“Giải mã” bộ đồ cúng nghìn tuổi ở xứ Mường

Google News

(Kiến Thức) - Bộ đồ cúng của gia đình ông Bùi Văn Rẩy ở xóm Trọng, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình gồm một hàm răng hóa thạch mà gia đình ông gọi là răng "khủng long", một chiếc rìu đá, khuyên tai đá, lộc hươu, răng hổ... 

Những vật này được truyền qua 7 đời và chứa đựng những câu chuyện thú vị về văn hóa nguyên thủy của người Mường...

"Bén duyên" với mảnh xương lạ

Theo lời kể của ông Bùi Văn Rẩy thì hàm răng "khủng long" hóa thạch được lưu truyền trong dòng họ Bùi ở xứ Mường Bi được 7 đời nay. Sở dĩ gia đình ông cùng bà con chòm xóm gọi mảnh xương hóa thạch kỳ lạ này là xương "khủng long" bởi vì kích cỡ của nó to hơn gấp nhiều lần so với hàm răng những con vật mà người dân được thấy trước đó. Nhiều người cho rằng chỉ có khủng long mới có răng to như vậy nên gọi mảnh xương lạ là răng "khủng long".

Khi được đề nghị xem hàm răng "khủng long" hóa thạch, ông Rẩy miễn cưỡng vào nhà lấy trên ban thờ ra một vật được bọc bằng vải đỏ. Tay run run mở vật thiêng ra ông bảo: "Các chú chỉ được xem ít thôi nhé, vật này không thể đem ra ngoài lâu".

Nói rồi ông lôi ra một mảnh xương hóa thạch to bằng viên gạch, đó là một mảnh răng hàm rất lớn. Những chiếc răng hàm có chiều dài khoảng 4cm chiều ngang gần 2cm mọc khít với nhau. Rìa mỗi chiếc răng đều có những nếp nhăn hình răng cưa nhô lên, ở giữa lõm hình lòng chảo.

 Đồ thờ cúng thể hiện sự kết nối giữa lịch sử và truyền thống của
người Mường.

Ông Rẩy kể: "Các cụ trong gia đình kể rằng, gốc tích của hàm răng hóa thạch này được cụ tổ cách đây 7 đời nhặt được ngay tại xứ Mường Bi (thuộc huyện Tân Lạc ngày nay - PV). Khi cụ đi hái củi đến chân núi Cột Cờ - ngọn núi được mệnh danh là biểu tượng Mường Bi thì vấp phải một vật làm móng chân bị bóc ra khiến máu chảy rất nhiều. Nhìn lại vật mình vấp phải thì cụ tổ thấy hòn đá có hình dáng kỳ lạ. Cầm lên nhìn kỹ hơn thì phát hiện ra đó là hàm răng của một con vật to lớn. Lưỡng lự một lúc, cụ ném hàm răng đá xuống chân núi và tiếp tục leo núi hái củi. 

Lúc quay xuống cụ đi vòng sang sườn bên kia núi chứ không quay lại đường cũ. Nhưng mảnh xương kia như bén duyên với cụ, không hiểu bằng cách nào mà cụ lại đá phải mảnh xương đó một lần nữa. Mặc dù vậy cụ tổ vẫn ném mảnh xương ra bìa rừng. Ngày hôm sau khi cụ tổ lên núi hái củi lại tiếp tục đá phải mảnh xương. Sự việc này cứ lặp đi rồi lặp lại trong khoảng 5 ngày liên tiếp khiến cụ hoảng hốt. Lúc đó có người phán, mảnh xương đó là vật thiêng, nó đã bén duyên với cụ thì cụ phải rước nó về để thờ cúng, nó sẽ là thần bùa che chở cho cả gia đình, dòng họ. Vậy là cụ tổ tôi cầm về từ đó".

 Mảnh xương được cho là xương "khủng long" thực chất là
xương voi châu Á.

Răng "khủng long" làm bùa

Mảnh xương "khủng long" của gia đình ông Rẩy bấy lâu nay được để chung với những "linh vật" khác như rìu đá, vòng khuyên, răng hổ, lộc hươu... dùng để làm bùa yểm. Tất cả những vật này đều được ông Rẩy để ở nơi trang trọng là ban thờ sơn son thiếp vàng trong ngôi nhà thờ rộng đến hai gian.

Khi chúng tôi đề nghị được xem tất cả những đồ cúng mà ông Rẩy thường dùng, ông vào ban thờ lấy ra một gói đồ gồm những vật cổ của dòng họ để lại, ông Rẩy chỉ cho chúng tôi biết công dụng từng đồ vật của một thầy cúng xứ Mường. Theo đó, muốn gia đình, dòng họ được yên ấm thì phải dùng hàm răng "khủng long" làm vật trấn yểm trong nhà, tránh ma quỉ vào nhà quấy phá. Còn bộ đồ bao gồm rìu đá, lộc hươu, nanh hổ... thì dùng làm đồ yểm bùa trừ khử ma quỷ cho thiên hạ, cầu mong cho gia đình người khác yên ấm, mùa màng bội thu.

Thông thường, trước khi ông Rẩy đi cúng cho hàng xóm thì ông phải thắp hương cho hàm răng "khủng long" trước để thần giữ của biết là ông đi làm phúc cho thiên hạ, thần ở nhà trừ đuổi ma quỉ, che chở cho con cháu. Khi đi cúng cho hàng xóm về ông lại phải thắp hương "báo cáo" một lần nữa để thần biết.

Theo ông Rẩy thì chính vì có hàm răng "khủng long" bảo vệ, cộng với việc ông đi làm phúc cho hàng xóm như có người ốm thì bốc thuốc không lấy tiền, cúng trong các lễ dựng vợ gả chồng, ma chay... cho bà con chòm xóm nên gia đình ông mới được tích đức, mấy chục năm rồi trong nhà không xảy ra cãi vã hay xung đột gì giữa anh em, con cái trong gia đình.

 Bộ đồ thờ cúng có độ tuổi 3.000 - 4.000 năm của người Mường.

Xương "khủng long" thực chất là xương voi

Trước những "linh vật" kỳ lạ được dùng làm đồ cúng của gia đình ông Rẩy, chúng tôi đã gửi hình ảnh những "linh vật" đến các chuyên gia khảo cổ nhờ giúp đỡ.

PGS.TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam không mấy bất ngờ khi nhìn thấy những "linh vật" này. Theo đó, hàm răng "khủng long" thực chất là hàm răng của voi châu Á, có tên khoa học là Eliphas maximus, còn những vật cúng khác như lộc hươu, nanh hổ, vành khuyên, rìu có vai... đều là những vật rất cổ. Chẳng hạn như chiếc rìu có vai và chiếc khuyên tai bằng đá ở vào giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí và có độ tuổi từ 3.000 - 4.000 năm. 

Những hiện vật này đã được phát hiện ở rất nhiều nơi trong đó có tỉnh Hòa Bình. Sự kết hợp giữa những hiện vật cổ xưa và các nghi lễ văn hóa như mo Mường, yểm bùa... sẽ là tư liệu quí giúp ngành khảo cổ học và nghiên cứu văn hóa tìm thêm những mật mã văn hóa còn chìm ẩn trong cộng đồng người Mường.

TIN LIÊN QUAN 
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Văn Quách

Bình luận(0)