Ẩn số cuộc đời người phát triển chữ Quốc ngữ

Google News

Vì tôn vinh, cổ súy và truyền bá chữ Quốc ngữ mà cuộc đời ông, cả con cháu ông sau này cũng trải qua biết bao thăng trầm hệ lụy

- Nếu như Alexandre de Rhodes (Pháp) là một trong những người khai sinh ra chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII thì Nguyễn Văn Vĩnh là người có công phát triển chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Vì tôn vinh, cổ súy và truyền bá chữ Quốc ngữ mà cuộc đời ông, cả con cháu ông sau này cũng trải qua biết bao thăng trầm hệ lụy. Cho đến nay, khi cuộc sống bớt khó khăn hơn, các nhà khoa học, nhà sử học, xã hội học, các con cháu của ông đều mong muốn làm sáng tỏ sự thật về ông.
[links()]
Học ké đỗ cao

Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi tìm đến được ngôi nhà nhỏ trong con phố Lương Sử C, Hà Nội, tư gia của cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh - ông Nguyễn Lân Bình, nguyên cán bộ Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao.

Ông Bình tiếp chúng tôi trong căn phòng khách gọn gàng, ấm cúng, đồng thời cũng là phòng thờ.
 
T10-Ong-nguyen-Van-Vinh.jpg
 


Trên ban thờ gia tộc là ảnh cụ Nguyễn Văn Vĩnh cắt tóc cao, vầng trán rộng cùng các bức ảnh vợ và các con cháu.

Thấy tôi cứ ngắm nghía các bức ảnh cùng đồ thờ, bộ bàn ghế cổ, ông Bình cười và cho biết: "Ông tôi có 3 người vợ. Cha tôi là người con thứ 8 và là của bà cả. Tổng cộng là 16 anh chị em - sử sách trước đây ghi sót mất một, đó cũng là lỗi của các cụ không nhắc nhở nên con cháu mãi gần đây mới hiểu".

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh mất năm 1936 khi cha ông Bình tròn 15 tuổi nên những kỷ niệm về cụ được kể lại qua người cha của ông.

Ông Bình nói: "Cụ Vĩnh sinh năm 1882, quê gốc Hà Đông, từ nhỏ sống ở 46 Hàng Giấy. Cụ Vĩnh được cha cho đi chăn bò thuê ở bãi Long Biên và rất hay bị đòn vì tội mải chơi. Đến 8 tuổi cụ được vào làm chân kéo quạt cho trường Hậu Bổ (trường đào tạo những người học xong ra bổ nhiệm  làm phiên dịch cho chính quyền thực dân Pháp ở đình Yên Phụ, phố Phó Đức Chính bây giờ).

Khi mới vào làm, các học viên trong lớp đã học sang năm thứ 2, nhiều người tỏ ra kém cỏi, không phúc đáp được thầy khi làm bài tập, cậu bé chăn bò Nguyễn Văn Vĩnh liền nhắc bài nên thường bị phạt.

Khi Vĩnh 10 tuổi thì lớp học mãn khóa. Thầy giáo người Pháp nhận thấy cậu bé Vĩnh thông minh bèn cho cùng thi tốt nghiệp với cả lớp và cậu đỗ thứ 12/40. 10 tuổi, bé quá không thể vào làm ở bất kỳ đâu, nhà trường quyết định cho học lại từ đầu!

Cậu về nhà xin cha cho đi học lại, cha Vĩnh quát: Một là đi kéo quạt, hai là tiếp tục chăn bò, tiền đâu mà học. Không thấy Vĩnh đến trường, thầy giáo Tây đến tận nhà mới biết sự thể và khẳng định:

Học không mất tiền! Vậy là cậu Vĩnh mới được đi học chính thức. Kết thúc 4 năm học, Vĩnh đỗ đầu bảng nhưng 14 tuổi không thể bổ nhiệm được.

"Sau, nhờ một nhân vật người Pháp xin nhà cầm quyền cho sử dụng, đưa cậu lên làm cho tòa sứ ở Lào Cai. Đây là một trường hợp hy hữu trong lịch sử Việt Nam, chi tiết này đã quyết định vận mệnh và cuộc đời của cậu sau này", ông Bình nói.

Do làm ở sở Tây nên cụ có nhiều sách báo để đọc, sau này cụ theo đuổi nghề báo chí dịch thuật và xuất bản - có lẽ cũng từ điểm xuất phát đó. Làm việc với người Pháp, nhưng cụ có tấm lòng đặc biệt với người dân Việt, luôn cổ súy cho việc dùng chữ Quốc ngữ bởi lẽ:

"Nước Nam ta mai sau này hay hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ", vì thế đôi ghế tràng kỷ cụ cho thuê thợ mộc thể hiện bằng chữ Quốc ngữ với những câu chuyện của La Fontaine.

Ông Bình cho biết, năm 1979 người bác dâu là bà Nguyễn Giang - con dâu thứ hai của cụ Vĩnh chuyển vào Nam sinh sống đã đồng ý nhượng cho người hàng xóm đôi ghế này.

