Khách hàng ngậm “quả đắng” vì dính “bẫy” chủ đầu tư

Google News

(Kiến Thức)- Không xem xét kỹ hợp đồng mua nhà trước khi ký, nhiều khách hàng lọt vào “trận đồ bát quái” của chủ đầu tư rồi đành ngậm ngùi ôm quả đắng.

Trong khi thị trường trầm lắng, ít giao dịch thì thời gian qua, những vụ kiện tụng, tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án rầm rộ, nổi lên như tâm điểm của giới bất động sản và phần lớn những tranh chấp đó, thua thiệt đều thuộc về khách hàng bởi lỗi “bút sa gà chết” khi vội vàng ký các hợp đồng mua bán.

Hàng loạt khách hàng “sập bẫy”

Được xem là chung cư “vip” thuộc hàng cao cấp, đắt đỏ nhất Hà Nội nhưng kể từ khi đưa vào sử dụng nhiều năm nay, Golden Westlake chưa khi nào yên ổn vì những tranh chấp kéo dài giữa cư dân và chủ đầu tư là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing.

Cho rằng sảnh chính tòa nhà và 2 hầm B1, B2 thuộc sở hữu của mình nên chủ đầu tư ép cư dân phải bỏ ra số tiền gần 1 tỷ đồng mua chỗ để ô tô tại hầm B1 trong 38 năm, tiền gửi ô tô đóng lẻ hàng tháng cũng được đơn vị này đưa ra với mức “cắt cổ” lên tới 2,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ngay từ khi tòa nhà đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đã cho bịt các lối vào cầu thang máy và thang bộ từ sảnh đầu hồi được thiết kế riêng cho mỗi tòa nhà buộc toàn bộ cư dân của 2 tòa nhà đi chung lối vào tại sảnh chính.

Bức xúc trước việc làm của chủ đầu tư, hàng trăm cư dân tập chung phản đối, gửi đơn lên các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. 

Rõ ràng theo điều 70, khoản 3 Luật Nhà ở, “phần sở hữu chung” trong nhà chung cư bao gồm: hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, nơi để xe..thì có vẻ như Hà Việt Tung Shing đang vi phạm. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cũng khẳng định, phụ lục 1 phần B của nội quy chung trong hợp đồng mua bán nhà có nêu rõ, diện tích kho tầng hầm là một trong những công trình tiện ích không phải diện tích chung mà thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing. Do đó, chủ đầu tư cho rằng họ có quyền trong việc định giá thuê. Quy định trong hợp đồng mua bán mà cư dân đã đặt bút ký, đồng ý với toàn bộ điều khoản quy định cũng thể hiện sảnh chính thuộc quyền sở hữu của Hà Việt Tung Shing.

Mới đây, nhiều khách hàng của dự án N07 B2 và NO7 B3  tại đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vô cùng bức xúc khi bị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thanh Bình đẩy vào thế “sự đã rồi”. Nộp hết 5 đợt tiền theo quy định, đến khi nhận nhà, nhiều khách hàng mới “té ngửa” khi chủ đầu tư thông báo giá bán bị tăng thêm từ 1,1 đến 1,67 triệu/m2 tùy theo căn hộ so với hợp đồng gốc. Tính ra, để được nhận nhà, khách hàng phải bỏ thêm ra số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Bức xúc là tâm trạng chung của hầu hết khách hàng, thế nhưng, khi “soi” lại hợp đồng mua bán đã trót ký với chủ đầu tư vài năm trước đó thì mức giá ghi trong hợp đồng đều được ghi là giá “tạm tính”.

 Khách hàng của Thanh Bình tới phản đối chủ đầu tư.

Trong khi khách hàng sôi sùng sục vì khoản tiền lớn từ trên trời rơi xuống thì phía chủ đầu tư ung dung trả lời “ Hợp đồng có ghi rất rõ: “Trong trường hợp bên mua thanh toán toàn bộ Tổng giá trị Hợp đồng tạm tính một lần tại thời điểm ký hợp đồng, Bên Bán sẽ tính đơn giá bán nhà cố định như thông báo. Như vậy, giá tính trong các lần nộp tiền của khách hàng chỉ là giá tạm tính. Sau khi hoàn thiện công trình, chúng tôi đã mời công ty kiểm toán độc lập để kiểm tra và đưa ra mức giá phù hợp với khách hàng”.

Chung cảnh “bút sa gà chết”, hàng nghìn khách hàng tại dự án USilk City cũng đang sống dở chết dở vì đổ tiền tỷ vào dự án này nhưng đã quá hạn hơn 1 năm mà không được giao nhà.

