh giam tù thường phạm.
Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La dẫn chúng tôi lên nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, một khu đất cao nhất ở trung tâm thành phố Sơn La, nơi án ngữ các ngả đường đi Hà Nội - Lai Châu - Tạ Bú. 
Từ đỉnh đồi Khau Cả có thể nhìn bao quát toàn cảnh TP Sơn La và đặc biệt khu đồi này nằm độc lập và gần như tách biệt với dân cư bên ngoài. Vì thế nó rất thuận lợi cho âm mưu của thực dân Pháp khi xây dựng trung tâm giam cầm những người yêu nước.
Nhung bi mat ve “dia nguc tran gian” o Son La
Lính khố xanh ở nhà tù Sơn La năm 1932.. 
Ai xây nhà tù?
Từng có một đận, các nhà sử học trong và ngoài nước tranh cãi xem ai mới thực sự là người cho xây dựng nhà tù Sơn La. Bởi thời gian đó, có ý kiến cho rằng, những tài liệu Pháp để lại lẫn những tài liệu hiện thời không đáng tin cậy và có những lệch lạc so với thực tế.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu các tài liệu của mật thám Đông Dương lưu trữ tại Cục Lưu trữ tài liệu T.Ư Đảng và những nhân chứng địa phương, thì người đốc thúc xây dựng chính là Công sứ Jeanmont Perat. Đây là công sứ đầu tiên của Sơn La, người địa phương quen gọi với cái tên Gioăng Mông Pê Ra.
Chính Gioăng Mông Pê Ra là người duyệt bản thiết kế của Sở Kiến trúc thuộc Nha công chính Bắc Kỳ vào tháng 10/1907. Sang đầu năm 1908, Gioăng Mông Pê Ra đốc thúc gấp rút xây dựng và hoàn thành vào cuối năm.
Sau khi tham vấn các lãnh binh Sơn La, Gioăng Mông Pê Ra đã chọn địa điểm đồi Khau Cả để xây dựng nhà tù. Đó là vị trí có thế đất cao hơn hẳn so với mặt bằng trong vùng. Từ quả đồi này, chúng có thể dễ dàng bao quát được mọi hoạt động xung quanh. Đồng thời có thể cách ly được những tù nhân với dân tộc bản địa. 
Nhung bi mat ve “dia nguc tran gian” o Son La-Hinh-2
Toàn cảnh các bức tường cũ của nhà tù Sơn La. 
Hai lần mở rộng
Khởi thủy của nhà tù Sơn La chỉ là nhà tù hàng tỉnh mang tên “Prison de Vạn Bú” với chức năng là giam giữ những tù nhân thường phạm. Tuy nhiên, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống đế quốc phong kiến thì nhà tù Sơn La thay đổi hẳn tính chất, nên được đổi tên là “peni tencier de Son La”. 
Lúc này, đối tượng giam giữ không chỉ là tù thường phạm ở địa phương nữa mà cả tù chính trị thuộc các đảng phái, trong đó chủ yếu là tù cộng sản. “Từ đây, nhà tù Sơn La không còn tính chất của nhà tù như trước nữa mà trở thành trung tâm giam cầm đày ải những người yêu nước và đúng như cái tên của nó được đổi lại là Ngục Sơn La”, bà Vũ Thị Linh cho hay.
Năm 1930, Công sứ mới của Sơn La là Xanh Pu Lốp cho mở rộng nhà tù thêm 1.500m2. Tường bao quanh nhà tù cũng được xây mới. Ngục Sơn La lúc này gồm 5 nhà giam chính, 3 chòi canh ở 3 góc và 1 chòi canh trung tâm giáp nhà giám binh.
Năm 1933, Xanh Pu Lốp bị đầu độc. Công sứ Cousseau lên thay, năm 1940 ông này tiếp tục cho mở rộng ngục Sơn La thêm 170m2 nữa. Lúc này, hệ thống nhà ngục giam cầm của Sơn La đã tới đỉnh điểm của tội ác. 
Nếu như năm 1930 chỉ có 24 người tù cộng sản từ nhà giam Hỏa Lò bị “phát vãng” lên Sơn La thì tháng 12/1944 con số đó đã lên tới 1.007 tù nhân. Để giết dần, giết mòn thể xác lẫn tinh thần của người tù chính trị, báo cáo của Công sứ Sơn La gửi Thống sứ Bắc kỳ có đoạn như sau: “Chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm”.
Nhung bi mat ve “dia nguc tran gian” o Son La-Hinh-3
Nhà tù Sơn La vốn chỉ là nhà tù hàng tỉnh để giam giữ tù nhân thường phạm. 
Vật liệu xây nhà tù
Để xây dựng được nhà tù Sơn La không phải là đơn giản. Thực dân Pháp đã tính toán rất kỹ lưỡng từ địa điểm, thiết kế, chọn và vận chuyển vật liệu, nhân công... Trong đó, khâu đau đầu nhất là chuyển vật liệu gồm sắt thép và xi măng từ Hà Nội lên Sơn La là khó khăn hơn cả.
Để xây nhà tù, thực dân Pháp tận dụng nguồn đá địa phương. Các tài liệu ghi chú của Sở Mật thám Đông Dương còn ghi rõ, sắt thép, xi măng theo con đường 41 (đường 6 bây giờ - PV) có ô tô chở đến Chợ Bờ (Hòa Bình). Từ Chợ Bờ, phải dùng xe ngựa kéo 220 cây số tới Sơn La.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn tấn sắt thép và xi măng được thực dân Pháp chuyển lên Sơn La. Chúng tận dụng nhân công là các tù thường phạm, các nô dịch địa phương gấp rút xây nhà tù trong năm 1908.
Trong lần mở rộng nhà tù năm 1930, lúc này Công sứ Xanh Pu Lốp chưa có tù chính trị nên vẫn dùng tù thường phạm và nô dịch địa phương xây dựng nhà tù. Năm 1940, chúng bắt ép các tù chính trị tham gia xây dựng. Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La đã lãnh đạo anh em phá âm mưu ấy bằng việc lãn công làm ẩu.
“... Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La, bọn này nếu ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây lên tới Sơn La, chỉ trong vòng 6 tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa”.
(Trích thư công sứ Sơn La Xanh Pu Lốp gửi Thống sứ Bắc Kỳ năm 1932)
Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170m2. Tháng 7/1941, Thống sứ Bắc Kỳ lệnh cho Nha Công chính lập kế hoạch xây dựng 1 nhà giam lớn với diện tích 3.900m2 với mục đích giam cầm thêm 500 – 800 tù chính trị. Mùa mưa năm 1942, do thi công không đảm bảo, toàn bộ công trình sụp đổ.
Thái Hòa

Bình luận(0)