Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn”

Google News

"Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn sách tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn”.

Ngày 5/5, tại Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học và Khoa Văn học đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Kim Thiếp Vũ Môn”. Đây là tác phẩm nổi tiếng của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hu cau va su that trong tieu thuyet “Kim Thiep Vu Mon”
Bìa sách tiểu thuyết "Kim Thiếp Vũ Môn". 
Cuốn sách tiểu thuyết lịch sử “Kim Thiếp Vũ Môn” - tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh xuất bản lần đầu tiên năm 2015 và tái bản (có sửa chữa, bổ sung) năm 2017. Đây là tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề, nói về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt Nam trong thăng trầm của lịch sử. Tác giả đã tôn trọng các sự thật có chép trong chính sử và bổ sung những sự kiện lịch sử Việt chưa từng chép. Đây là một điểm sáng làm nên giá trị về nội dung của tiểu thuyết lịch sử “Kim Thiếp Vũ Môn”.
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh cho biết: "Tôi nghĩ thứ nhất tiểu thuyết thì phải hư cấu nhưng có người chỉ lấy một sự tích rồi hư cấu tất cả. Tôi chỉ 1 phần hư cấu, tất cả mọi nhân vật và sự kiện gần như thật 100% chỉ có làm như thế nào kết nối lại thôi. Cái kết dính và tạo cho tâm hồn thì đấy là một phần hư cấu của tôi. Ngay những người phụ nữ đưa vào trong tiểu thuyết thì cũng không hoàn toàn là hư cấu mà phải có cảm hứng thật từ những hình tượng thực mà có thể chính sử không ghi chép mà trong dân gian đặc biệt vùng Hoan Châu, tỉnh Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa đều có sự tích cả".
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, đây là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo một tiền lệ nào cả, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết, là kiếm hiệp, là trinh thám mà còn nhiều hơn thế là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời...
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nho Thìn, Khoa văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: "Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Có lẽ nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng, khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử".
Cuốn sách này có 2 nội dung lớn và đáng chú ý và có thể hứng thú, thứ nhất đặt lại vấn đề về trí tuệ, sáng tạo của người Việt trong lĩnh vực vũ khí thời trung đại mà các tiểu thuyết lịch sử nói chung là các nghiên cứu lịch sử hiện nay chưa được chú ý nhiều. Nội dung đáng chú ý thứ 2 giải thích nguyên nhân chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đối với nhà Minh cũng chính là nhờ phát minh ra súng Hỏa Hổ.
Theo Diệu Linh/VOV-Trung tâm tin

>> xem thêm

Bình luận(0)