Kỷ lục đồ tùy táng của mộ thuyền Việt Khuê

Google News

(Kiến Thức) - Với con số 107 hiện vật được phát hiện, mộ thuyền Việt Khê thời kỳ Đông Sơn lập kỷ lục chứa nhiều đồ tùy táng nhất tại Việt Nam.

Nhiều hiện vật nhất Việt Nam
Mộ thuyền Việt Khê được phát hiện năm 1961 tại thông Ngọc Khuê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với 107 hiện vật là đồ tùy táng chứa bên trong. Đây là ngôi mộ thuộc thời kỳ muộn của văn hóa Đông Sơn chứa nhiều hiện vật nhất tính đến thời điểm hiện nay. Độ phong phú của các đồ tùy táng được đánh giá là "vô cùng quý giá", bởi nó đưa đến hình dung trực quan, sinh động nhất về đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt cách nay 2.500 năm và được trở thành Bảo vật của Quốc gia.
Mộ thuyền Việt Khê có hình dáng giống con thuyền. Chiều dài gần 3m, đường kính 1m được đẽo hình lòng máng từ gỗ nguyên khối. Hai bên đầu, đuôi của quan tài được ghép ván dày. Các vật tùy táng được bố trí tại vị trí đầu, cuối của quan tài. Mộ nằm theo hướng Đông - Tây và ẩn sâu dưới mặt đất khoảng 1,5m. Một đầu quan tài chứa các hiện vật lớn gồm bình, thạp, đỉnh, trống đồng. Đầu còn lại chứa các công cụ nông nghiệp và vũ khí gồm rìu, đục, dao găm. Những hiện vật này được đặt trong một chiếc hộp gỗ. 
Ky luc do tuy tang cua mo thuyen Viet Khue
Cận cảnh mộ thuyền Việt Khê hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 
Trải qua thời gian, chiếc hộp này đã mục nát khiến các nhà khoa học không xác định được rõ hình thức, kích cỡ của hộp... Hai bên thành quan tài được để các loại giáo, mác mái chèo và một số vật dụng khác. Chính giữa (mặt trên) quan tài có chuông đồng, khay đồng và một mảnh da. Đáy quan tài có các đồ vật như cói, vải... nhưng những đồ vật này đã mục nát. Trung tâm quan tài là vị trí đặt thi hài người chết.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: "Trong số 107 hiện vật trong mộ thuyền thì chất liệu bằng đồng chiếm tỷ lệ tới trên 90% bao gồm: Đục đồng, rìu đồng, dao găm đồng, giáo, mác, kiếm, lao đồng, nạo móc đồng... Đục đồng gồm các loại, đục một, đục bẹt, đục vũm. Rìu gồm 3 loại là rìu hình chữ nhật, hình lưỡi xéo và rìu hình thang. Đặc biệt, trong ngôi mộ này chứa nạo móc đồng, là chiếc nạo đồng đầu tiên được tìm thấy và hình dáng còn khá nguyên vẹn". 
Hiện vật trong mộ thuyền Việt Khê được các nhà nghiên cứu chia thành thành các loại dựa theo tính năng sử dụng như đồ dùng hằng ngày gồm thạp đồng, thố đồng, bình đồng, âu đồng, đỉnh đồng, khay đồng, ấm đồng, muôi gáo hình tẩu... Các loại nhạc khí gồm trống đồng, lục lạc, chuông đồng.
Ky luc do tuy tang cua mo thuyen Viet Khue-Hinh-2
Một hiện vật trong mộ thuyền Việt Khê (ảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). 
Tại sao mộ thuyền Việt Khê được chọn là Bảo vật Quốc gia?
Theo tiêu chí bình xét Bảo vật Quốc gia thì mộ thuyền Việt Khê đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí gồm: Số lượng hiện vật nhiều nhất, độ nguyên vẹn cao nhất, chứa thông tin cách đây hàng ngàn năm nhiều nhất so với các mộ thuyền đã từng phát hiện...
Ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết: "Mộ thuyền Việt Khê là thời kỳ nền tảng của nhà nước Văn Lang. Những hiện vật phát hiện được trong mộ thuyền Việt Khê phản ánh đầy đủ đời sống tín ngưỡng của người Việt vào giai đoạn đó. Trong khi những ngôi mộ khác chỉ chứa 5 - 7 hiện vật thì mộ thuyền Việt Khê chứa tới trên 100 hiện vật, gồm đầy đủ các đồ đồng, sắt, sơn mài... Mộ cũng có kích thước lớn chưa từng có...". 
Vậy những thông tin cho thấy đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt cổ như thế nào? Theo ông Nguyễn Văn Đoàn thì hình thức mộ thuyền phản ánh tập quán của người Việt cổ gắn liền với nông nghiệp lúa nước. Hằng ngày, người ta đi lại bằng thuyền, khi chết cũng chôn bằng thuyền. Điều này cho thấy, không gian văn hóa đi lại bằng thuyền, bè. Người xưa quan niệm về cuộc sống có hai thế giới kể cả khi họ chết. Khi chết, con người thoát khỏi cuộc sống thực và đi đến thế giới khác mà con thuyền là cầu nối dẫn đưa người ta qua lằn ranh giữa hai thế giới đó.
Từ ngôi mộ thuyền, các nhà nghiên cứu có thể dựng lại bối cảnh cuộc sống hồi đó. Chẳng hạn. Kích thước mộ thuyền lớn nhất cho thấy chủ nhân của ngôi mộ là người giàu có. Từ đây có thể suy ra được xã hội của người Việt cổ đã có sự phân hóa giàu - nghèo, đã phân biệt hay manh nha xuất hiện các tầng lớp xã hội. Một số hiện vật là vũ khí bằng đồng cho thấy, thời kỳ này đã có sự xung đột giữa các bộ lạc. Các nhạc khí như trống đồng, lục lạc, chuông đồng... thể hiện sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt cổ đã phát triển đến thời thịnh vượng mà đỉnh cao là nghệ thuật đúc trống đồng. Ngoài ra, các hiện vật khác như đục đồng, rìu đồng... thể hiện trình độ thủ công, chế tác của người xưa đã có tiến bộ mới và trở thành công cụ chính trong hoạt động sản xuất. 
(còn nữa)
"Trong mộ thuyền Việt Khê có một hiện vật là mảnh da thú lớn có sơn . Các nhà khảo cổ học cho rằng, có thể đồ sơn này được du nhập vào cộng đồng người Việt cổ từ thời Chiến Quốc. Bởi loại sơn trên da này còn ở dạng sơ khai, màu giống với đồ sơn của nước Sở".
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đại Dương

Bình luận(0)