Biết tin, ông Bình đã đến và xin chuộc lại đôi ghế để giữ làm kỷ niệm. Đôi ghế có chữ ký của cụ Vĩnh được sử dụng gần 100 năm đã nhuốm màu thời gian nhưng những nét chạm, nét khắc tinh tế, sắc nét được đánh giá là đôi ghế cổ duy nhất ở Việt Nam có xuất xứ rõ ràng và có nội dung bằng tiếng Việt.
 
T10-Vinh1.jpg
Tấm áp phích của Sứ quán Pháp giới thiệu bộ phim cuộc đời, sự nghiệp của cụ Vĩnh.
 
Đào vàng trả nợ

Sau khi làm chủ bút của nhiều tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ như Đăng cổ Tùng báo 1907, Đông Dương tạp chí 1913, Trung Bắc Tân văn 1917... do liên tục lên án triều đình Huế và phê phán chính sách cai trị của chính phủ thuộc địa, chính quyền đương thời đã làm nhiều cách để cản trở sự nghiệp xuất bản của cụ.

Năm 1931, cụ Vĩnh buộc phải lập tờ báo riêng bằng tiếng Pháp vì tiếng Pháp không phải xin phép. Tờ Nước Nam mới ra đời và cụ làm cho đến khi qua đời .

Khi viết báo bằng tiếng Pháp, cụ tiếp tục bộc lộ quan điểm chính trị mạnh mẽ nên năm 1935, chính quyền thực dân Pháp thấy quá nguy hiểm và tìm cách chấm dứt hoạt động báo chí của cụ. Chúng đưa cho cụ 3 con đường để chọn lựa.

Một là vào Huế làm thượng thư, hai là đi tù dù chỉ 1 ngày thì không phải tịch biên và bị ép phá sản, ba là sang Lào đào vàng trả nợ cho khế ước vay nợ cách đó 10 năm để phát triển báo chí và công nghệ in ấn.

Việc ép cụ đóng cửa tòa báo, ép cụ trả nợ tức thì khiến cụ rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Với lòng tự tôn và bản chất luôn vì danh dự, cụ Vĩnh đã chọn cách thứ 3, sang Lào đào vàng trả nợ. Sau khi ra đi được 1 tháng thì gia đình nhận được thông báo: Cụ chết trên một chiếc thuyền độc mộc giữa dòng sông Sêpôn, trên tay cầm cuốn sổ tay, tay kia vẫn nắm chặt cây bút.

Những nghi ngờ về cái chết

Theo lời người thân của ông Bình kể lại, ngày 2/5/1936, gia đình nhận được tin cụ mất vì bị kiết lỵ và sốt rét ?!

Chính quyền thực dân ra chiều quan tâm đã tạo điều kiện để gia đình sang Lào nhận thi thể. Khi tới nơi, toàn thân cụ tím đen đến nỗi không nhận ra được. Gia đình đặt nhiều dấu hỏi về cái chết của cụ... liệu có phải vì kiết lỵ và sốt rét?  Toàn thân tím đen là vì sao?

Còn về người cùng đi tìm vàng với cụ, theo tư liệu ông Bình hiện có, đó là một người Pháp lấy vợ Hưng Yên, do làm ăn thua lỗ đã được giới thiệu đến rủ cụ cùng đi tìm vàng...?!

Người Pháp này có tên là Climentte, xuất xứ là dân đảo Cooc - nơi 90% người dân làm nghề cai ngục. Sau khi cụ mất, Climentte đã trở về Hà Nội và được xóa nợ, được nhận rất nhiều bổng lộc của nhà cầm quyền!   
  
Với công lao to lớn trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, ngày 17/2/2012 tại LHH KH&KTVN tổ chức một hội thảo "Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ". Hội thảo nhằm trao đổi về văn bản kiến nghị nhà nước xem xét lấy một ngày trong năm để kỷ niệm Chữ viết Quốc gia và thành lập Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá toàn bộ sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, vai trò lịch sử và những đóng góp của ông trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
:
Khánh Thủy (ghi)

Bình luận(2)

Minh Hiền

Vũ Văn Mạnh

Nhất trí hoàn toàn về kiến nghị cần có ngày kỷ niệm chữ viết Quốc gia hàng năm.
Một đề nghị nữa: Nên đặt lại tấm bia ghi lịch sử về chữ Quốc ngữ trước đây đã đặt tại khu vực đền Bà Kiệu-Hà Nội.
Xin cảm ơn.

Minh Hiền

Nguyễn Lê Ninh

Tôi xin nêu ý kiến, nên chọn ngàygia đình Cụ Vĩnh nhận được tin báo tử của Cụ (Mồng 2 tháng .5 )làm ngày đánh dấu sự kết thúc quá trình phát triển chữ Quốc ngữ của Việt Nam do Cụ Vĩnh làm Người Việt đầu tiên tiến hành và đặt tên là :
"Ngày chữ Quốc ngữ - Nguyễn Văn Vĩnh"
Tôi cũng rất nghi ngờ Cụ bị thực dân Pháp thủ tiêu bằng thuốc độc tại nơi không có ai làm chứng cho cái chết bí ẩn hiểm độc này. Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, chính lòng yêu nước của Cụ thể hiện qua chính kiến và lòng tự trong của Cụ - một trí thức thức thời đã sớm đưa Cụ về với Tổ tiên.