Xem hoạt hình nhiều, trẻ nhận thức lệch lạc

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà tâm lý cho rằng, việc xem quá nhiều phim hoạt hình, không lựa chọn nội dung phim phù hợp có thể khiến trẻ nhận thức lệch lạc về cuộc sống. 

Ảo tưởng về cuộc sống
Theo ThS tâm lý Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm, việc xem phim hoạt hình nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ không phải là không có cơ sở. Thật ra, phim hoạt hình từ lâu đã khẳng định vị trí được yêu thích bởi vô số các em nhỏ trên khắp thế giới. Không thể phủ nhận tính giải trí cũng như tính giáo dục mà phim hoạt hình đem lại đối với trẻ nhỏ. Cũng như truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, phim hoạt hình sử dụng các nhân vật là những con vật, đồ vật trong đời sống thực, khoác cho chúng một lớp tính cách nào đó để từ đó đưa ra những bài học một cách tự nhiên về cuộc sống...
Tuy nhiên, vẫn theo ThS tâm lý Trần Mạnh Hoàng, phim hoạt hình hiện nay khá đa dạng, bên cạnh những bộ phim hoạt hình có nội dung phù hợp như đã nói, thị trường phim hoạt hình giờ có thêm nhiều dạng phim hoạt hình có diễn biến nhanh, nội dung đi vào các vấn đề lớn, cao siêu và ảo tưởng. Những loại phim hoạt hình này có thể trở thành mối đe dọa về nhận thức của trẻ nhỏ đối thế giới thực tế.
Đồng quan điểm, TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết thêm, khác với những năm trước, hiện nay thị trường phim, truyện hoạt hình xuất hiện nhiều phim hoạt hình xây dựng các nhân vật theo mô tuýp siêu thực, phi thực tế như phim siêu nhân... Trẻ rất thích những bộ phim kiểu này tuy nhiên những bộ phim này lại có nguy cơ khiến trẻ có cái nhìn lệch lạc, ảo tưởng về một thế giới không có thực.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, hiện nay rất nhiều cha mẹ ngại chơi với con. Thay vì trò chuyện, chơi đùa cùng con thì cha mẹ lại bật phim hoạt hình cho xem suốt ngày. Các nghiên cứu cho thấy, những năm 70 trẻ bắt đầu xem hoạt hình khi 4 tuổi thì nay trẻ được cha mẹ cho xem khi mới vài tháng tuổi. Thời gian xem cũng ngày càng kéo dài hơn. Ước tính có đến 2/3 trẻ ở tuổi mẫu giáo xem tivi hoặc nhìn vào một màn hình điện thoại, máy tính bảng... trên 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Chưa nói đến tác hại về thị lực, việc để trẻ xem hoạt hình quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng lười vận động thể chất, ngại quan hệ giao tiếp, dẫn đến sống khép kín.
Nhiều cha mẹ cho trẻ xem phim hoạt hình suốt ngày thay vì trò chuyện, chơi đùa cùng con.  
Cha mẹ phải là người thẩm định
TS Trương Thị Kim Oanh cho biết, nội dung phim hoạt hình quá đa dạng, trong khi trẻ nhỏ lại chưa thể nhận thức được vì vậy phụ huynh khi cho con xem hoạt hình phải là người "thẩm định" nội dung. Tuổi nào, xem cái gì là điều các bậc phụ huynh cần phải chú ý, không thể cho một đứa trẻ 2 - 3 tuổi xem những bộ phim về siêu nhân hay những bộ phim có cảnh yêu đương, tán tỉnh nhau... Ngoài ra, cha mẹ nên dành thời gian cùng xem với con để đưa ra những nhận xét, bình luận, hoặc đặt câu hỏi cho con. Việc này vừa giúp con hiểu nội dung phim vừa tạo sự kết nối gần gũi cha mẹ với con trẻ...
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần phải biết "khống chế" thời gian xem hoạt hình của trẻ mỗi ngày. 60 - 90 phút là khoảng thời gian phù hợp, ngoài thời gian này, cha mẹ nên hướng con vào những hoạt động khác như chơi trốn tìm, đọc thơ, kể chuyện, đi giao lưu với các bạn hàng xóm... Các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng, bất kỳ một đứa trẻ ở độ tuổi nào cũng nên làm thân với những người bạn thật ngoài đời để lớn lên và phát triển hơn trong các mối quan hệ. Ngoài ra, một đứa trẻ luôn cần có sự quan sát, tưởng tượng và sáng tạo phong phú về thế giới thực tế xung quanh. Chúng cần được tiếp xúc, giao hòa với thiên nhiên, cuộc sống thực tế xung quanh, hơn là sống với thế giới ảo của những bộ phim hoạt hình.
Các nhà tâm lý học của khoa Tâm lý Ứng dụng & Phát triển Con người thuộc trường Đại học Toronto (Canada) đã tiến hành nghiên cứu về tác động của phim hoạt hình đối với trẻ nhỏ. Các nghiên cứu đã chỉ ra chính những nhân vật hoạt hình ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ, bởi những nhân vật trong phim hoạt hình không hoàn toàn giống với cuộc sống thực khiến cho trẻ nhỏ có cái nhìn khác về cuộc sống.
Đức Anh

Bình luận(0)