“Hàng rào sắt” chống cận thị học đường: Phản khoa học

Google News

(Kiến Thức) - Một trường tiểu học Trung Quốc đã lắp khung thép ở bàn học, giúp học sinh tránh cận thị, tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc này là phản khoa học.

Đóng khung trong tư thế bất động
Chỉ vừa nghe đến phương pháp chống cận thị học đường bằng cách sử dụng các khung thép cố định tư thế ngồi học của học sinh, TS Lê Anh Dũng, Giám đốc Công ty Thiết bị trường học Việt Nam đã khẳng định, đó là phương pháp phản khoa học. Ông phân tích: "Con người cần phải luôn luôn vận động, dù học sinh có ngồi trong tư thế trật tự thì cũng vẫn phải có những vận động nhất định như nghiêng ngả, xoay người, đưa tay lên xuống... 
Nếu lắp khung chống cận như vậy, trẻ phải ngồi cố định như bị đóng khung trong tư thế bất động sẽ không tốt. Chúng ta biết rằng, mọi sự cố gắng trong vận động tư thế, ví dụ như cố gắng để ngồi yên, cố gắng vươn người lên, hay cố gắng để cố định tư thế... trong thời gian lâu chắc chắn sẽ dẫn đến quá trình oxy hóa; mà cơ thể con người già đi do quá trình oxy hóa thải ra các gốc tự do". 
TS Lê Anh Dũng cho rằng, tuyệt đối không nên để trẻ duy trì trạng thái ngồi bó buộc trong một vị trí, sẽ tạo tư thế bất động, không phù hợp với hoạt động học tập. Sự cố gắng để ngồi lâu trong tư thế đó sẽ khiến trẻ mau mỏi mệt, căng thẳng, gây tâm lý ức chế, ảnh hưởng đến hứng thú tiếp thu bài học. Học sinh cần được vận động chứ không nên ngồi cứng đơ, bó buộc trong khung như vậy. 
Ngoài ra, việc đưa ra khoảng cách 30cm hay 50cm chỉ có tính chất tương đối, mỗi đứa trẻ cần được ngồi thoải mái nhất ở khoảng cách phù hợp với cá nhân mình, có thể là 25 - 30cm hay thậm chí là 40 - 50cm. Đó là còn chưa nói đến việc học sinh tiểu học thì từ lớp 1 - 5 cũng có thể trạng, vóc dáng cao thấp khác nhau, không thể đưa ra một ví trí cố định áp dụng chung cho tất cả. 
Cũng theo TS Lê Anh Dũng, khoảng cách ngồi đọc hay viết nếu đặt cố định còn gây tác động bất lợi cho thị lực. Bởi độ căng võng mạc đàn hồi theo vị trí ta nhìn một vật, nếu lúc nào cũng chỉ nhìn đúng vị trí đó, khoảng cách đó, võng mạc sẽ quen dần với việc cố định độ căng ở vị trí nhất định, mà không phải đàn hồi, căng giãn gì nhiều. Điều này sẽ khiến mắt chỉ quen nhìn ở một cự ly nhất định, nên nhìn xa hoặc nhìn gần hơn sẽ khó khăn.
“Hang rao sat” chong can thi hoc duong: Phan khoa hoc
Khung thép chống cận thị. 
Cần nhiều yếu tố khác
Theo BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư, trẻ bị cận thị là do nhiều yếu tố, mà việc ngồi sai tư thế chỉ là một trong số đó. Ánh sáng không đủ hoặc quá thừa, xem tivi, dùng máy tính nhiều, không có thời gian cho mắt nghỉ ngơi cũng là những nguyên nhân cần chú ý. Để bảo vệ đôi mắt cho trẻ, không chỉ cần ngồi đúng tư thế ở trên lớp mà cha mẹ cũng cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp ở nhà. 
Chẳng hạn như nhắc con ngồi học đúng tư thế, ánh sáng đầy đủ, bàn ghế đạt chuẩn, tốt nhất là nên dùng bàn học có mặt phẳng nghiêng, khi học phải xen kẽ nghỉ ngơi để mắt được thư giãn. Nên thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, vừa rèn luyện thể lực, vừa giúp cho mắt được quan sát, hoạt động ở không gian rộng thoáng, tập thói quen nhìn xa. 
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa & Đèn tiết kiệm Điện năng cho biết, ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị lực học đường. Để đảm bảo ánh sáng tốt nhất cho học tập, độ rọi sáng trên mặt bảng, bàn học phải đạt tiêu chuẩn từ 300 - 500 lux và phải đồng đều trong toàn lớp. Loại đèn tốt nhất để học là loại đèn sử dụng bóng compact với ánh sáng ấm và phải được lắp đặt với chao chụp đúng quy cách để ánh sáng đèn không rọi thẳng vào mắt người học. 
Trường tiểu học Chương Lâm ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã lắp những khung thép chống cận vào bàn học của học sinh. Những khung này được thiết kế cho hai vị trí, một vị trí lúc viết, một vị trí lúc đọc, để học sinh không nhìn sách vở quá gần, giúp các em có tư thế ngồi đúng đắn và đọc, viết đúng cự ly...
Huy Khánh

>> xem thêm

Bình luận(0)