Khó tin cách lý giải ý nghĩa hòn đá lạ ở Đền Hùng

Google News

Nhiều người tỏ ra bức xúc trước sự "tuỳ tiện" đưa hòn đá lạ đặt vào di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, một nơi linh thiêng bậc nhất của quốc gia.

Theo như lý giải từ phía ban Quản lý di tích Đền Hùng, hòn đá này mang ý nghĩa tốt lành, có thể hoá giải điềm xấu, cầu may mắn tốt lành đến cho đất nước. Nhưng những lập luận trên đều rất thần bí, thiếu cơ sở khoa học khiến nhiều người nghi ngờ về ý nghĩa mục đích hòn đá này là gì?

Thực hư dùng đá để phá yểm!?

Theo thông tin báo điện tử Người đưa tin tìm hiểu, hòn đá "lạ" có chức năng "phá yểm" đặt tại đền Thượng, trong khu di tích đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Hòn đá này màu xanh, cao 50cm, bề ngang chừng 15cm, dáng dẹt, hai mặt được vẽ xen kẽ giữa các ký tự hán cổ, chữ phạn và những biểu tượng kỳ lạ khó hiểu. Đa số  những người xem hình ảnh của hòn đá lạ này đều không cắt nghĩa được, không biết những hình vẽ và ký tự ghi trên hòn đá này mang ý nghĩa gì.

 Ông Nguyễn Phúc Giác Hải và ông Nguyễn Thế Long đang bàn về ý nghĩa của hòn đá.

Trước hình ảnh kỳ lạ của hòn đá, các blog cá nhân trên mạng đua nhau đăng tải, nó nhanh chóng được lan truyền và thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người. Thậm chí, xuất hiện nhiều lời đồn đoán không có căn cứ, cho rằng hòn đá là một thứ bùa yểm, mang thông điệp xấu có hại đối với dân tộc và đất nước. Trước dư luận trái chiều về hòn đá lạ, ban Quản lý di tích Đền Hùng bước đầu đã có lý giải nhằm trấn an tâm lý người dân. Phía chính quyền của tỉnh Phú Thọ cũng hứa sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về hòn đá kỳ lạ này.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, hòn đá kỳ lạ này xuất hiện tại Đền Hùng vào năm 2009, do ông Nguyễn Đình Khảm (giám đốc một Cty đá quý trong Hội liên hiệp đá quý Việt Nam, ở Hà Nội) cung tiến. Sự việc ông Khảm cung tiến hòn đá kỳ lạ cho đền Hùng được lý giải gắn liền với công tác trùng tu, tôn tạo di tích Đền Hùng trong thời gian 2008 - 2009. Chúng tôi cũng được biết, những ký tự và hình vẽ kỳ bí, khó hiểu ghi trên hòn đá, do ông Nguyễn Minh Thông (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Văn hoá Phương Đông, ở Hà Nội) thực hiện.

Theo giải thích bước đầu, của ông Nguyễn Minh Thông và Nguyễn Tiến Khôi (nguyên giám đốc ban Quản lý khu Di tích Lịch sử Đền Hùng), nguyên nhân xuất hiện của hòn đá nhằm "phá yểm". Căn nguyên của việc này, do trong quá trình trùng tu, các thợ thi công có phát hiện một viên gạch lạ, ghi chữ hán, đặt dưới nền cát. Dòng chữ ghi trên viên gạch này mang nghĩa "đánh đổ đức sáng vua Hùng". Việc phát hiện ra viên gạch cùng với dòng chữ có ý nghĩa không tốt khiến nhiều người nghi ngờ viên gạch là một loại bùa yểm.

Trước việc phát hiện ra viên gạch lạ, ban Quản lý di tích đền Hùng lúc đó là ông  Khôi đã nghĩ cách phá yểm. Người được mời tham gia vào quá trình hoá giải "bùa  yểm" là ông Nguyễn Minh Thông (được cho là một chuyên gia về phong thuỷ). Sau khi nghiên cứu về viên gạch "yểm bùa", ông Thông đã nghĩ cách tìm hòn đá có năng lượng mạnh, đặt vào đền Thượng để phá yểm. Trong quá trình tìm kiếm, ông Thông được ông Nguyễn Đình Khảm công đức viên đá ngọc xanh này. Sau khi có đá, ông Thông đã viết và vẽ những hình thù này. Ý nghĩa của những hình thù trên là để hoá giải nguy nan, cầu phước, cầu lộc.


