Người Mỹ dao động trước làn sóng điện thoại Trung Quốc

Google News

Alcatel, Huawei, ZTE kỳ vọng giá bán hấp dẫn cho những điện thoại Trung Quốc chất lượng sẽ giúp họ chiếm trọn cảm tình của người dùng Mỹ.

Mối quan hệ truyền thống giữa người mua điện thoại và các hãng di động Mỹ đang dần thay đổi. Theo truyền thống, các nhà cung cấp như AT&T, Sprint, T-Mobile hay Verizon là cánh cổng chính nếu người dùng muốn mua bất kỳ chiếc điện thoại nào, tất nhiên, kèm theo hợp đồng sử dụng mạng của họ.
Hai năm gần đây, T-Mobile đã đạt được những thỏa thuận bán điện thoại không kèm hợp đồng - động thái làm thay đổi toàn ngành công nghiệp di động nước Mỹ. Người Mỹ lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác tự do, vốn không xa lạ gì ở những nước đang phát triển.
Nguoi My dao dong truoc lan song dien thoai Trung Quoc
Huawei sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bán smartphone (như chiếc P8 Lite) trực tiếp đến người dùng Mỹ. Ảnh: Cnet.
Đây cũng là xu hướng các hãng điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei, Alcatel và ZTE nhắm đến để khai thác. Thay vì chỉ bán những gì nhà mạng cho phép, họ thiết lập những shop riêng, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ. Họ kỳ vọng xây dựng nhận thức thương hiệu với thế hệ người dùng mới của nước Mỹ. Với người dùng, họ có thêm hàng loạt lựa chọn sản phẩm mới, chất lượng tốt, hợp túi tiền hơn.
Nhiều người Mỹ không biết Huawei nhưng thực sự, họ là một thế lực đáng gờm. Năm 2011, Huawei công khai đặt một mục tiêu bị xem là bất khả thi: nằm trong top 5 hãng di động lớn nhất trong 3 năm.
Bằng các chiến dịch marketing “hung hãn”, họ đạt được mục tiêu của mình. Huawei hiện là nhà sản xuất lớn thứ 4 thế giới, mặc dù họ tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng tại Mỹ. Hai năm trước, họ thiết lập một website chuyên bán di động tại Mỹ. Hiện tại, họ bán ba smartphone, một tablet, một thiết bị đeo thông minh qua website này. Chế độ bảo hành một năm, hỗ trợ trực tuyến bằng live chat, mở diễn đàn để tạo cộng đồng là cách họ thiết lập mối quan hệ trực tiếp với khách hàng.
Giống Huawei, Alcatel và ZTE cũng nhắm đến người dùng Mỹ, đầu tiên bằng việc thiết lập quan hệ đối tác với T-Mobile. Tháng 4 năm nay, Alcatel (thuộc tập đoàn điện tử TCL) ra mắt website để quảng bá chiếc OneTouch Idol 3. Đây là chiếc smartphone Android tầm trung, giá bán 250 USD, không khóa mạng.
“Thị trường Mỹ là chìa khóa đối với bất cứ nhà sản xuất nào nếu muốn tăng thị phần trên toàn thế giới”, Carolina Milanesi - nhà phân tích của Kantar Worldpanel chia sẻ. “Trung Quốc có thể giúp họ tăng thị phần trong chốc lát nhưng không bền vững”.
Mặc dù các con số vẫn rất khiêm tốn (74% người dùng Mỹ hiện chọn mua điện thoại từ nhà mạng), theo Kantar Worldpanel, nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng, ngày càng nhiều người quan tâm đến điện thoại mở mạng. Trên hàng loạt trang công nghệ lớn những ngày gần đây, chủ đề được quan tâm nhất chính là “điện thoại mở mạng" (unlocked phone).
Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc còn một chặng đường rất dài để thuyết phục người dùng Mỹ. Ít nhất, họ phải khiến người Mỹ mua những chiếc máy cao cấp như Huawei P9, ZTE Nubia Z9, thay vì những sản phẩm lẻ tẻ như hiện tại.
Tại sao người Mỹ phải chọn một smartphone đến từ thương hiệu ít tên tuổi khi trong tay họ còn hàng tá những lựa chọn an toàn từ Apple, LG, Samsung, HTC. Các nhà phân tích gọi đây là yếu tố “sức ỳ của hành vi”. Thay đổi một thói quen người dùng không hề dễ dàng.
Khả năng định giá tốt và chiến lược chăm sóc khách hàng sẽ là chìa khóa để các nhà sản xuất Trung Quốc vượt qua rào cản này. Vấn đề giá đã quá rõ ràng. Trong khi đó, chẳng may một chiếc điện thoại của bạn bị mất sóng, liệt cảm ứng không rõ nguyên nhân, bạn muốn hỏi rõ vấn đề trực tiếp từ nhà sản xuất hay qua một bên thứ 3 như nhà mạng? Phần lớn sẽ chọn phương án đầu tiên.
Theo kết luận của Cnet, nếu có một nhà sản xuất cho ra mắt smartphone với đầy đủ tính năng của dòng cao cấp ở mức giá chỉ bằng một nửa, người dùng Mỹ sẽ dũng cảm nới lỏng thói quen bị kìm kẹp bấy lâu nay của họ.
Theo Zing

Bình luận(0)