 Khách hàng đang sống dở chết dở với dự án Usilk City.

Usilk City từng được quảng cáo rầm rộ, quy mô lớn với 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 - 50 tầng, diện tích 9,2ha và mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào năm 2009 được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận Hà Đông. 3 tòa cao tầng thuộc khu CT1 có dự kiến bàn giao vào tháng 2/2012. Các tòa nhà khác sẽ được dự kiến bàn giao từ tháng 6/2013.

Tuy nhiên, hiện trong số 13 tòa nhà, mới có 5 tòa nhà đang  xây dựng dở dang, còn lại vẫn ở dạng móng và bị đắp chiếu nhiều tháng nay. Trong khi đó, hầu hết khách hàng mua nhà tại dự án này đều đã đóng tiền tới 70% - 80% giá trị căn hộ, thậm chí nhiều người còn đóng hết 100% cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long. Nhiều khách hàng của USilk City cho biết, tại thời điểm mở bán dự án, ai cũng lao đầu vào mua vì thấy quy mô hoành tráng, chủ đầu tư uy tín sau khi hoàn thiện khu đô thị Văn Khê, Hà Đông mà không xem xét kỹ điều khoản hợp đồng. “Đáng lẽ chúng tôi phải yêu cầu Sông Đà Thăng Long được đóng tiền theo tiến độ dự án chứ không có chuyện đóng theo quý, theo tháng mà không quy định tiến độ dự án như thế nào, vì vậy mới có chuyện tiền đã giao hết mà nhà chẳng thấy đâu”, anh Thành, một khách hàng của Sông Đà Thăng Long cho hay.

Đầu tháng 4 vừa qua, Sông Đà Thăng Long lại tiếp tục cáo lỗi với khách hàng khất bàn giao căn hộ do chậm trễ thi công khi thiếu vốn.

Để tránh “bẫy” của chủ đầu tư

Nắm bắt nhu cầu về nhà ở, tâm lý nóng vội của người dân, trong đó có không ít người muốn “lướt sóng, đầu cơ”,  không ít chủ đầu tư đã tung ra nhiều dự án với lời quảng cáo hấp dẫn. Tin theo quảng cáo, nhiều người đã vội vàng ký hợp đồng và bỏ ra số tiền không nhỏ để mua nhà tại các dự án mà không biết những bản hợp đồng này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, trong đó khách hàng lại có rất ít quyền lợi.

Với hầu hết dự án mua bán nhà theo dạng đầu tư, góp vốn như hiện nay, chủ đầu tư đều là bên công bố mẫu hợp đồng mua bán nhà, Nội dung chính của hợp đồng đều được chủ đầu tư soạn thảo sẵn và luôn đưa ra hướng có lợi cho mình, hạn chế đến mức thấp nhất nghĩa vụ bồi thường của chủ đầu tư. Còn về phía khách hàng chỉ có thể được đọc, nếu đồng ý thì ký. Hiếm hoi lắm mới có trường hợp chủ đầu tư chịu điều chỉnh nội dung hợp đồng theo ý kiến của khách hàng, nếu có cũng chỉ là những phần không quan trọng. 

Theo luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự, phần lớn trong các hợp đồng mua bán nhà, các quy định liên quan đến bên mua thường rất chặt chẽ trong khi trách nhiệm của bên bán lại rất chung chung, mơ hồ. Ví dụ như có trường hợp đến thời hạn nộp tiền, khách hàng chỉ cần chậm vài ngày sẽ bị phạt tơi bời, thậm chí, bên bán có quyền hủy hợp đồng, bên mua phải bồi thường từ 10 – 15% số tiền đã đóng. Trong khi đó, chủ đầu tư thi công chậm tiến độ, thì viện ra muôn vàn lý do để trốn tránh trách nhiệm, bên mua có quyền hủy hợp đồng nhưng chỉ được nhận lại đúng số tiền đã đóng….

“Trước khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, khách hàng nên xem xét thật kỹ các quy định, từng câu chữ trong hợp đồng. Hợp đồng phải rõ ràng, rành mạch, nhất là về các vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay như sở hữu chung, riêng, thời gian giao nhà, các khoản phạt, bồi thường chậm giao nhà bao gồm cả thời gian gia hạn hay chất lượng công trình…Nếu khách hàng không có kinh nghiệm thì tốt nhất nên nhờ luật sư xem hợp đồng, tư vấn trước khi quyết định”, ông Hưng nói.
Minh Tùng

Bình luận(0)