Thông điệp mù mờ không có  căn cứ khoa học


Sau khi hình ảnh hòn đá được đưa ra, chính tác giả của hòn đá này đã trực tiếp lý giải ý nghĩa của những ký tự và hình vẽ trên hòn đá. Theo ông Thông, các hình khối, chấm tròn được nối với nhau bằng các đường thẳng khắc ghi trên mặt của hòn đá là "Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai" dựa trên trận đồ bát quái trong Binh thư yếu lược của nhà Trần cùng với việc mô phỏng theo trận đồ của Đức Thánh Trần ứng dụng khi đánh quân Nguyên Mông.

Trên mặt của Trận đồ còn có câu mật chú thiền phái Mật Tông (thiền phái xuất xứ ở Tây Tạng, luôn kèm theo những câu thần chú được xem có uy lực vô biên để hoá giải hoạn nạn) để làm tăng hào quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật nhằm giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân. Tác giả của nó cho rằng, "Phải kết hợp linh khí của Phật cùng với linh khí của Đức Thánh Trần thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc" - bản giải trình của ông Thông về hòn đá lạ tới lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.

Cũng theo lý giải của ông Thông, mặt sau của viên đá ngọc, phía trên là Ấn của Vua Hùng (hiện Khu di tích đang dùng), dưới có chạm lá bùa giải bách họa cho nhân dân mà các nhà sư đi tu ai cũng biết. Ông Thông cho rằng: "Từ ngày được hóa giải đến nay, tỉnh Phú Thọ và Khu di tích Đền Hùng được đánh giá là phát triển rất tốt đẹp. Theo năm tháng, viên đá ngọc sẽ ngày càng tích năng lượng thu phát, các địa phương khác cùng với Phú Thọ được hưởng phúc. Ông cũng cam đoan viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm".

Chưa thể khẳng định ý nghĩa thực sự của hòn đá lạ

Trước sự lý giải của ông Thông về ý nghĩa của những ký tự và hình vẽ trên hòn đá. PV trực tiếp đến hỏi các chuyên gia về hán nôm, nhà sử học và tâm linh ý nghĩa thực của những hình vẽ trên hòn đá. Tất cả đều tỏ ra bất ngờ về sự xuất hiện của hòn đá lạ này, cùng với những câu chuyện xung quanh về nguyên nhân sự có mặt của nó ở Đền Hùng. Trong cuộc hội ý giữa ông Nguyễn Thế Long, nguyên chuyên viên Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hán Nôm và ông Nguyễn Phúc Giác Hải, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng Con người, PV đặt nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc trên, hai chuyên gia này đã thẳng thắn đưa ra ý kiến.

Theo ông Long, các chữ Hán cổ khắc ghi trên đá đều mang ý nghĩa tốt đẹp, hoá giải tai ương, cầu phước lành. Những dòng chữ Phạn được trích từ các câu thần chú của phái Mật Tông mà các nhà sư hay tụng niệm để cầu an lành. Theo ông Long, bản thân ngôn ngữ có ý nghĩa tốt đẹp, nhưng chưa thể khẳng định nó có thể mang lại may mắn hay không. Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cho rằng, các hình vẽ rất khó hiểu. Chân đế, tám mặt đều khắc quẻ Càn, những hình vẽ được cho là trận đồ bát quái thiên tinh chưa thấy hình của cửu diệu (9 chòm sao trong tư tưởng của người Phương Đông), trong khi đa số hình đều 6 ngôi trong khi cửu diệu không có hình chòm sao 6 ngôi. Bản thân hai chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về tư tưởng Phương Đông này đều thực sự khó cắt nghĩa, họ tỏ ra nghi ngờ về ý nghĩa thực của hòn đá này.


GS. Phan Huy Lê, chủ tịch hội KHLS Việt nam: “Việc đền Hùng  bị yểm bùa chưa có sử liệu nào ghi chép”.

Theo Giáo sư sử học, nhà giáo nhân dân, chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, ông Phan Huy Lê, ông chưa từng biết tới việc đền Hùng bị một đạo sĩ thời Nguyên Mông yểm bùa được một tài liệu nào chép lại. Ông thực sự bất ngờ về hòn đá lạ xuất hiện ở Đền Hùng, bản thân ông rất quan tâm về việc này và hứa sẽ có một bình luận chính thức sau khi trực tiếp xem hòn đá.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Người đưa tin

Bình luận(0)