Đột phá sản xuất xăng từ không khí

Google News

Công ty Air Fuel Synthesis (có trụ sở tại Anh) vừa tuyên bố có thể "sản xuất xăng từ không khí" đã gây nhiều hoài nghi trong dư luận...

- Thông tin Công ty Air Fuel Synthesis (có trụ sở tại Anh) vừa tuyên bố có thể “sản xuất xăng từ không khí” đã gây nhiều hoài nghi trong dư luận trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đây sẽ là bước đột phá lớn giúp con người thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

CO2 từ không khí +  H2 từ nước =  xăng

Bằng cách sử dụng một máy lọc nhỏ tổng hợp nhiên liệu từ khí cacbonic và hơi nước, Công ty Air Fuel Synthesis (AFS) đã sản xuất được 5 lít xăng từ tháng 8/2012. Hiện AFS đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ mới này.

Công nghệ này liên quan đến việc pha trộn không khí với natri hiđroxit (NaOH) để tạo ra natri cacbonat (Na2CO3), sau đó điện phân chất này để giải phóng cacbon dioxit (CO2) tinh khiết. Tiếp đó, CO2 phản ứng với hydro (H2) điện phân từ nước để tạo thành hỗn hợp hydrocacbon, với điều kiện phản ứng khác nhau tùy thuộc vào loại nhiên liệu mong muốn.

Nhiên liệu được sản xuất có thể được chứa trong bất kỳ loại bình xăng nào. Ngoài ra, nó có thể được pha trộn trực tiếp với xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Trong vòng hai năm tới, AFS sẽ xây dựng được một nhà máy có quy mô thương mại sản xuất 1 tấn xăng/ngày. Đồng thời, AFS cũng muốn mở rộng việc sản xuất nhiên liệu máy bay “xanh” giúp quá trình đi lại bằng đường hàng không thân thiện với môi trường hơn.

Thiết bị điều chế xăng từ không khí.
Thiết bị điều chế xăng từ không khí.

Cần có giới hạn

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia về động cơ đốt trong và cơ khí động lực, thuộc LHH TPHCM, việc chiết xuất CO2 trong không khí và hydro trong nước, sau đó chuyển hóa chúng thành các thành phần trong xăng dầu là điều hoàn toàn có thể, chứ không phải là một chiêu thức đánh bóng tên tuổi của các công ty nghiên cứu.
 
Ngoài AFS, một số các công ty khác cũng đã sử dụng các chất xúc tác có gốc kim loại như xúc tác MnSi O2, MoSi O2, OsSi O2 cùng với than hoạt tính đã được thử nghiệm để chuyển hoá  CO2 và H2 thành khí metan (CH4).

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công của nghiên cứu thăm dò bước đầu. Để có thể sản xuất lớn, còn cần có thời gian để hoàn chỉnh bí quyết kỹ thuật và công nghệ đi kèm đồng bộ.

Với nghiên cứu này, nhu cầu sử dụng năng lượng của loài người không còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt vì tốc độ khai thác của con người lớn hơn tốc độ trầm tích tự nhiên.

Hơn nữa, việc chiết xuất khí CO2 từ không khí có tác dụng loại bỏ loại khí chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính, do đó nó được coi là "Chén Thánh" của nền kinh tế xanh. Đây không chỉ là giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu mà còn tác động tích cực đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cũng cảnh báo, việc tái chế khí CO2 thành nhiên liệu sử dụng trong các động cơ có thể làm biến đổi cảnh quan môi trường và nền kinh tế thế giới. “Việc dùng CO2 và hơi nước trong tương lai để sản xuất xăng nhân tạo cũng sẽ phải có giới hạn. Bởi cây xanh cần phải có CO2  để sinh trưởng”- PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhắn nhủ.
Loại xăng mới này có màu sắc và mùi giống hệt  xăng bình thường nhưng khi sử dụng nó không tạo ra nhiều khí thải độc hại như xăng sản xuất từ dầu thô. “Đến cuối năm 2014, nếu có đủ ngân sách, chúng tôi có thể sản xuất xăng dầu bằng cách sử dụng năng lượng tái chế và tiến hành khai thác thương mại”.
Ông Peter Harrison (Giám đốc điều hành Công ty Air Fuel ynthesis)
P.Khanh – H.Nguyên
[links()]

Bình luận(0)